Nơi này hoàn toàn không có ai sinh sống – một thị trấn ma đúng nghĩa, kết quả của một dự án phát triển bất động sản xa hoa và đầy tham vọng nhưng “sai lầm”

Hàng trăm biệt thự đang được xây dựng dở dang ở Burj Al Babas. Ảnh: Getty Images
Hàng trăm biệt thự đang được xây dựng dở dang ở Burj Al Babas. Ảnh: Getty Images

Burj Al Babas nằm tọa lạc giữa Istanbul và Ankara, trong một khu vực rất giàu truyền thống lịch sử, được thông bao phủ và sở hữu nguồn suối nước nóng phong phú. Ngoài ra, thung lũng này còn mang dáng dấp của một bộ phim cổ tích Disney với các biệt thự được xây dựng thành hàng theo thiết kế giống hệt nhau, đặc trưng bởi phần tháp mái. Bất cứ ai có dịp chứng kiến sương mù buổi sớm phủ lên những tháp mái này cũng đều dễ dàng cảm nhận ra một cảnh tượng mơ màng, nhưng khi nhìn kỹ thì lại thấy có gì đó không đúng. Đường đi giữa các dãy nhà vẫn chưa được hoàn tất, mặt đất ngổn ngang rác thải, ... và nơi này hoàn toàn không có ai sinh sống – một thị trấn ma đúng nghĩa, kết quả của một dự án phát triển bất động sản xa hoa và đầy tham vọng nhưng “sai lầm”.

Thị trấn lịch sử Mudurnu mang nhiều giá trị di sản từ thời Ottoman. Ảnh: Alamy
Thị trấn lịch sử Mudurnu mang nhiều giá trị di sản từ thời Ottoman. Ảnh: Alamy

Cách trung tâm Burj Al Babas khoảng vài dặm là thị trấn lịch sử Mudurnu, nơi từng là điểm dừng chân quan trọng trên Con đường Tơ lụa (Silk Road)1 và hành trình đến bán đảo Krym2 thời Ottoman (1299 – 1922). Tuy nhiên, vị thế quan trọng về mặt thương mại này đã dần suy giảm theo thời gian; Mudurnu được chuyển đổi để trở thành một trung tâm công nghiệp gia cầm của Thổ Nhĩ Kỳ, và nay thì ưu tiên phát triển du lịch theo sáng kiến của Cục Quản lý Di sản văn hóa Mudurnu. Giới chức Thổ Nhĩ Kỳ cũng đang nỗ lực vận động UNESCO công nhận Mudurnu là Di sản văn hóa thế giới. Đầu thập niên 2000, Mudurnu và các suối nước nóng xung quanh đã nhận được sự quan tâm của rất nhiều nhà đầu tư bất động sản, bao gồm tập đoàn Sarot Properties – chủ sở hữu hai khách sạn suối nước nóng nổi tiếng trong vùng. Sarot ấp ủ một kế hoạch xây dựng đầy hấp dẫn nhưng cũng cực kỳ rủi ro – tổ hợp các biệt thự nghỉ dưỡng kết hợp mua sắm, giải trí cao cấp hướng tới đối tượng khách hàng là những ông chủ Ả Rập. Dự án ngay lập tức đã vấp phải sự chống đối kịch liệt từ các cộng đồng dân cư Mudurnu và Burj Al Babas, bất chấp những lời hứa hẹn về lợi ích mà nó có thể mang lại cho nền kinh tế địa phương. Nhiều người đã vô cùng phẫn nộ trước sự ngó lơ hoàn toàn, dù là vô tình hay cố ý, của các nhà phát triển đối với di sản văn hóa Mudurnu. “Họ đã vẽ kế hoạch để chiều lòng những khách hàng do chính họ tưởng tượng ra mà không hề bận tâm tới nguy cơ xung đột các giá trị”, chuyên gia bảo tồn di sản đô thị Ayse Ege Yildirim nhận định.

Câu chuyện về thị trấn “ma” ở Burj Al Babas là một ví dụ cho thấy những kế hoạch phát triển được xây dựng một cách duy ý chí, thiếu cơ sở khoa học (xa rời nhu cầu thực tế của thị trường), tất yếu sẽ gây ra rất nhiều tai họa, không chỉ trên phương diện kinh tế mà còn đặt các giá trị di sản trước vô số rủi ro khôn lường. Điều đáng tiếc là thực trạng này lại đang diễn ra khá phổ biến tại nhiều quốc gia đang phát triển, bao gồm cả Việt Nam.

Mặc dù vậy, dự án vẫn được triển khai từ năm 2014. Sarot đã bỏ ra gần 200 triệu USD để xây dựng 587/732 căn biệt thự theo như bản vẽ. Nhưng trước những khó khăn bủa vây trong đợt suy thoái kinh tế năm 2018, bên cạnh việc đồng lira mất giá mạnh (so với USD), Sarot đã tuyên bố phá sản và hoạt động thi công tại Mudurnu bị dừng vô thời hạn. Nhưng câu chuyện vẫn chưa kết thúc ở đó. Năm 2020, Sarot được tái cấu trúc và hội đồng quản trị mới của công ty tin rằng họ có thể bán đủ số biệt thự – khoảng 100 theo ước tính – để trả nợ và tiếp tục phát triển. Cách đây không lâu, tập đoàn NOVA Group Holdings (Mỹ) đã mua lại toàn bộ dự án từ Sarot. Mujat Guler, CEO của NOVA Thổ Nhĩ Kỳ, cho biết: “Chúng tôi đã tiếp quản kế hoạch của Sarot và đang tích cực tìm kiếm khách hàng từ các quốc gia vùng Vịnh”.

Dự án đươc vẽ nhằm thu hút các khách hàng giàu có từ vùng Vịnh. Ảnh: Getty Images
Dự án đươc vẽ nhằm thu hút các khách hàng giàu có từ vùng Vịnh. Ảnh: Getty Images

Theo Yildirm, một vài kịch bản có thể xảy ra trong thời gian tới, tùy vào chiến lược của NOVA. Thứ nhất, Burj Al Babas vẫn sẽ chỉ là một thị trấn ma. Thứ hai, NOVA quyết định hoàn thành tất cả các hạng mục của dự án khổng lồ này. Và cuối cùng, ông tự hỏi liệu NOVA có thể tiếp tục theo đuổi dự án nhưng với một thiết kế được điều chỉnh theo hướng hài hòa, hợp lý và ít “phô trương” hơn? Tuy nhiên, không ai dám nói trước việc dự án có thể được cứu vãn hoặc nó có nên được cứu vãn hay không.

Chú thích:
1. Con Đường Tơ Lụa là một hệ thống các tuyến buôn bán nổi tiếng, kết nối châu Á với châu Âu (hay phương Đông và phương Tây) đã tồn tại suốt cả nghìn năm. Tuyến đường này khởi đầu từ Phúc Châu, Hàng Châu, Bắc Kinh, Trường An (Trung Quốc) đi qua Mông Cổ, Ấn Độ, Afghanistan, Kazakhstan, Iran, Iraq, Thổ Nhĩ Kỳ, Hy Lạp, khu vực Địa Trung Hải và gần như toàn bộ châu Âu. Nó có tổng chiều dài hơn 4.000 dặm (6.437 km).
2. Hãn quốc Krym (chư hầu của Đế quốc Ottoman) kiểm soát bán đảo Krym trong giai đoạn thế kỷ 15 – 18, trước khi bị Đế quốc Nga chiếm đóng. Do sự tan rã của Liên Xô (1991), Krym được cắt về cho Ukraine, đến năm 2014 thì bị Nga sáp nhập.