Li-Cycle tuyên bố công nghệ tái chế của mình giúp thu hồi tới 95% khoáng chất trong pin và xả ra môi trường lượng nước thải tối thiểu.

Ngày 12/4, tại Toronto, Canada, VinES Energy Solutions (“VinES”) và Li-Cycle Holdings Corp. (“Li-Cycle”) đã công bố ký hợp đồng tái chế pin dài hạn. Theo đó, bắt đầu từ năm 2024, Li-Cycle sẽ trở thành đối tác tái chế chiến lược cho các vật liệu pin do VinES sản xuất tại Việt Nam.

Theo thỏa thuận hợp tác, Li-Cycle sẽ đánh giá khả năng xây dựng một nhà máy tái chế pin chuyên dụng (Spoke) nằm gần nhà máy sản xuất của VinES tại Hà Tĩnh, Việt Nam.

Quyết định đầu tư liên quan đến nhà máy dự kiến sẽ được đưa ra vào năm 2025. Trước mốc thời gian trên, Li-Cycle sẽ sử dụng mạng lưới cơ sở tái chế pin ở Bắc Mỹ để triển khai thỏa thuận tái chế với VinES.

“Bằng cách tái chế phế liệu sản xuất pin và tái tuần hoàn pin đã sử dụng vào ngành công nghiệp di chuyển và lưu trữ năng lượng toàn cầu, chúng ta có thể xây dựng chuỗi cung ứng bền vững, đồng thời giảm thiểu tác động đến môi trường,” bà Phạm Thùy Linh, Tổng giám đốc của VinES, phát biểu.

Trước đó, hai bên đã có quan hệ hợp tác, công bố lần đầu tiên vào tháng 10/2022. Theo đó, VinES và Li-Cycle sẽ nghiên cứu các giải pháp tái chế toàn cầu cho nhà sản xuất xe thuần điện VinFast.

VinES là công ty duy nhất ở Việt Nam sản xuất pin lithium-ion với công nghệ và chất lượng cao. Các nhà máy của VinES có dây chuyền tự động hóa cao, hệ thống kiểm soát chất lượng thông minh và được thiết kế với sự linh hoạt để sản xuất danh mục sản phẩm đa dạng - từ tế bào pin (battery cell) đến đóng gói pin (battery pack) cho xe ô tô điện, xe máy điện và các ứng dụng khác như hệ thống lưu trữ năng lượng.

VinES có hơn 300 nhà khoa học, nhà nghiên cứu và kỹ sư. Mới đây, bên cạnh nhà máy sản xuất ở khu kinh tế Vũng Áng (tỉnh Hà Tĩnh), VinES đã đưa vào hoạt động một cơ sở sản xuất pin lithium-ion tại tại khu phức hợp VinFast Hải Phòng.

Ngoài ra, VinES còn hướng tới hợp tác với các đối tác công nghệ pin hàng đầu trên thế giới để trở thành một nhà cung cấp giải pháp năng lượng toàn diện.

Li-Cycle (mã niêm yết trên sàn giao dịch chứng khoán New York: LICY), thành lập năm 2016 tại Canada, hiện có 4 hệ thống tái chế (3 ở Mỹ và 1 ở Canada) với khả năng xử lý 51.000 tấn vật liệu pin lithium-ion (bất kể hình dáng, kích thước, thành phần hóa học) mỗi năm.

Một
Một Hub tái chế của Li-Cycle. Nguồn: cihconline.com

Pin lithium là loại pin phổ biến nhất trên thế giới hiện nay, được sử dụng trong điện thoại di động, laptop cũng như cung cấp điện cho hộ gia đình, xe ô tô, thậm chí là trạm vũ trụ quốc tế.

Hầu hết pin litium hết tuổi thọ (không thể sạc lại) bị đem chôn lấp, nhưng pin lithium có rất nhiều vật liệu quý như lithium, coban, đồng, nikel…

Tái chế chính là công việc để thu hồi những vật liệu quý này và đưa chúng trở lại chuỗi sản xuất, đồng thời góp phần giảm việc khai thác mỏ, giảm rác thải, giảm giá thành sản xuất pin.

Tuy nhiên không phải công nghệ tái chế nào cũng giống nhau. Công nghệ luyện kim tiêu hao nhiều năng lượng và tác động tiêu cực đến môi trường, được coi là không bền vững.

Li-Cycle tái chế các vật liệu quan trọng của pin bằng hệ thống 'Spoke' và 'Hub', trong đó số Spoke nhiều hơn Hub. Tại Spoke, chất thải sản xuất pin và pin chết sẽ được cắt nhỏ. Quá trình này diễn ra trong khi pin được ngâm trong bể chứa chất lỏng độc quyền. Kết quả là nhựa, đồng, nhôm và bột màu đen nổi lên. Bột màu đen - thành phần quan trọng nhất thu hồi được - là một chất chứa 40% than chì và một lượng nhỏ lithium, niken và coban. Nó còn được gọi là 'khối đen'.

Nhựa và các kim loại được đem bán cho các đối tác tái chế của Li-Cycle. Trong khi đó, bột đen được vận chuyển đến "Hub", nơi lithium, niken, coban - những nguyên liệu thô quý hiếm, có thể dùng làm tiền chất trong việc chế tạo các vật liệu pin quan trọng - và nhiều nguyên tố khác được chiết xuất trong quá trình thủy luyện.

Li-Cycle tuyên bố công nghệ của mình giúp thu hồi tới 95% khoáng chất trong pin và xả ra môi trường lượng nước thải tối thiểu.