Mỹ đang đa dạng hóa các nhà cung cấp chip bán dẫn bằng cách chuyển hướng sang Thái Lan, Việt Nam, Ấn Độ và Campuchia, thay vì phụ thuộc phần lớn vào Đài Loan và Trung Quốc như trước đây.
Số lượng chip bán dẫn nhập khẩu của Mỹ đã tăng 17% so với năm ngoái, lên 4,86 tỷ USD trong tháng Hai, theo dữ liệu của US Census (Cục Thống kê Dân số Mỹ). Các nước châu Á cung cấp 83% trong số đó. Ấn Độ ghi nhận các lô hàng bán dẫn tăng 34 lần lên 152 triệu USD, trong khi Campuchia đạt mức tăng trưởng ấn tượng 698% - vươn lên vị trí thứ 8 trong số các nhà cung cấp chip bán dẫn cho Mỹ. Đây là mức tăng trưởng ấn tượng nhất từ trước đến nay của Campuchia.
Việt Nam và Thái Lan đều có thị trường sản xuất chip bán dẫn lớn hơn nhiều so với các nước trên, lần lượt ghi nhận mức tăng 75% và 62% số lượng chip bán dẫn nhập khẩu vào Mỹ. Việt Nam chiếm hơn 10% số lượng chip bán dẫn nhập khẩu của Mỹ trong 7 tháng liên tiếp.
Theo số liệu vào tháng 2 của US Census, Việt Nam là nhà cung cấp chip bán dẫn lớn thứ ba của Mỹ, sau Malaysia và Đài Loan. Malaysia hiện vẫn nhà cung cấp chip bán dẫn hàng đầu của Mỹ, nhưng thị phần của họ đã giảm xuống còn 20% trong tháng Hai.
Đây được xem là động thái "phân tán" nhà cung cấp chip bán dẫn, trong bối cảnh các quan chức Mỹ đã nhiều lần bày tỏ lo ngại rằng Mỹ đang phụ thuộc quá mức vào một số nhà cung cấp nước ngoài, chẳng hạn như Đài Loan và Hàn Quốc, để sản xuất chip bán dẫn tiên tiến nhất. Đài Loan đã tăng các chuyến hàng chip bán dẫn đến Mỹ lên 4,3% so với năm ngoái và vẫn chiếm 15% kim ngạch nhập khẩu của Mỹ.
Chip bán dẫn là một cấu phần quan trọng trong các thiết bị điện tử như máy tính, điện thoại, hàng gia dụng. Theo tờ Bloomberg, mối quan hệ xấu đi giữa chính quyền Mỹ và Trung Quốc đã buộc mỗi quốc gia phải suy nghĩ lại về chiến lược cung cấp của mình xoay quanh chip bán dẫn khi chỉ riêng công ty Taiwan Semiconductor Manufacturing Company (TSMC) đã chiếm khoảng 50% sản lượng chip bán dẫn toàn cầu.
Nguồn:
Hoàng Nhi tổng hợp