Đại diện hai nước vừa có các cuộc đối thoại xoay quanh 3 vấn đề chính: thúc đẩy năng lượng tái tạo; thiết lập câu lạc bộ về sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả; và xem xét tiềm năng hydrogen xanh tại Việt Nam.
Từ ngày 28 đến 30/11, Bộ Kinh tế và Hành động Khí hậu CHLB Đức đã có chuyến thăm, làm việc với Bộ Công Thương và các bên liên quan đến lĩnh vực năng lượng ở Việt Nam. Chuyến thăm mở ra những cơ hội mới trong việc hợp tác hai bên để cùng hướng tới mục tiêu trung hòa carbon (Net Zero) trong vòng 20-30 năm tới. Có 3 nội dung chính được thảo luận tại các phiên đối thoại, bao gồm:
1. Vận hành hệ thống điện có tỷ trọng năng lượng tái tạo cao
Việt Nam và Đức đều đang có xu hướng phát triển hệ thống điện với tỷ trọng năng lượng tái tạo cao. Ngày 29/11, trong buổi trao đổi tại trụ sở Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), phía Đức đã nêu lên những thách thức khi vận hành hệ thống điện, như luồng công suất ngược, khó khăn trong công tác dự báo, hệ thống chưa ổn định, khó khăn trong quản lý công suất dự phòng,…
Để giải quyết những bài toán này, chuyên gia của hai bên đã chia sẻ nhiều sáng kiến với nhau, bao gồm việc thiết kế thị trường điện tập trung vào cả sản xuất và tiêu thụ điện, tính toán giá điện theo thời gian thực, lấy nhà tiêu dùng làm trung tâm; xây dựng các nền tảng đấu thầu dịch vụ quản lý nghẽn lưới; thúc đẩy sử dụng những thiết bị có thể điều khiển được và ứng dụng trí tuệ nhân tạo vào những tài sản năng lượng tái tạo; nâng cao hoạt động dự báo mất cân bằng hệ thống.
2. Thiết lập Câu lạc bộ Hiệu quả năng lượng
Chương trình quốc gia về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả giai đoạn 2019 – 2030 (VNEEP III) đặt mục tiêu đưa tiết kiệm năng lượng trở thành hoạt động thường xuyên đối với các cơ sở sử dụng năng lượng trọng điểm và các ngành kinh tế trọng điểm tiêu thụ nhiều năng lượng.
Đứng trước nhiệm vụ này, trong buổi thảo luận ngày 29/11, các bên - gồm Hội Khoa học công nghệ sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả Việt Nam (VECEA), Trung tâm nghiên cứu và phát triển về Tiết kiệm năng lượng (ENERTEAM) và các hiệp hội về thiết bị điện, năng lượng và môi trường Đức - đã đề cập ý tưởng hình thành các câu lạc bộ về hiệu quả năng lượng.
Các câu lạc bộ này sẽ giúp kết nối các doanh nghiệp có địa bàn gần nhau, đặc thù tương đối giống nhau có thể hỗ trợ nhau về kỹ thuật, máy móc, thiết bị. Qua đó giúp nâng cao chất lượng của hoạt động kiểm toán năng lượng và quản lý năng lượng.
Trong ngày làm việc, hiệp hội hai nước đã ký kết một văn bản phác họa ý tưởng (letter of Intent) để đánh dấu cam kết hỗ trợ phát triển lĩnh vực sử dụng năng lượng hiệu quả, tiết kiệm ở Việt Nam.
3. Chính sách phát triển hydrogen xanh
Hydrogen xanh là công nghệ quan trọng trong thúc đẩy chuyển dịch năng lượng, và là giải pháp tối ưu cho các lĩnh vực khó giảm phát thải khí nhà kính. Thực tế, việc phát triển nhiên liệu hydrogen cũng đang được các nhà quản lý Việt Nam cân nhắc trong vài năm gần đây.
Tham gia hội thảo “Xây dựng Chính sách phát triển năng lượng tái tạo và tiềm năng phát triển Hydrogen xanh tại Việt Nam” do Bộ Công Thương tổ chức vào ngày 30/11, phía Đức cho biết phát triển hydrogen sạch là một trong năm trụ cột chiến lược chính để nước này hiện thực hóa mục tiêu giảm phát thải ròng xuống 0, bên cạnh các chiến lược thúc đẩy năng lượng tái tạo; loại bỏ than; tăng cường sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả; và điện hóa các ngành giao thông, vận tải, nhiệt, công nghiệp.
Phía Đức tin rằng Việt Nam có nhiều điều kiện thuận lợi để sản xuất hydrogen xanh, nhưng sẽ cần chính sách và quan hệ đối tác để đảm bảo thành công. Bên cạnh đó, phần lớn năng lực sản xuất hydrogen phục vụ xuất khẩu có thể sẽ hình thành dựa trên quan hệ đối tác song phương với các điều kiện tài chính ưu đãi và hợp đồng cung ứng dài hạn. Theo cách tiếp cận này, Việt Nam có thể có chi phí sản xuất đủ thấp để cạnh tranh trên thị trường thế giới.
Tại hội thảo, các chuyên gia đã chia sẻ về kết quả nghiên cứu đánh giá tiềm năng xuất khẩu hydrogen xanh của Việt Nam và cập nhật thông tin nhà máy sản xuất Hydro xanh ở Trà Vinh.