Phân viện Chăn nuôi Nam Bộ đã chọn tạo được hai dòng gà trống và mái thuộc giống quý Hắc Phong cho khối lượng cơ thể và năng suất trứng cao hơn.

Gà Hắc Phong là giống gà quý xuất xứ từ Trung Quốc, hiện được nuôi chủ yếu ở Quảng Ninh, với đặc điểm nổi bật là da, thịt, xương và phủ tạng đều đen. Gà Hắc Phong có đặc điểm giống gà ác, gà H’Mông, thịt săn chắc, có vị ngọt đậm; da dầy, giòn, thơm, ít mỡ; trứng có tỉ lệ lòng đỏ cao, thơm ngon… Ngoài giá trị dinh dưỡng cao, các giống gà này còn được dùng như vị thuốc bồi dưỡng sức khỏe. Gà Hắc Phong được nuôi ở phía Bắc cho thấy khả năng thích nghi, sinh trưởng tốt, hiệu quả kinh tế cao.

Đến nay, phần lớn các nghiên cứu chọn tạo giống gà này chủ yếu dựa vào các tính trạng số lượng thông qua sử dụng các mô hình toán (REML, BLUP) để đánh giá. Những năm gần đây đã bắt đầu có một số nghiên cứu ứng dụng kết hợp di truyền phân tử, với di truyền số lượng, nhằm giúp hỗ trợ chọn lọc đã được thực hiện trên thế giới.

Nhằm tạo ra dòng gà Hắc Phong có khối lượng cơ thể và năng suất trứng cao để cung cấp gà bố mẹ và thương phẩm cho TPHCM và các tỉnh Nam Bộ, nhóm nghiên cứu ở Phân viện Chăn nuôi Nam Bộ đã triển khai đề tài "Kết hợp phương pháp BLUP với một số kiểu gene có lợi để chọn tạo hai dòng gà Hắc Phong".

g
Giống gà Hắc Phong có xuất xứ từ Trung Quốc. Ảnh: Internet

BLUP (Best Linear Unbiased Prediction) là một phương pháp thống kê được sử dụng trong chăn nuôi gia súc gia cầm, được sử dụng để ước tính giá trị lai giống của một cá thể dựa trên hiệu suất và các thành viên trong họ hàng của nó. Phương pháp này đã thành công trong việc cải thiện tiềm năng di truyền của đàn gia súc và đã đóng góp vào sự phát triển của các hệ thống sản xuất động vật hiệu quả và bền vững hơn.

TS. Hoàng Tuấn Thành, chủ nhiệm đề tài, cho biết, từ đàn gà con giống Hắc Phong 1 ngày tuổi, nhập từ Viện Chăn nuôi, dựa vào kết quả phân tích BLUP và đa hình genne liên quan sinh trưởng, nhóm nghiên cứu đã chọn tạo được dòng trống theo hướng tăng khối lượng cơ thể 8 tuần tuổi và nuôi thử nghiệm tại Trung tâm nghiên cứu và phát triển chăn nuôi gia cầm Vigova, thuộc Phân viện Chăn nuôi Nam Bộ. Đàn gà có tỷ lệ nuôi sống cao, khối lượng cơ thể 16 tuần tuổi ở thế hệ 3 của gà trống đạt 1.348 - 1.454g/con.

g
Gà Hắc Phong được nuôi tại Phân viện Chăn nuôi Nam Bộ. Ảnh: NNC

Đối với dòng mái, đã chọn tạo dược dòng mái theo hướng tăng năng suất trứng 38 tuần tuổi. Đàn gà có tỷ lệ nuôi sống cao, năng suất trứng 38 tuần tuổi thế hệ 3 đạt 59,4 quả, tăng 10,5 quả so với thế hệ 1. Năng suất trứng/mái/72 tuần tuổi thế hệ 3 đạt 162,4 quả. Tỷ lệ trứng có phôi 93,7-94,3% và tỷ lệ gà nở/tổng số trứng ấp đạt 81,3-82,8%.

So với các giống gà có thịt xương đen khác thì gà Hắc Phong lớn hơn gà ác Thái Hòa (1.018g/con), gà Mã Đà (945g/con). Năng suất trứng ở gà mái Hắc Phong cao hơn so với gà H’Mông (101 – 114 quả/mái/72 tuần tuổi).

Ngoài ra, khảo sát gà bố mẹ và thương phẩm từ hai dòng gà mới chọn tạo và chất lượng trứng và thịt của dòng trống, mái qua các thế hệ, cho thấy các chỉ tiêu đều đạt chất lượng trong tiêu chuẩn TCVN 4331-2007.

Sau khi chọn tạo được hai giống gà Hắc Phong, nhóm đã chuyển giao gà giống, xây dựng mô hình đàn gà bố mẹ và thương phẩm nuôi tại Bình Dương và Đồng Nai.

Ở thế hệ 3, tỷ lệ nuôi sống gà nuôi của hộ 1 giai đoạn 0-8 tuần tuổi là 94,2%; giai đoạn 9-16 tuần tuổi là 97,2%. Tỷ lệ nuôi sống gà nuôi của hộ 2 giai đoạn 0-8 tuần tuổi là 94,8%; giai đoạn 9-16 tuần tuổi là 98,1%. Ở tuần 16, gà có khối lượng đạt từ 1.449 – 1.453 g/con. Tỷ lệ sống, khối lượng gà nuôi ở các hộ dân đều tương đương khi nuôi tại Vigova.

Theo nhóm tác giả, từ kết quả nuôi tại địa phương, cho thấy hai giống gà Hắc Phong mới chọn tạo có khả năng thích nghi cao, sức sống tốt, là cơ sở thuận lợi khi chuyển giao con giống ra đại trà.

Đề tài nghiên cứu của nhóm tác giả đã được Sở KH&CN TPHCM nghiệm thu, kết quả đạt.