Theo Bộ trưởng Bộ Khoa học & Công nghệ, Chính phủ đang tập trung xây dựng chương trình phát triển sản phẩm quốc gia với các sản phẩm quan trọng. Các sản phẩm được đầu tư thành công sẽ giúp cho hàng Việt Nam chất lượng cao cạnh tranh được với thế giới.
Bộ trưởng Bộ KH&CN Nguyễn Quân. Ảnh Dân trí.
Trong buổi giao lưu trực tuyến trên báo Dân trí được tổ chức vào chiều 26/8, ông Nguyễn Quân, Bộ
trưởng Bộ KH&CN cho biết hiện nay do mở cửa thị trường nên Việt Nam đã nhập khẩu nhiều sản phẩm
của nước ngoài có chất lượng tốt. Tuy nhiên trong nước cũng có nhiều mặt hàng đã được xã hội chấp
nhận và có thị phần rất lớn trong thị trường. Chẳng hạn như, trong lĩnh vực sản xuất thực phẩm thì
gạo, cá da trơn, hải sản, sữa... Trong công nghiệp như dây cáp điện, một số chíp 8 bit và 32 bit,
các phần mềm điều khiển, các thiết bị thông tin phục vụ cho quân đội, các vaccin và thiết bị dùng
trong y tế...
"Hầu hết các sản phẩm hàng hóa này đều là kết quả các đề tài nghiên cứu cấp nhà nước, cấp bộ
trong nhiều năm qua. Hiện nay Chính phủ đang tập trung xây dựng chương trình phát triển sản phẩm
quốc gia với 6 sản phẩm chính thức (lúa gạo Việt Nam chất lượng cao; thiết bị cơ khí siêu trường,
siêu trọng; phần mềm an ninh mạng; sản phẩm an ninh quốc phòng; vắc xin; động cơ xăng và động cơ
diesel ) và 3 sản phẩm dự bị (cá da trơn, nấm ăn và nấm dược liệu, vi mạch bán dẫn)", Bộ
trưởng Bộ KH&CN nhận định. Từ đây, ông Nguyễn Quân hy vọng các sản phẩm này khi được đầu tư
thành công sẽ có đóng góp rất lớn cho sản phẩm hàng Việt Nam chất lượng cao, nhu cầu của người tiêu
dùng Việt, cạnh tranh được với thế giới.
Chia sẻ những nhận định về tàu ngầm, máy bay được một số cá nhân Việt chế tạo, Bộ trưởng Quân
thừa nhận các công trình này chưa nhận được sự hỗ trợ cần thiết của cơ quan chức năng. Điều này là
do những cá nhân đó nghiên cứu tự phát, trong quá trình chế tạo thì không liên hệ với cơ quan chức
năng. Trong khi máy bay và tàu ngầm là những phương tiện mà cần có cơ quan đăng kiểm và thuộc phạm
vi quản lý của Bộ quốc phòng. Vì thế, khi chế tạo xong không thể làm thủ tục để vận hành, thử
nghiệm và không đủ điều kiện để đưa vào sử dụng.
Nguyên nhân thứ 2 là hệ thống văn bản pháp lý của chưa có những quy định cụ thể về sự hỗ trợ của
nhà nước đối với những nghiên cứu tự phát, sáng kiến của người dân. Đặc biệt là quy định về sử dụng
ngân sách nhà nước hỗ trợ trực tiếp cho những nghiên cứu đó. Vì thế, khi có thông tin thì Bộ
KH&CN đã chỉ đạo các Sở KH&CN tiếp cận và tư vấn cho các nhà sáng chế không chuyên hoặc mời
các chuyên gia từ các Viện nghiên cứu tham gia tư vấn, hướng dẫn hoặc trợ giúp về lý thuyết, thiết
kế. Còn việc hỗ trợ kinh phí cho đến nay chưa thể thực hiện được.
"Năm 2013, Bộ KH&CN đã trình Chính phủ ban hành Nghị định số 13 về sáng kiến trong đó đã
giao cho Bộ Tài chính chủ trì xây dựng thông tư hướng dẫn việc hỗ trợ kinh phí từ ngân sách nhà
nước cho hoạt động sáng kiến. Hiện nay, dự thảo thông tư đã được hoàn thiện sau khi lấy ý kiến của
các nhà sáng chế không chuyên sau khi gặp mặt với Thủ tướng Chính phủ ngày 12/5/2015 và sẽ được ban
hành trong thời gian sắp tới. Đó sẽ là kênh hỗ trợ về tài chính cho sáng kiến của người dân. Hy
vọng những người dân có sáng kiến cần phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng và các nhà khoa
học ngay từ khi có ý tưởng để có thể nhận được sự hỗ trợ về kiến thức cũng như được hỗ trợ về tài
chính", ông Nguyễn Quân cho biết.
Tuy vậy, người đứng đầu ngành KH&CN cho biết hệ thống Luật pháp của chúng ta chưa đồng bộ
nên rất nhiều nội dung đổi mới phù hợp với thông lệ quốc tế của KH&CN chưa đi vào cuộc sống vì
các luật chuyên ngành khác chưa kịp đổi mới. Ví dụ, chính sách để hỗ trợ cho người dân có sáng kiến
chưa được cụ thể hóa bằng một thông tư liên tịch về tài chính để bổ sung nội dung chi cho hoạt động
KH&CN trực tiếp cho người dân. Hoặc cơ chế quỹ trong việc cấp phát kinh phí cho các đề tài dự
án khoa học chưa được cụ thể hóa trong luật Ngân sách nhà nước. Hoặc chính sách trọng dụng cán bộ
khoa học còn bất cập vì chưa sửa đổi luật Viên chức và luật Lao động.
Đồng thời, sự phối hợp giữa các bộ/ngành cũng chưa đáp ứng tiến độ xây dựng văn bản. Nhiều nghị
định và thông tư hướng dẫn các luật thì ban hành chậm sau thời gian có hiệu lực của luật, có nhiều
văn bản thời gian xây dựng và ban hành kéo dài 4-5 năm. Sắp tới, khi Việt Nam ký các hiệp định
thương mại tư do và là thành viên cộng đồng kinh tế ASEAN thì phải sửa đổi rất nhiều các bộ Luật
liên quan đến Sở hữu Trí tuệ, tiêu chuẩn đo lường chất lượng, thương mại... đòi hỏi các tổ chức cá
nhân phải đáp ứng rất kịp thời với những điều chỉnh của pháp luật.
Về các hoạt động hỗ trợ cho doanh nghiệp đổi mới công nghệ, ông Nguyễn Quân cho biết từ năm
1999, Bộ KH&CN đã trình Chính phủ ban hành Nghị định 119 về hỗ trợ doanh nghiệp trong việc đổi
mới công nghệ. Đã có hàng trăm doanh nghiệp tham gia chương trình và đã được hưởng lợi từ sự hỗ trợ
của nhà nước.
Chính phủ cũng đã có nghị định số 80 năm 2007 về doanh nghiệp KH&CN, trong đó có chính sách
ưu đãi cao nhất về thuế, đất đai, tín dụng đối với doanh nghiệp khoa học và công nghệ. Bộ KH&CN
cũng đã xây dựng đề án phát triển thị trường công nghệ, hàng năm tổ chức các chợ công nghệ, thiết
bị để giới thiệu công nghệ trong nước và nước ngoài cho doanh nghiệp.
Gần đây nhất, Chính phủ đã giao cho Bộ KH&CN thực hiện chương trình đổi mới công nghệ quốc
gia và thành lập quỹ đổi mới công nghệ quốc gia để hỗ trợ doanh nghiệp. Vì vậy, rất nhiều doanh
nghiệp đã xây dựng dự án và được Bộ KH&CN phê duyệt để hỗ trợ một phần kinh phí giúp doanh
nghiệp đổi mới công nghệ tạo ra sản phẩm mới. Nếu doanh nghiệp và có nhu cầu đổi mới công nghệ có
thể liên hệ với Quỹ đổi mới công nghệ quốc gia để được trợ giúp.