Theo dự báo, nếu Việt Nam không có hàng rào kỹ thuật thì rất dễ trở thành "bãi rác công nghiệp", việc quản lý và xử lý sẽ vô cùng khó khăn, ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường.

Trong chiến lược đến năm 2020 đưa Việt Nam trở thành một nước công nghiệp, việc nghiên cứu đầu tư, chế tạo máy móc, thiết bị đáp ứng nhu cầu phát triển công nghiệp là nhiệm vụ quan trọng của Bộ Khoa học và Công nghệ (KHCN) nhằm hạn chế máy móc, thiết bị, dây chuyền công nghệ cũ, lạc hậu, tiêu tốn nhiều năng lượng, ô nhiễm môi trường tràn vào Việt Nam.

Năm 2014 Bộ KHCN đã xây dựng Thông tư 20 Quy định việc nhập khẩu máy móc, thiết bị, dây chuyền công nghệ đã qua sử dụng. Tuy nhiên, do cơ chế phối hợp chưa tốt nên dẫn đến việc khi Thông tư chưa có hiệu lực thì nhiều doanh nghiệp kêu khó và kiến nghị lên Thủ tướng. Trước tình hình đó, Thủ tướng Chính phủ đã yêu cầu Bộ KHCN lùi thời gian thực hiện Thông tư 20 và tiếp tục nghiên cứu sửa đổi, bổ sung.

Trao đổi với Dân trí, Bộ trưởng Bộ KHCN Nguyễn Quân chia sẻ: "Khi xây dựng thông tư 20, tất cả các bộ, ngành đều đồng ý, ủng hộ những quy định như dự thảo, nhưng đến lúc ban hành thì chính những quy định này lại bất cập và lúc ấy các bộ, ngành lại cũng nói rằng có những điểm bất cập, đặc biệt các doanh nghiệp nước ngoài, các doanh nghiệp có vốn đầu tư FDI. Theo quan điểm của Bộ KHCN, chúng ta vẫn phải ban hành một văn bản để hạn chế và quản lý việc nhập khẩu thiết bị máy móc cũ đã qua sử dụng để tránh tình trạng chúng ta trở thành "bãi rác công nghệ" của thế giới".

tt201-23082015-b20fb
Không lập hàng rào kỹ thuật về nhập khẩu máy móc cũ thì Việt Nam rất dễ trở thành bài rác công nghệ của thế giới. Ảnh minh họa

Cũng theo Bộ trưởng Nguyễn Quân, những vướng mắc khi thực hiện Thông tư 20, chủ yếu tập trung vào các nội dung: Việc quy định điều kiện nhập khẩu phải đáp ứng cả 2 tiêu chí: thời gian sử dụng không quá 5 năm và chất lượng còn lại so với chất lượng ban đầu từ 80% trở lên là khá chặt (ngoại trừ một số trường hợp đặc biệt được áp dụng thời hạn sử dụng không quá 3 năm, 7 năm, 10 năm hoặc 15 năm do các Bộ đề xuất).

Đồng thời quy định việc giám định chất lượng còn lại do tổ chức giám định được chỉ định thực hiện và việc chỉ định do các Bộ tổ chức thực hiện có khả năng gây ách tắc tại các cửa khẩu, tăng chi phí của doanh nghiệp.

Điều chỉnh bất cập để Thông tư sớm đi vào cuộc sống

Bộ trưởng Nguyễn Quân cho biết, dự thảo 9 về sửa đổi Thông tư 20/2014/TT-BKHCN quy định việc nhập khẩu máy móc, thiết bị, dây chuyền công nghệ đã qua sử dụng mới được hoàn thành. Thời gian tới Bộ KHCN sẽ đăng tải dự thảo để xin ý kiến đóng góp trước khi ban hành chính thức.

Theo dự thảo Thông tư sửa đổi thì phần lớn các vướng mắc, kiến nghị của doanh nghiệp đã được Bộ KHCN tiếp thu và điều chỉnh. Cụ thể, về điều kiện nhập khẩu máy móc, thiết bị đã qua sử dụng đưa quy định đơn giản hóa và dễ thực hiện hơn khi đưa ra yêu cầu chung và yêu cầu cụ thể. Theo đó, thiết bị đã qua sử dụng khi nhập khẩu phải phù hợp với các yêu cầu về an toàn, tiết kiệm năng lượng và bảo vệ môi trường theo quy định của pháp luật hiện hành.

Thiết bị phải đáp ứng được tiêu chí: không vượt quá 10 năm tuổi (tính từ năm sản xuất đến năm nhập khẩu). Theo Bộ KHCN, sở dĩ đưa ra mốc này là do vòng đời công nghệ thiết bị trung bình thường từ 7 đến 10 năm tùy thuộc ngành, lĩnh vực. Ví dụ, đối với thiết bị ngành công nghệ thông tin, vòng đời khoảng 05 năm; đối với sản phẩm cơ khí, khoảng 10 đến 15 năm.

tt20-23082015-ced58
Máy móc quá cũ và lạc hậu sẽ không được phép nhập khẩu vào Việt Nam

Thiết bị được sản xuất theo tiêu chuẩn phù hợp với quy định của Quy chuẩn kỹ thuật Quốc gia hoặc Tiêu chuẩn Quốc gia hoặc Tiêu chuẩn của các nước G7 về an toàn, tiết kiệm năng lượng và bảo vệ môi trường. Quy định này nhằm giải quyết vướng mắc khi phải giám định về chất lượng còn lại.

"Dự thảo 9 không sử dụng tiêu chí chất lượng còn lại so với chất lượng ban đầu, thay vào đó là quy định tiêu chí về áp dụng tiêu chuẩn, quy chuẩn khi sản xuất thiết bị, đồng thời giải quyết được ý kiến lo ngại có thể để lọt máy móc, thiết bị đã qua sử dụng từ Trung Quốc kém chất lượng nhưng vẫn đáp ứng về thời gian dưới 10 năm" -Bộ trưởng Nguyễn Quân nhấn mạnh.

Bộ trưởng Nguyễn Quân cũng khẳng định, đối với tính chất đặc thù của máy móc, thiết bị thuộc các lĩnh vực chuyên ngành, thông tư soạn thảo theo hướng: trường hợp cần thiết, căn cứ tính chất đặc thù, Bộ trưởng các Bộ quản lý ngành, lĩnh vực quyết định việc quy định yêu cầu khác với yêu cầu cụ thể quy định tại Thông tư này và chịu trách nhiệm về quyết định đó. Cách quy định mở này là cơ sở để giải quyết những trường hợp cụ thể, đặc thù mang tính bất khả kháng khi bắt buộc phải nhập khẩu máy móc, thiết bị đã qua sử dụng có tuổi quá 10 năm để phục vụ trực tiếp sản xuất của ngành.

Tạo cơ chế "đặc thù"cho các doanh nghiệp FDI

Theo dự thảo Bộ KHCN sắp công bố, đối với các dự án đầu tư nước ngoài, trường hợp doanh nghiệp nước ngoài chuyển cả dây chuyền công nghệ đang sản xuất từ các nước khác về đầu tư sản xuất tại Việt Nam sẽ có cơ chế "đặc thù".

Cụ thể, với mức quy định tuổi thiết bị không quá 10 năm sẽ có vướng mắc đối với một số trường hợp các nhà đầu tư FDI lớn, có nhu cầu dịch chuyển sản xuất, chuyển cả nhà máy đã qua sử dụng từ nước ngoài vào Việt Nam, vì vậy dự thảo 9 quy định: đối với các dự án đầu tư nước ngoài, nếu trong hồ sơ dự án đã được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt theo quy định của Luật Đầu tư, đã có kèm theo Danh mục máy móc, thiết bị, dây chuyền công nghệ đã qua sử dụng: sẽ được nhập khẩu mà không phải áp dụng điều kiện nhập khẩu như đối với các trường hợp khác.

fdi-23082015-9585d
Các doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) sẽ có cơ chế "đặc thù" khi chuyển cả dây chuyền công nghệ

Cơ quan có thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư và cơ quan cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư (nếu cần) có thể xin ý kiến của cơ quan quản lý khoa học và công nghệ. Trong trường hợp này, để tránh tình trạng doanh nghiệp lợi dụng sự thông thoáng để đưa thiết bị cũ vào Việt Nam, Thông tư quy định sau khi nhập khẩu không cho phép bán hoặc chuyển nhượng thiết bị, dây chuyền công nghệ sản xuất đã qua sử dụng cho doanh nghiệp khác hoặc dự án khác.

Tuy nhiên quy định này hiện lại đang vướng với Luật Đầu tư, vì trong Luật Đầu tư không quy định hồ sơ dự án đầu tư phải có danh mục thiết bị của dự án?

Giải đáp vấn đề, Bộ trưởng Nguyễn Quân cho rằng, dự thảo quy định không vướng Luật Đầu tư, vì chỉ quy định "lỏng": Nếu nhà đầu tư FDI có kê khai danh mục thiết bị của dự án trong hồ sơ đầu tư thì khi đã được cơ quan có thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư hoặc cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, sẽ được nhập khẩu thiết bị đã qua sử dụng mà không cần đáp ứng yêu cầu về tuổi thiết bị và tiêu chuẩn sản xuất. Còn nhà đầu tư nào không có danh mục thiết bị trong hồ sơ dự án thì khi nhập khẩu sẽ phải tuân thủ các yêu cầu nhập khẩu thiết bị đã qua sử dụng quy định tại Thông tư này. Điều đó có nghĩa là Thông tư không quy định bắt buộc phải có danh mục thiết bị trong hồ sơ dự án. Nhà đầu tư có thể đưa hoặc không đưa danh mục thiết bị vào hồ sơ dự án.

Tạo điều kiện thuận lợi khi làm thủ tục thông quan

Theo dự thảo Thông tư, nhằm mục đích không để ách tắc hàng hóa tại cửa khẩu, áp dụng cơ chế hậu kiểm: doanh nghiệp được đưa hàng hóa về bảo quản, nộp chứng thư giám định và tài liệu cần thiết sau khi có văn bản cam kết gửi Cơ quan Hải quan nơi nhập khẩu hàng hóa.

Về Tổ chức giám định (tổ chức cấp chứng thư giám định) bao gồm: Tổ chức giám định trong nước hoạt động theo Luật Thương mại; Tổ chức giám định nước ngoài hoạt động theo luật pháp nước sở tại, nơi tổ chức giám định đăng ký hoạt động giám định.

Để hạn chế việc doanh nghiệp lợi dụng cơ chế hậu kiểm, nhập khẩu hàng hóa không đáp ứng yêu cầu, Bộ KHCN cũng yếu cầu đưa ra chế tài xử lý vi phạm cần được thực hiện ở mức xử lý cao và nghiêm ngặt.

Cụ thể, trường hợp sau khi giám định, thiết bị đã qua sử dụng không đáp ứng các yêu cầu cụ thể, doanh nghiệp phải chịu hình thức xử phạt vi phạm hành chính và hình thức xử phạt cao nhất theo quy định của Luật Hải quan (buộc tái xuất hoặc tịch thu) và chịu mọi chi phí phát sinh do vi phạm cam kết của mình.