Do khai thác dó trầm một cách tận diệt mà không có biện pháp bảo tồn nên trầm hương tự nhiên ở Việt Nam ngày càng hiếm và đắt đỏ.

Nghiên cứu về công nghệ tạo trầm hương bền vững do GS.TS Nguyễn Thế Nhã (trường Đại học Lâm nghiệp Việt Nam) và cộng sự phát triển được kỳ vọng sẽ chấm dứt thực trạng này, đồng thời mở ra những hướng nghiên cứu mới về xuất xứ và đặc tính của dó trầm Việt Nam.

GS Nguyễn Thế Nhã bên cạnh cây dó trầm.
GS Nguyễn Thế Nhã bên cạnh cây dó trầm.

“Ăn của rừng rưng rưng nước mắt”, hình ảnh những người săn trầm phải “ngậm ngải tìm trầm” giữa chốn rừng thiêng nước độc, hóa hổ vì nhiều tháng loanh quanh trong rừng có lẽ chỉ tồn tại trong những câu chuyện cổ tích nhưng nỗi vất vả nhọc nhằn để có được những miếng trầm là có thật. Dù không ấp ủ hi vọng đổi đời nhờ những miếng kỳ nam, nhưng trầm hương cũng đã đeo đuổi GS.TS Nguyễn Thế Nhã (trường Đại học Lâm nghiệp Việt Nam) trong suốt quá trình làm khoa học.

“Thực chất, trầm hương là phần gỗ chứa nhựa thơm sinh ra từ thân cây dó” – GS.TS Nguyễn Thế Nhã cho biết. “Khi cây dó bị thương, cây sẽ hình thành nên những hợp chất để kháng lại sự xâm nhiễm của các vi sinh vật. Dần dần, hợp chất đó biến tính và trở thành trầm”. Cây dó trầm thường có những biểu hiện như: thân cành có u bướu, cây nhiều mắt, cây bị bệnh hoặc bị thương; lá cằn cỗi, màu xanh vàng; cây có vỏ kết cấu lõm, lồi và sần sùi, khô nứt, xuất hiện những chấm màu tím, đỏ nâu.

Những năm trở lại đây, nhờ nắm được quy luật hình thành trầm hương mà nhiều người đã tiến hành cấy trầm trên cây dó. Ở Việt Nam hiện có sáu loài thuộc chi Dó trầm đó là Dó bầu, Dó bà nà, Dó gạch, Dó vân nam, Dó trung quốc và Dó quả nhăn – trong đó Dó bầu là loại phổ biến nhất. “Có nhiều phương pháp khác nhau, trong đó phương pháp đơn giản nhất là vật lý cơ giới – họ sử dụng khoan, dùi nung đỏ, hoặc thậm chí là bóc vỏ quét hóa chất lên. Những phương pháp này vừa cho ra trầm kém chất lượng, mà còn gây hại cho cây” – GS Nhã nhận định. Đối với GS Nhã, cây dó trầm đã trở thành một ‘thực thể sống’, và những cách thức khai thác tàn bạo trên chẳng khác nào đang tra tấn cây.

Thêm vào đó, việc khai thác không bền vững quần thể các cây dó trầm trong môi trường sống hoang dã đã dẫn đến sự suy giảm số lượng cá thể tự nhiên, nhiều loài thậm chí có nguy cơ bị tuyệt chủng ngoài tự nhiên.

Là người luôn đau đáu với số phận của cây dó trầm, nhiều năm nay cứ nghe đến ở đâu có cây tạo trầm, GS.TS Nguyễn Thế Nhã lại lặn lội băng qua những cánh rừng sâu để tìm đến, tận tay lấy mẫu phân tích. Ông luôn đặt ra cho mình câu hỏi: Làm thế nào để khai thác trầm hương mà không tận diệt cây?

GS.TS Nguyễn Thế Nhã nhận ra rằng công nghệ sinh học có thể là hướng khai thác an toàn mà ông đang tìm kiếm. Chính vì vậy, năm 2016, sau khi được phê duyệt đề tài “Nghiên cứu ứng dụng công nghệ sản xuất trầm hương theo hướng bền vững ở Việt Nam”, nhóm nghiên cứu của GS Nhã đã cùng các chuyên gia thuộc Trung tâm nghiên cứu Jülich – Viện nghiên cứu khoa học thực vật, Công ty Symrise (CHLB Đức) tiến hành nghiên cứu cơ chế tạo trầm, công nghệ sản xuất, sử dụng chế phẩm sinh học ở khu vực rừng trồng và trong nuôi cấy tế bào.

Tạo trầm ngoài rừng và trong phòng thí nghiệm

Bước đầu, nhóm nghiên cứu đã tiến hành lấy mẫu các loại dó trầm trên khắp Việt Nam, mang về nghiên cứu để phân lập các vi sinh vật – mà chủ yếu là nấm – giúp cây tiết dầu tạo trầm. Các chuyên gia về vi sinh vật của Đức và Việt Nam đã cùng nhau phân lập các chủng nấm trong đó, từ đấy tạo ra chế phẩm nấm dạng dung dịch. “Có khoảng gần 100 chủng nấm khác nhau, trong đó chúng tôi chọn ra được khoảng bảy chi có khả năng tạo trầm như chi nấm bào tử lưỡi liềm (Fusarium sp.), chi Nấm bào tử lông roi (Pestalotiopsis sp.), chi Nấm mốc (Mucor sp.)…” – TS Nguyễn Thành Tuấn (trường ĐH Lâm nghiệp Việt Nam), người trực tiếp phân lập nấm, cho biết.

Trong tự nhiên, khi sâu đục vào thân cây, chúng tạo ra vết thương cơ giới khiến cây bị nhiễm nấm. “Để rút ngắn thời gian, chúng tôi mô phỏng vết đục của sâu bằng cách khoan vào cây một lỗ nhỏ có đường kính 5mm, sau đó truyền chế phẩm nấm vào lỗ để ‘khởi động’ cơ chế kháng vi sinh vật của cây, từ đó bắt đầu quá trình tạo trầm” – GS Nhã phân tích.

Nhóm nghiên cứu đã áp dụng phương pháp này ở mô hình tại Khối 19 Thị trấn Hương Khê, xã Phúc Trạch, huyện Hương Khê (Hà Tĩnh) và Tiên Phước (Quảng Nam) – vốn được biết đến như xứ sở của các loại trầm hương chất lượng cao. Dù kết quả trầm cho ra chất lượng cao, không gây tổn thương quá nhiều đến cây dó như cách đục lỗ truyền thống, cũng như rút ngắn thời gian tạo trầm – nhờ vào chế phẩm nấm, tuy nhiên GS Nhã nhận thấy rằng đây vẫn chưa phải là phương án tối ưu. “Tôi muốn giảm thiểu tối đa vết thương trên cây, cũng như có thể rút ngắn thời gian hình thành trầm nhiều hơn nữa” – ông cho biết.

Với kinh nghiệm nhiều năm nghiên cứu về trầm hương, Trung tâm nghiên cứu Jülich đã hỗ trợ các nhà khoa học thuộc trường Đại học Lâm nghiệp Việt Nam nghiên cứu công nghệ sinh học tạo trầm hương in vitro. “Chúng tôi lấy mẫu chồi, cành, lá, hạt của cây dó trầm về xử lý để ra được vật liệu sạch, từ đó kích tạo ra mô seo. Điều này không hề ảnh hưởng đến cây trong tự nhiên” – TS Nguyễn Thành Tuấn mô tả. Sau đó, các nhà khoa học đặt mô sẹo vào môi trường dung dịch, lắc lọ dung dịch để tạo ra thêm mô sẹo, sau đó truyền chế phẩm nấm đã tạo ra từ trước vào dung dịch nuôi cấy mô sẹo – giúp hình thành nên các hợp chất có trong trầm hương.

Quá trình này diễn ra nhanh hơn nhiều so với khi tạo trầm ngoài rừng. “Tối thiểu phải mất hai năm để thu được trầm chất lượng, trong khi công nghệ sinh học này chỉ mất vài tháng hoặc thậm chí là vài tuần để thu được thành phẩm” – GS Nhã cho biết. “Qua phân tích, loại trầm nhân tạo trong phòng thí nghiệm có đầy đủ những hợp chất cơ bản để tạo hương thơm như trầm ngoài tự nhiên”.

Trong thời gian tới, nhóm nghiên cứu sẽ tiếp tục cải tiến công nghệ tạo trầm ngoài tự nhiên và trong phòng thí nghiệm. “Cùng một loài dó bầu, nhưng ở mỗi vùng miền khác nhau thì vi sinh vật tạo thành và chất lượng trầm sẽ khác nhau. Ảnh hưởng của khí hậu tới quá trình hình thành trầm hương được đánh giá thông qua ảnh hưởng của các thông số đại diện là nhiệt độ, độ ẩm. Nhiệt độ và độ ẩm ảnh hưởng đến khả năng hút chế phẩm sinh học, quá trình gỗ biến đổi màu để hình thành trầm hương”. Chính vì thế, nhóm nghiên cứu đang tiến hành lấy mẫu phân lập các loài nấm ở dó trầm tại khắp các tỉnh thành để tạo ra được các chế phẩm phù hợp với mỗi loài cây.

Hướng đến truy xuất nguồn gốc

Dù đã đạt được một số thành công trong quá trình tiến hành nghiên cứu, nhưng với GS Nguyễn Thế Nhã, “càng nghiên cứu, tôi càng nhận ra rằng những hiểu biết của chúng ta về các loài cây dó trầm vẫn còn rất ít – dù những cây có khả năng tạo trầm ở Việt Nam vốn đã không nhiều” – GS Nhã cho biết.

Sau nhiều lần nghiên cứu loài dó trầm ở Quảng Ninh và Bắc Giang, nhóm nghiên cứu đã phát hiện ra rằng đó là cây Dó vân nam (Như tên gọi của nó, Dó vân nam xưa nay vẫn được xem là loài cây đặc hữu ở Vân Nam, Trung Quốc). “Chúng tôi đang tiến hành nghiên cứu sâu hơn để xem xét rằng liệu Dó vân nam có thực sự xuất phát từ Trung Quốc hay không, hay nó bắt nguồn từ chính nước ta”, GS Nhã cho hay. Điều này cũng nhắc nhở ông rằng mình vẫn còn phải tiến hành thêm nhiều nghiên cứu cơ bản nữa để làm rõ nguồn gốc, xuất xứ, bản chất di truyền của các loại cây dó trầm.

Nỗ lực của ông sau rốt là để mang lại cho trầm hương một đời sống mới, trao cho nó một thân phận để bước ra ngoài thị trường. “Muốn thế, trước tiên ta phải làm rõ được xuất xứ của chúng. Lâu nay người dân vẫn phát triển trầm hương theo kiểu mạnh ai nấy làm. Chính vì vậy, tôi mong muốn truy xuất nguồn gốc, xây dựng chứng chỉ chuỗi hành trình sản phẩm trầm hương Việt Nam để chứng minh những khu vực khai thác trầm hương là những khu rừng quản lý bền vững”, GS.TS Nguyễn Thế Nhã chia sẻ. “Bước đầu, chúng tôi đã giúp Công ty TNHH Trầm hương Đông Sơn Hà Tĩnh có được chứng chỉ FM/CoC do GFA Certification GmbH cấp cho khu vực thực hiện mô hình công nghệ tạo trầm, nhưng có thể đây sẽ là bước khởi đầu để về sau nước ta sẽ có thêm nhiều khu rừng trồng dó trầm được quản lý bền vững hơn, từ đó có được thương hiệu trầm hương Việt Nam thông qua Chứng chỉ chuỗi hành trình sản phẩm”.

Đề tài “Nghiên cứu ứng dụng công nghệ sản xuất trầm hương theo hướng bền vững ở Việt Nam”, mã số NĐT.10.GER/16, thuộc Chương trình Nhiệm vụ KH&CN theo Nghị định thư do Bộ KH&CN quản lý.

Để biết thêm thông tin chi tiết về các Chương trình KH&CN, liên hệ Văn phòng các Chương trình khoa học và công nghệ quốc gia tại: http://vpctqg.gov.vn/