Một báo cáo mới đây đã cho thấy những hậu quả nặng nề mà Brexit để lại đối với hệ sinh thái trí tuệ nhân tạo (AI) của EU, đồng thời phản bác các nhận định cho rằng Trung Quốc đang thống trị thế giới trong lĩnh vực này.

Lãnh đạo EU tại Brussels đang tìm cách thúc đẩy hoạt động nghiên cứu và đổi mới sáng tạo trong lĩnh vực AI của khối, cũng như hạn chế các khả năng AI gây nguy hiểm cho xã hội. Họ đề xuất một đạo luật AI nhằm nghiên cấm các hoạt động như chấm điểm công dân hoặc nhận dạng khuôn mặt theo thời gian thực ở khu vực công cộng. Đồng thời, Ủy ban dự định nâng tổng chi tiêu hằng năm của EU lên mức 20 tỷ euro, trong đó sẽ đầu tư 1 tỷ euro mỗi năm vào AI - một mục tiêu có khả năng sẽ đạt được trong thập kỷ này nếu ngân sách vẫn tiếp tục tăng.

Một nhà khoa học tại tập đoàn hóa chất chuyên dụng Evonik Industries (Đức) điều chỉnh một thiết bị sàng lọc thông lượng cao tại phòng thí nghiệm của công ty ở Essen. Evonik đang nghiên cứu các phương pháp tích hợp tự động hóa và trí tuệ nhân tạo. Ảnh: Evonik Industries

Để đánh giá năng lực hiện tại của EU cũng như các quốc gia khác trong lĩnh vực này, Trung tâm Nghiên cứu Phối hợp (Joint Research Centre - JRC) của châu Âu đã thực hiện “AI Watch Index năm 2021”, một bản báo cáo mô tả bức tranh phát triển AI của các quốc gia trên thế giới, trong đó đặt ra một số nghi ngờ về sức mạnh thực sự của Trung Quốc - liệu đó có phải là cường quốc AI, đồng thời kết luận rằng Brexit là một phần lý do khiến sức mạnh AI của EU giảm đi đáng kể. Cụ thể, báo cáo cho thấy “Mỹ đang ở vị trí dẫn đầu”. “EU đứng thứ ba [sau Trung Quốc], nhưng một số chuyên gia cho rằng khoảng cách giữa EU với hai quốc gia dẫn đầu không quá xa như chúng ta tưởng”.

Đo lường sức mạnh về AI của các quốc gia khác nhau trên thế giới chắc chắn là một công việc cực kỳ khó khăn. Để mang lại cái nhìn khái quát, JRC đã chia báo cáo vào nhiều mảng số liệu khác nhau, từ số lượng các tổ chức tham gia vào hoạt động nghiên cứu và đổi mới sáng tạo AI cho đến số lượng sinh viên đang theo học lĩnh vực này.

Về tiêu chí số lượng các tổ chức hoạt động trong lĩnh vực AI - hầu hết là các công ty, nhưng cũng bao gồm các trường đại học và các viện nghiên cứu khác - Mỹ có gần 14.000, Trung Quốc hơn 11.000 và EU chỉ có 6.000. Do đó, về tiêu chí này, EU thua xa các đối thủ, đặc biệt khi xét tỷ lệ số lượng tổ chức với quy mô tổng thể của nền kinh tế. ​​Ngược lại, Mỹ, ngay cả khi tính đến quy mô của nền kinh tế, số lượng tổ chức hoạt động trong lĩnh vực AI vẫn đặc biệt nhiều.

Báo cáo nhận định, Brexit là một đòn giáng mạnh vào tình hình phát triển AI của EU, mặc dù việc Anh rút lui chắc chắn không khiến các hợp tác phải dừng lại - ngay cả khi các nhà lãnh đạo Anh không còn tuân theo các chính sách về AI của EU. “Vương quốc Anh hiện có một số lượng lớn tổ chức hoạt động trong lĩnh vực AI, và cũng là nước có tỷ lệ cao nhất khi xét đến quy mô tổng thể của nền kinh tế - trong số tất cả các khu vực địa lý được phân tích.”

“Điều này cho thấy Brexit đã để lại những khoảng trống lớn, mà hậu quả là sức mạnh của EU trong lĩnh vực AI cũng sụt giảm”, báo cáo phân tích. “Trước khi rút khỏi liên minh, Vương quốc Anh chiếm hơn một nửa số tổ chức AI của EU.”

Báo cáo cũng đưa ra một loạt số liệu khác, bao gồm số lượng bài báo mà các quốc gia đã xuất bản tại các hội nghị hàng đầu về AI và robot, nhằm đi sâu vào năng lực của từng quốc gia. Theo đó, báo cáo cho thấy EU đặc biệt mạnh trong cái mà họ gọi là các hoạt động dịch vụ AI - bao gồm cơ sở hạ tầng kỹ thuật số, phần mềm và nền tảng - cũng như các robot tự động hóa có thể tương tác với con người và các loại máy móc khác trong môi trường phức tạp. Trong giai đoạn 2016-2019, mỗi năm có khoảng hơn 300 công ty khởi nghiệp về robot được thành lập ở EU.

Tuy nhiên, Mỹ cũng tương đối mạnh trong các lĩnh vực này - và cả một số lĩnh vực khác như xử lý ngôn ngữ tự nhiên và xe tự hành. “Do đó, ‘ngai vàng’ của Mỹ có vẻ vững chắc và không có những điểm yếu cụ thể”.

Về tiêu chí đào tạo các chuyên gia AI trong tương lai, Đức dẫn đầu EU với gần 180.000 suất đào tạo cử nhân.

Sức mạnh thực sự của Trung Quốc?

Báo cáo đã dội một gáo nước lạnh vào những tuyên bố cho rằng Trung Quốc đang nổi lên như một quốc gia dẫn đầu thế giới về AI. Trong những năm gần đây, có sự bùng nổ trong số đơn đăng ký cấp bằng sáng chế (bao gồm cả những bằng sáng chế liên quan đến AI) của Trung Quốc, nhưng các phương diện khác còn nhiều hạn chế, chẳng hạn số lượng ấn phẩm khoa học về AI của Trung Quốc rất khiêm tốn. “Điều này cho thấy hệ sinh thái AI của họ không quá phong phú và dày đặc như hoạt động đăng ký cấp bằng sáng chế”, báo cáo kết luận.

Tuy nhiên, các báo cáo khác lại cho thấy Trung Quốc đang trỗi dậy với tư cách là một cường quốc nghiên cứu AI. Theo Báo cáo Artificial Intelligence Index Report 2021 do Đại học Stanford thực hiện, năm 2019, Trung Quốc chiếm 22,4% các ấn phẩm được bình duyệt trên thế giới về AI, nhiều hơn EU (16,4%) và Mỹ (14,6%).

Cùng năm đó, Trung Quốc lần đầu tiên vượt qua Mỹ để chiếm vị trí dẫn đầu trong số lượng trích dẫn trên tạp chí AI. Nhưng Mỹ vẫn giữ vị trí thứ nhất về số lượng trích dẫn trong các ấn phẩm hội nghị AI.

Ngoài ra, đầu năm nay, Viện Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế thuộc Đại học Bắc Kinh đã đăng tải trực tuyến một báo cáo phân tích điểm mạnh và điểm yếu về mặt công nghệ của Trung Quốc, cuối cùng đưa ra kết luận rằng Mỹ và Trung Quốc đã vượt xa bất kỳ đối thủ nào về AI; song báo cáo đã nhanh chóng bị gỡ xuống sau đó.

“Mỹ có lợi thế về sức mạnh tính toán và thuật toán, còn Trung Quốc được hưởng lợi từ dữ liệu lớn và đa dạng trong nước,” báo cáo cho biết. Nhưng Mỹ vẫn giành chiến thắng trong các cuộc thi hàng đầu về tìm kiếm tài năng. “Trong số những tài năng AI hàng đầu của Trung Quốc, 34% làm việc trong nước và khoảng 56% làm việc ở Mỹ”, Viện Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế đưa ra lời cảnh báo. Chín trong số mười sinh viên Trung Quốc nghiên cứu lĩnh vực này ở Mỹ đã ở lại nước này làm việc sau khi tốt nghiệp, và chỉ 10% quay về quê hương.