Việc bổ sung căn cứ chấm dứt hiệu lực và đối chứng đánh giá nhãn hiệu trong dự thảo sửa đổi Luật SHTT không chỉ tăng cường bảo vệ quyền lợi cho người sản xuất cũng như tiêu dùng mà còn góp phần giải quyết những vướng mắc lâu nay về bảo hộ nhãn hiệu.
Trong những ngày gần đây, vấn đề sở hữu trí tuệ bỗng được giới giải trí quan tâm đặc biệt khi nam ca sĩ Nathan Lee (tên thật là Trương Triều Trúc Lân) nộp đơn đăng kí bảo hộ nhãn hiệu Cao Thái Sơn - tên một nam ca sĩ nổi tiếng khác. Theo công báo sở hữu công nghiệp của Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ KH&CN), nhãn hiệu này được đăng ký cho ba nhóm sản phẩm, dịch vụ liên quan đến bất động sản, giải trí và ăn uống. Nếu được Cục Sở hữu trí tuệ cấp bằng, Nathan Lee có quyền ngăn cấm Cao Thái Sơn sử dụng tên gọi này để hoạt động trong ba lĩnh vực trên.
Liệu điều này có xảy ra không, và Cao Thái Sơn có thể làm gì để bảo vệ tên của chính mình? “Hiện tại có rất nhiều phương án lựa chọn”, Ngân Trần, người sáng lập Maygust Trademark Attorneys, công ty chuyên cung cấp các dịch vụ nhãn hiệu tại Úc, giải thích về các thủ tục và quy trình cấp chứng nhận. “Còn rất nhiều yếu tố và thời gian để xem xét vụ việc này, vì hồ sơ nhãn hiệu mới vượt được qua vòng thẩm định hình thức. Tiếp theo, hồ sơ còn phải qua giai đoạn xét nghiệm về mặt nội dung. Khi đó, thẩm định viên sẽ đánh giá dựa trên hai yếu tố, thứ nhất là nhãn hiệu có khả năng phân biệt tự thân hay không, thứ hai là nhãn hiệu có khả năng phân biệt với nhãn hiệu khác hay không. Đôi lúc Cao Thái Sơn chẳng cần làm gì cả, vì nếu thẩm định viên cho rằng nhãn hiệu này trùng với tên thương mại của Cao Thái Sơn thì nhãn hiệu sẽ không được chấp nhận. Trường hợp thứ hai, trong quá trình đăng kí nhãn hiệu có quá trình phản đối đơn, có thể phản đối từ khi nhãn hiệu được đăng công báo đến trước thời điểm bảo hộ, lúc này nếu Cao Thái Sơn muốn thì vẫn có thể tiến hành phản đối”.
Nhiều người sử dụng nhãn hiệu lạc rang bà Vân gây nhầm lẫn cho người tiêu dùng. Nguồn: vietnamiplaws
Chấm dứt nhãn hiệu gây nhầm lẫn
Theo Luật SHTT hiện hành của Việt Nam, việc phản đối đơn đăng kí nhãn hiệu trên sẽ dựa trên quy định về các dấu hiệu không được bảo hộ với danh nghĩa nhãn hiệu. Cụ thể, “những dấu hiệu làm hiểu sai lệch, gây nhầm lẫn hoặc có tính chất lừa dối người tiêu dùng về nguồn gốc xuất xứ, tính năng, công dụng, chất lượng, giá trị hoặc các đặc tính khác của hàng hóa dịch vụ” là đối tượng bị loại trừ. Nếu Nathan Lee sử dụng nhãn hiệu “Cao Thái Sơn” cho các loại sản phẩm dịch vụ, một số người có hiểu thể hiểu lầm rằng các sản phẩm này do ca sĩ Cao Thái Sơn cung cấp.
Một số quốc gia cũng ban hành các quy định tương tự để ngăn chặn việc sử dụng tên tuổi của người khác, nhất là người nổi tiếng, khiến người tiêu dùng nhầm lẫn về nguồn gốc. Chẳng hạn như ở Pháp cấm một người đăng kí bảo hộ nhãn hiệu tên người nổi tiếng, trừ khi chứng minh được người đó đã đồng ý (hoặc gia đình trong trường hợp người này đã qua đời). Luật Nhãn hiệu của Trung Quốc cũng cấm đăng kí nhãn hiệu xâm phạm đến quyền cá nhân đã có, trong đó có tên người nổi tiếng.
Theo nhận định của nhiều chuyên gia, so với quốc tế, quy định của Việt Nam vẫn chưa đủ mạnh. Việc ngăn chặn này sẽ phát huy hiệu quả khi đơn chưa được cấp. Tuy nhiên, không ít trường hợp “lọt lưới” khi bên thứ ba chưa kịp phản đối thì nhãn hiệu đã được cấp bằng. Việc xử lí tình huống này sẽ phức tạp hơn, vì hiện nay, việc chấm dứt hiệu lực của giấy chứng nhận bảo hộ nhãn hiệu chỉ xảy ra trong các trường hợp sau: chủ văn bằng từ bỏ quyền; chủ sở hữu không còn tồn tại, không có ai kế thừa; nhãn hiệu không được sử dụng trong thời hạn năm năm liên tục; không kiểm soát được quy chế sử dụng (đối với nhãn hiệu tập thể và nhãn hiệu chứng nhận).
Trước thực tế này, dự thảo sửa đổi Luật SHTT mới nhất đã bổ sung căn cứ chấm dứt hiệu lực văn bằng bảo hộ nhãn hiệu. Cụ thể, văn bằng bảo hộ nhãn hiệu sẽ bị chấm dứt hiệu lực trong trường hợp “việc sử dụng nhãn hiệu được bảo hộ cho hàng hóa, dịch vụ bởi chủ sở hữu nhãn hiệu hoặc người được chủ sở hữu nhãn hiệu cho phép làm cho công chúng hiểu sai lệch về bản chất, chất lượng hoặc nguồn gốc của hàng hóa dịch vụ đó”. Ngoài việc giải quyết những vướng mắc và bảo vệ quyền lợi chính đáng của người tiêu dùng, quy định này cũng đáp ứng nghĩa vụ của Việt Nam trong khuôn khổ Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) chính thức có hiệu lực từ năm ngoái. “Theo cam kết trong EVFTA, nhãn hiệu sẽ bị chấm dứt hiệu lực nếu gây nhầm lẫn cho công chúng, phạm vi này rất rộng, việc nhầm lẫn bản chất, chất lượng và nguồn gốc địa lý chỉ là một vài ví dụ trong các trường hợp gây sai lệch thôi”, luật sư Nguyễn Thị Thu Hà ở công ty luật Vision Associates nhận xét trong hội thảo sửa đổi luật SHTT năm ngoái.
Bảo hộ nhãn hiệu tên người
Không ít người bất ngờ trước việc sử dụng tên người làm nhãn hiệu, tuy nhiên, đây là điều rất phổ biến ở Việt Nam cũng như thế giới. Hầu hết các cơ sở kinh doanh ở Việt Nam đều xuất phát từ quy mô nhỏ, sản xuất hộ gia đình nên thường lấy tên chủ nhân làm nhãn hiệu, ví dụ lạc rang bà Vân, phở Thìn, bánh cam bà Thêm,... Việc sử dụng và đăng kí bảo hộ các nhãn hiệu này hoàn toàn giống với nhãn hiệu thông thường.
Do vậy, người sử dụng nhãn hiệu cần nộp đơn đăng kí bảo hộ sớm và chú ý đến tính phân biệt của nhãn hiệu, bởi lẽ rất nhiều người có tên họ trùng lặp hoặc tương tự. Một vụ việc tiêu biểu xảy ra từ năm 1990, một tiệm may tại Chợ Lớn (TP.HCM) đăng kí nhãn hiệu “Vinh” do dịch vụ may đo và được chấp thuận. Sau đó, tiệm may này đã kiện một tiệm may Vinh khác ở đường Bùi Viện (TP.HCM), tiệm may Vinh ở Bùi Viện phản đối vì chủ tiệm cũng tên Vinh và đã kinh doanh nhiều năm. Sau nhiều ồn ào, cơ quan SHTT đã quyết định bảo hộ cho cả hai với điều kiện tiệm may Vinh ở Bùi Viện phải trình bày chữ “Vinh” theo kiểu khác và bổ sung thêm hình để có khả năng phân biệt với nhãn hiệu của tiệm may Vinh ở Chợ Lớn.
Một lưu ý khác trong bảo hộ nhãn hiệu dưới mang tên người ở Việt Nam là không được sử dụng các dấu hiệu trùng, hoặc tương tự đến mức gây nhầm lẫn với tên thật, biệt hiệu, bút danh, hình ảnh của lãnh tụ, anh hùng dân tộc, danh nhân của Việt Nam và nước ngoài. Mặc dù quy định này hoàn toàn hợp lý song các chuyên gia cho rằng, cần có hướng dẫn cụ thể hơn về các đối tượng này. Chẳng hạn, lãnh tụ gồm những ai, danh nhân là người có danh tiếng bởi có công trạng với xã hội, nhưng có danh tiếng đến mức độ nào thì được coi là danh nhân?
Điều này dẫn đến một số trường hợp dù tốn thời gian, công sức, tiền bạc đăng kí nhãn hiệu song vẫn bị từ chối do không đáp ứng được điều kiện trên. Chẳng hạn trước đây có một doanh nghiệp ở Hà nội đã nộp đơn đăng kí nhãn hiệu “Phù Đổng Thiên Vương và hình Phù Đổng cưỡi ngựa” cho sản phẩm chè. Cục SHTT từ chối vì đây là tên và hình ảnh của anh hùng dân tộc. Sau đó công ty khiếu nại vì cho rằng đây là nhân vật thần thoại chứ không phải anh hùng trong thực tế. Tuy nhiên, Cục SHTT vẫn từ chối vì dù là nhân vật huyền thoại, đây vẫn là anh hùng dân tộc trong tâm thức của người Việt Nam.
Giải quyết xung đột nhãn hiệu - quyền tác giả
Bên cạnh tên người thật, rất nhiều nhãn hiệu được bảo hộ dựa trên tên tuổi hoặc hình ảnh của các nhân vật hư cấu trong sách truyện hoặc phim ảnh. Chẳng hạn như nhân vật chú mèo máy Doraemon trong bộ truyện tranh cùng tên nổi tiếng trên toàn thế giới, rất nhiều cửa hàng ở Việt Nam hiện đang sử dụng tên hoặc hình ảnh của nhân vật này để làm nhãn hiệu trong hoạt động kinh doanh.
Dù biết rõ đây là hành vi xâm phạm quyền của chủ sở hữu tác phẩm song nếu chiếu theo quy định về luật SHTT của Việt Nam hiện nay, việc xử lí không hề đơn giản. Bởi lẽ, tên tuổi hình ảnh của nhân vật trong tác phẩm và khi đưa ra làm nhãn hiệu kinh doanh là hai khía cạnh hoàn toàn khác nhau của quyền SHTT - một bên là quyền tác giả, một bên là quyền sở hữu công nghiệp (gồm nhãn hiệu). “Luật SHTT của Việt Nam có xây dựng quy tắc giải quyết xung đột giữa nhãn hiệu với các quyền SHTT khác như tên thương mại, chỉ dẫn địa lý và kiểu dáng công nghiệp nhưng lại thiếu vắng việc giải quyết xung đột giữa nhãn hiệu với quyền tác giả - vấn đề rất hay xảy ra trên thực tiễn”, luật sư Lê Quang Vinh ở công ty Luật TNHH Bross và Cộng sự nhận xét trong một bài viết trên Lexology.
Để giải quyết xung đột này, dự thảo Luật SHT mới đây đã bổ sung thêm đối chứng trong thẩm định nhãn hiệu là quyền tác giả và tên giống cây trồng đã được đăng kí bảo hộ. Theo đó, dấu hiệu sẽ bị coi là không có khả năng phân biệt (không đủ điều kiện bảo hộ nhãn hiệu) nếu xung đột với các đối tượng đã được xác lập quyền tác giả. Đây là một bước bước tiến có thể giúp tránh được “các tranh chấp pháp lý phức tạp, kéo dài, thậm chí có thể làm vô hiệu cả mục tiêu chung của pháp luật cũng như cả bộ máy thực thi quyền sở hữu trí tuệ”, theo luật sư Lê Quang Vinh.
Dự thảo sửa đổi Luật SHTT đã bổ sung căn cứ chấm dứt hiệu lực văn bằng bảo hộ nhãn hiệu trong trường hợp “việc sử dụng nhãn hiệu được bảo hộ cho hàng hóa, dịch vụ bởi chủ sở hữu nhãn hiệu hoặc người được chủ sở hữu nhãn hiệu cho phép làm cho công chúng hiểu sai lệch về bản chất, chất lượng hoặc nguồn gốc của hàng hóa dịch vụ đó”. Quy định này cũng đáp ứng nghĩa vụ của Việt Nam trong khuôn khổ Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) chính thức có hiệu lực từ năm 2021. |