Làm thế nào để cuộc thi khoa học - kỹ thuật dành cho học sinh trung học thoát khỏi tiếng xấu như một cuộc thi mang tính phong trào và thiếu chiều sâu, nơi thật giả lẫn lộn, là câu hỏi đáng để thảo luận hơn thay vì đơn thuần chỉ trích nó.

Những nghi vấn thường trực

Vài năm gần đây, cứ mỗi lần Cuộc thi Khoa học và Kỹ thuật dành cho học sinh trung học cấp quốc gia (VISEF) công bố kết quả, cộng đồng mạng xã hội lại dậy sóng với các bình luận tiêu cực, chủ yếu liên quan đến nghi vấn nhiều đề tài dự thi, đặc biệt là các đề tài đoạt giải, có sự can thiệp quá sâu của thầy cô hoặc chuyên gia, chứ không phải do học sinh tự thực hiện. Tuy nhiên, chúng tôi chưa từng thấy đơn vị tổ chức (Bộ Giáo dục và Đào tạo), Ban giám khảo hay những người liên quan lên tiếng bảo vệ các học sinh tham gia trước những bình luận dễ gây tổn thương này. Có thể có nhiều nguyên nhân đằng sau sự im lặng, nhưng chắc chắn một điều, mối nghi ngờ dai dẳng của cộng đồng về tính trung thực của các đề tài dự thi cần được giải tỏa.

Giống như kỳ thi học sinh giỏi các môn học phổ thông, VISEF được tổ chức theo các cấp từ huyện/quận lên tỉnh/thành phố rồi tới quốc gia để chọn ra các dự án tham gia cuộc thi ISEF (International Science and Engineering Fair) tại Mỹ. Đây là cuộc thi khoa học - kỹ thuật quốc tế uy tín nhất toàn cầu dành cho học sinh từ lớp 9 đến lớp 12, có lịch sử hơn 70 năm và hơn 80 quốc gia tham dự, trong đó Việt Nam bắt đầu tham dự từ năm 2009.

Điều khác biệt là, học sinh tham gia các kỳ thi học sinh giỏi, ngoài việc được học chính khóa môn dự thi, còn được tổ chức bồi dưỡng thêm rất nhiều trước mỗi kỳ thi, có khi trước cả năm. Điều này không xảy ra với các nhóm học sinh thi khoa học - kỹ thuật (KHKT): hầu hết các em không được chuẩn bị do không phải trường nào cũng đáp ứng được môi trường rèn luyện những kiến thức chuyên sâu, tư duy khoa học, tư duy thiết kế cho các em. Đó là chưa kể, để tự mình thực hiện các sản phẩm dự thi, học sinh phải đầu tư rất nhiều thời gian. Thế nhưng, dường như có một “yêu cầu” ngầm nào đó từ các cơ quan quản lý giáo dục để tất cả các trường trung học đều phải tham gia. Nên, có thể nói, cứ mỗi lần VISEF diễn ra từ cấp nhỏ nhất đến cấp lớn nhất thì các nhà trường và thầy cô lại phải dùng tất cả “tài năng” của mình để “vận động” cho có bằng được những dự án, sản phẩm. Và các vấn đề tiêu cực nảy sinh chính từ đây, chúng tôi xin tạm liệt kê như sau:

Trước hết, đó là hiện tượng mua bán đề tài dự thi. Dạo một vòng facebook các nhóm KHKT, chẳng khó để thấy vô số lời rao bán các dự án thi KHKT cho học sinh. Dù việc mua bán diễn ra công khai như vậy đã tồn tại từ nhiều năm nhưng chưa thấy những người trong cuộc có động thái hay biện pháp gì ngăn chặn nhằm bảo đảm tính công bằng, liêm chính của cuộc thi.


Một số hình ảnh về hoạt động mua bán công khai trên mạng xã hội các dự án thi KHKT cho học sinh. Ảnh: Chụp màn hình

Ngoài ra, khá phổ biến là hiện tượng trao đổi đề tài dự thi giữa các giáo viên hướng dẫn - đề tài dự thi ở địa phương này rồi lại được trao đổi qua lại bằng nhiều hình thức để đi dự thi ở địa phương khác mà không “bị” ai phát hiện vì đâu có cách nào tra cứu hay so sánh tính mới của các đề tài. Ở cuộc thi quốc tế ISEF, các báo cáo của thí sinh đều được đăng tải trên nền tảng youtube (https://www.youtube.com/user/SocietyforScience/videos”videos), trong khi ở VISEF, rất ít người được tiếp cận các báo cáo của thí sinh và các báo cáo đó cũng không được công khai sau cuộc thi.

Đặc biệt, có không ít nghi vấn về việc các nhóm nghiên cứu ở các trường đại học tham gia “hỗ trợ” học sinh thi KHKT thông qua các mối quan hệ cá nhân của phụ huynh học sinh hoặc nhà trường. Hầu hết các đề tài, dự án, sản phẩm nhận được “hỗ trợ” từ các nhóm nghiên cứu ở bậc đại học có kiến thức chuyên sâu vượt tầm mức học sinh như nghiên cứu ung thư, nghiên cứu thuốc... khiến dư luận không khỏi đặt câu hỏi về phần đóng góp/tham gia thật sự của học sinh. Việc các nhà nghiên cứu tham gia hướng dẫn học sinh phổ thông là điều bình thường và được khuyến khích, nhưng hướng dẫn không có nghĩa là làm thay, và trên hết, đây là cuộc thi của các em.

Thêm nữa, do học sinh ở đa số trường không hề được rèn luyện kỹ năng hay tư duy nghiên cứu khoa học và sáng tạo kỹ thuật, dù chỉ ở mức độ thô sơ, nên một nghi vấn hợp lý là các em không tự làm ra mà chỉ được luyện chóng vánh, học thuộc phần trình bày về sản phẩm để “diễn” trước Ban giám khảo.

Nói như vậy thì cũng thật không công bằng cho nhiều học sinh, nhóm học sinh có đề tài dự thi từ chính ý tưởng của mình và tự mình thực hiện. Rất nhiều em đã chọn những đề tài phù hợp với lứa tuổi, phù hợp với khả năng thực hiện tại nhà trường. Tuy nhiên, trong sự lẫn lộn giữa thật và giả thì công sức của những em làm thật chưa được ghi nhận một cách xứng đáng.

Bỏ thì dễ, giữ mới khó

Trước những bất cập như vậy, rất nhiều ý kiến cho rằng, tốt nhất nên chấm dứt cuộc thi VISEF. Nhưng ngay cả với một cuộc thi bị “đổi màu” theo cách khó ai bênh vực nổi như thế này, chúng tôi vẫn cho rằng, “từ bỏ” là một một giải pháp dễ dãi và thiếu tính xây dựng. Sân chơi KHKT cho học sinh đang thực sự thiếu, làm thế nào để biến cuộc thi trở thành niềm tự hào của cả người tổ chức và thí sinh, theo chúng tôi, mới là câu hỏi đáng để mất công thảo luận.

Có thể nói, tất cả những chất vấn đối với cuộc thi hiện nay đều xoay quanh tính trung thực của nó, và may mắn thay, những dấu hiệu về sự thiếu trung thực lại không hề khó để nhận biết. Chẳng hạn, nếu một trường nào đó chưa bao giờ tổ chức các hoạt động chính khóa hay ngoại khóa về lập trình mà lại có học sinh đoạt giải với sản phẩm liên quan đến lập trình thì khả năng cao đó là kết quả của những xoay xở cấp thời. Như vậy, để đảm bảo sự trung thực của cuộc thi, nên đặt ra những tiêu chí bắt buộc, chẳng hạn, các trường chỉ được dự thi VISEF khi duy trì và phát triển được các câu lạc bộ như CLB STEM. Vì sao lại là CLB STEM? Thứ nhất, tinh thần của giáo dục STEM phù hợp với tinh thần của các cuộc thi KHKT: rèn luyện tư duy nghiên cứu khoa học và sáng tạo kỹ thuật, hướng tới giải quyết các vấn đề thực tiễn của cuộc sống thông qua các dự án. Thứ hai, những năm gần đây, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã có công văn hướng dẫn cụ thể các hình thức triển khai giáo dục STEM trong trường phổ thông như một hình thức nuôi dưỡng niềm đam mê sáng tạo KHKT. Nếu một ngôi trường có CLB STEM thì có nghĩa là nó đã ít nhiều hành động để gieo các hạt mầm KHKT, chuẩn bị nhân lực cho cuộc thi.

Bên cạnh đó, cần công khai các đề tài đoạt giải trên các cơ sở dữ liệu của ngành giáo dục, như vậy cộng đồng vừa được học hỏi, vừa có thể giám sát chất lượng của các đề tài. Để tránh việc sao chép nội dung thi từ địa phương này sang địa phương khác, các địa phương cũng cần công khai báo cáo toàn văn của các đề tài đoạt giải vào cơ sở dữ liệu chung của cuộc thi. Ngoài ra, như đã đề cập, cuộc thi là dành cho những học sinh thực sự đam mê và có năng lực KHKT nên các địa phương không nên bổ đầu các trường đều phải có đề tài tham dự mà thay vào đó, nên tạo điều kiện nuôi dưỡng tài năng từ các CLB STEM trong trường. Việc tổ chức hoạt động và hỗ trợ các CLB STEM như thế nào vẫn là câu chuyện cần được bàn bạc kỹ hơn, trong đó phát triển mạng lưới nhà tư vấn (mentor) là yếu tố quan trọng để giúp học sinh và giáo viên được tiếp cận và học hỏi từ các nhà nghiên cứu chuyên nghiệp ở các bậc học cao hơn.

Một điều chúng tôi muốn lưu ý là, ở cuộc thi gốc ISEF, đơn vị tổ chức không phải là Bộ Giáo dục hay các đơn vị quản lý giáo dục Mỹ mà do các tổ chức KHKT triển khai và tài trợ. Đây cũng là một yếu tố góp phần bảo đảm tính công bằng, minh bạch, vô vụ lợi của cuộc thi.

Mỗi học sinh là một hạt giống, các hạt giống có nảy mầm, phát triển thành các cây khỏe mạnh và cho nhiều quả hay không phụ thuộc vào môi trường sống và người chăm sóc chúng. Đừng bẻ cong các ngọn cây theo ý muốn của người lớn, để rồi làm thay đổi bản chất tự nhiên tốt lành của chúng.