Đại dịch cho thấy sự chuẩn bị của ngành khoa học từ nhiều thập niên trước với những hiểu biết sâu sắc về virus đã trở thành cơ sở cho các quyết định chính sách quan trọng. Do đó, việc chuẩn bị giai đoạn bình thường mới đang tới với những bài toán mới cũng cần phải dựa vào KH&CN.
Sau hơn một năm rưỡi chống dịch, tình hình đã có nhiều thay đổi, từ chỗ Việt Nam tạo đê bao ngăn dịch từ bên ngoài tràn ngoài vào sang việc phải chống đỡ với những ổ bệnh có sẵn trong cộng đồng. Mặt khác, chúng ta đã cơ bản kiểm soát được làn sóng dịch thứ tư ở hai trung tâm kinh tế chính trị và đang bước vào giai đoạn “bình thường mới” nhưng một loạt các tỉnh khác vẫn đang đứng trước nguy cơ bùng dịch… Nhìn tổng thể, Việt Nam đã kiểm soát tốt ba đợt dịch đầu tiên khi dựa trên các bằng chứng khoa học sớm nhưng cũng có những lúc lâm vào tình trạng vô cùng khó khăn khi chống dịch ở TP. HCM. Vì thế, trong buổi gặp mặt với Bộ KH&CN, các bộ, ngành liên quan và các nhà khoa học vào ngày 18/10, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã nhấn mạnh đến những tình huống cam go, “trước hai luồng ý kiến khác nhau và khả năng giải quyết ngang bằng nhau thì chúng ta đã quyết định theo phương thức đề xuất của các nhà khoa học. Khi nhìn lại thì tất cả đều nhìn nhận là chúng ta đã đi đúng… Do đó, việc trao đổi những kinh nghiệm xương máu sẽ cho phép chúng ta có những giải pháp bước sang một giai đoạn mới, thích ứng linh hoạt và kiểm soát an toàn”.
Nghiên cứu vaccine COVID-19 tại Nanogen.
Giải bài toán thực tiễn nhờ các hiểu biết cơ bản
Dù không thể điểm hết nỗ lực vào cuộc một cách thầm lặng của các nhà khoa học ngay từ những ngày đầu bùng phát, Phó Thủ tướng nhiều lần vẫn nhấn mạnh đến các quyết định chống dịch đều dựa trên cơ sở hiểu biết khoa học về virus. Vào nhiều thời điểm có những biến chuyển mới thì hiểu biết về dịch bệnh đã đem lại gợi ý cho những thay đổi về các chính sách ứng phó cũng như những hướng dẫn cụ thể. Lấy dẫn chứng về vaccine, Phó Thủ tướng cho rằng quan điểm về tầm quan trọng của vaccine trong chống dịch này cũng đã thay đổi, từ chỗ chúng ta đều nghĩ là tiêm vaccine thì sẽ ngăn chặn, cắt được quá trình lây lan nhưng bằng chứng mới về các biến thể, thực tế tiêm vaccine ở các nước khác đã cho thấy tiêm vaccine chỉ giúp bảo vệ người được tiêm tránh tử vong và tăng nặng. Mới đây, công bố trên tạp chí The Lancet của TS.BS Nguyễn Văn Vĩnh Châu (Giám đốc Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TP. HCM) và các đồng sự cũng cho thấy, dù nhân viên y tế đã tiêm đủ hai liều vaccine COVID-19 vẫn bị nhiễm SARS-CoV-2, có thể lây cho những người khác (gồm cả những người đã tiêm đủ liều vaccine). Tải lượng virus của chủng Delta có thể đạt đỉnh cao hơn chủng trước đây tới 251 lần nhưng tất cả đều có triệu chứng nhẹ hoặc không có triệu chứng gì. Đây là hiểu biết rất khác so với ban đầu.
Những hiểu biết khoa học rất cơ bản về virus này khiến các chính sách tiêm chủng, xét nghiệm phải thay đổi như PGS.TS Trần Đắc Phu, nguyên cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) nhận định “nếu cứ nghĩ là tiêm vaccine rồi cho đi lại thoải mái (từ vùng có dịch sang vùng không có dịch) là sai lầm”, bởi vì đặc điểm dịch bệnh ở các tỉnh, các vùng rất khác nhau. Do đó, “chỉ khi đạt miễn dịch như nhau rồi thì các vùng mới ứng xử như nhau được”, ông nói, ví dụ như Nam Định, Phú Thọ nếu không “quây” ca mang virus từ TP. HCM về thì sẽ “bùng” gây nguy cơ cho người bệnh nền và cao tuổi chưa được tiêm. Bằng kinh nghiệm từ đầu dịch tới nay, ông khuyến cáo, hiểu biết khoa học và đặc điểm thực tiễn ở Việt Nam sẽ giúp đưa ra những quyết định phù hợp chứ không thể học theo bài học của các nước vì điều kiện rất khác biệt với Việt Nam.
Câu chuyện thực tế đó cho thấy một điều không bao giờ cũ, dù dịch bệnh này hay dịch bệnh nào thì vẫn phải ưu tiên cho nghiên cứu khoa học rất cơ bản về virus và cơ chế xâm nhập của virus lên cơ thể con người… PGS.TS Trần Đắc Phu kiến nghị, “trong thời gian tới vẫn cần tiếp tục tập trung cho các nghiên cứu giải trình tự gene, điều tra dịch tễ, đưa ra cơ sở cho đáp ứng dịch bệnh”. Ông nhấn mạnh, trong dịch bệnh, với những tình huống dẫn đến nhiều luồng ý kiến phản hồi khác nhau, nhiều giải pháp khác nhau thì chỉ hiểu biết khoa học mới giúp chọn được giải pháp đúng đắn và phù hợp mà không gây nhiều tổn thất.
Thực tế đã chứng minh, việc sản xuất vaccine hay sản xuất thuốc điều trị COVID đều cần những nền tảng hiểu biết và kinh nghiệm sau một quá trình đầu tư nghiên cứu phát triển trong nhiều thập niên. Hai vaccine dự tuyển của các nhà phát triển Việt Nam như Nanocovax, COVIVAC đều có được là nhờ cả Nanogen và IVAC đều đã có hàng chục năm thuần thục công nghệ. Tương tự, những dược phẩm chống COVID tiềm năng khác cũng không nằm ngoài “hệ quy chiếu” này: PegLambda là sản phẩm của nhiệm vụ KH&CN cấp quốc gia từ năm 2015 (đang được nghiên cứu thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 2 trên bệnh nhân Covid-19), thuốc kháng thể đơn dòng kháng SARS-CoV-2 cũng dựa trên công nghệ mà Nanogen đã nghiên cứu nhiều năm. Tin vui lớn nhất là sau Nanocovax, Nanogen đã tiếp tục bào chế được hai dạng sản phẩm thuốc tiêm và thuốc xịt mũi họng (cả hai đang được tiến hành các thủ tục để thử lâm sàng trên bệnh nhân COVID-19).
Phần lớn những năng lực ứng phó tức thời này đều từ việc đầu tư một cách bền bỉ và thầm lặng cho nghiên cứu y sinh dược học nói riêng và cho khoa học cơ bản nói chung, một công việc mà Bộ KH&CN đã thực hiện và điều phối trong nhiều năm qua dưới nhiều hình thức tài trợ, hỗ trợ như những chương trình KH&CN cấp nhà nước như KC10 “Nghiên cứu ứng dụng, phát triển công nghệ tiên tiến phục vụ bảo vệ và chăm sóc sức khỏe cộng đồng”, KC04 “Nghiên cứu phát triển và ứng dụng công nghệ sinh học”, Quỹ NAFOSTED… Đặc biệt, được hình thành từ năm 2012, ngành y sinh dược học của Quỹ NAFOSTED đã có nhiều đề tài nghiên cứu cơ bản và ứng dụng, quy tụ nhiều chuyên ngành hẹp trước đây chưa có điều kiện thực hiện tại Việt Nam như mô phỏng sinh y dược học, tế bào gốc hay công nghệ nano y học.
Cần có một chiến lược tổng thể
Với những kinh nghiệm đó, Việt Nam sẽ tiếp tục việc chống dịch ra sao? Theo PGS.TS Nguyễn Viết Nhung, Giám đốc Bệnh viện Phổi Trung ương, sang giai đoạn mới, chúng ta vẫn cần chú trọng đến việc điều hành tối ưu hệ thống y tế từ cấp trung ương đến cơ sở để giám sát dịch và điều trị ứng phó, lâu dài.
Giải pháp tổng thể cho chiến lược này là một chương trình quốc gia riêng về COVID và lao, ông đề xuất. Dưới góc độ một chuyên gia có nhiều kinh nghiệm về lao, một loại bệnh do virus gây ra dẫn đến những tổn thưởng ở phổi, ông cho rằng chúng có nhiều điểm tương đồng: cùng là bệnh truyền nhiễm, lây qua đường hô hấp, vaccine chỉ ngăn chặn được tiến triển và tử vong chứ không ngăn được nhiễm và quan trọng nhất là đều mang tính xã hội – do tiếp xúc giữa người với người. Điểm lợi khi có được chương trình chung là các can thiệp phòng chống Covid hầu hết đã được ứng dụng nhiều năm trong Chương trình chống lao như phát hiện sớm, phát hiện chủ động, ca bệnh chỉ điểm và phát hiện ở người tiếp xúc (truy vết) … Hệ thống y tế chống lao đã được triển khai trên phạm vi toàn quốc và đã tích hợp với hệ thống y tế chung ở tuyến cơ sở.
Không chỉ có vậy, để thực thiện chiến lược dài hơi nhưng cấp bách trong tình hình diễn biến dịch vẫn khó lường, chúng ta cũng cần cách thức, quan điểm quản lý mới. Theo đề xuất của PGS.TS Nguyễn Lân Hiếu, Giám đốc Bệnh viện Đại học Y Hà Nội đề nghị Bộ KH&CN cần có một bộ phận riêng “chuyên lo cho COVID” và đề xuất của PGS.TS Bùi Quang Tuấn, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam (Viện Hàn lâm KHXH VN) là cơ chế đầu tư cho nghiên cứu nên việc chuyển sang “hậu kiểm”. “Vừa qua chúng ta thấy cơ chế hậu kiểm ở hải quan đã phát huy hiệu quả rất tốt. Thế tại sao chúng ta không chuyển sang cơ chế hậu kiểm trong khoa học và để cho các nhà khoa học chịu trách nhiệm?”, PGS.TS Bùi Quang Tuấn nói.
Trên thực tế, dù chưa có hẳn một cơ quan chuyên trách riêng nhưng từ đại dịch đến nay, Bộ KH&CN đã có những quyết định rất nhanh chóng, có cơ chế linh hoạt nhằm phục vụ công tác chống dịch. Ngay từ năm 2020, Bộ KH&CN quyết định đầu tư đột xuất cho 10 nhiệm vụ nghiên cứu sâu về virus, cung cấp vật liệu và hỗ trợ tích cực cho nghiên cứu chế tạo bộ KIT, sản xuất kháng thể đơn dòng và vaccine… phục vụ công tác chống dịch, hay đầu tư cho Nanogen cũng là quyết định chưa có tiền lệ.
Hơn lúc nào hết, thời điểm nguy nan của dịch bệnh cũng là thời điểm mà các nhà quản lý khoa học đặt niềm tin vào giới nghiên cứu trong nước như bộ trưởng Bộ KH&CN Huỳnh Thành Đạt khẳng định, một trong những bài học kinh nghiệm rút ra từ đại dịch là “nền KH&CN của Việt Nam, với nòng cốt là các nhà khoa học rất tâm huyết, tài năng có đủ năng lực, tiềm lực để giải quyết các bài toán của đất nước”. Qua đây, “ngành KH&CN mong muốn tiếp tục nhận được niềm tin của Lãnh đạo Chính phủ, các cơ quan của Quốc hội, cũng như của toàn xã hội vào các nhà khoa học trong việc cùng chung tay giải quyết các bài toán lớn của đất nước”, Bộ trưởng Huỳnh Thành Đạt nói. Ông cũng cho biết sẽ kiên quyết hơn nữa trong việc cắt giảm thủ tục hành chính trong việc tổ chức các nhiệm vụ KH&CN nhằm tạo điều kiện thuận lợi nhất để các nhà khoa học, các doanh nghiệp tham gia thực hiện các nhiệm vụ, chương trình KH&CN do ngân sách nhà nước tài trợ.
Phát biểu kết luận tại phiên họp, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam trân trọng cảm ơn các nhà khoa học đã tham gia vào công tác chống dịch từ rất sớm, tâm huyết, có nhiều đóng góp trí tuệ, thầm lặng nhưng rất hiệu quả. Ông khẳng định từ đầu dịch đến nay tinh thần và nguyên tắc khoa học là không thay đổi, đó là “kết hợp khoa học và thực tiễn, tính toán đến tình huống xấu hơn, sẵn sàng cho tình huống xấu nhất, huy động toàn dân”.
Trước tình hình mới, để chung sống an toàn với virus, Phó Thủ tướng đề nghị các cơ quan nghiên cứu khẩn trương đánh giá tác động toàn diện của dịch bệnh COVID-19, không chỉ về y tế mà còn kinh tế, xã hội, tâm lý, giáo dục, quản lý, điều hành đất nước, điều hành cộng đồng, cơ quan, nhà máy xí nghiệp. Cùng với đó là dự báo xu hướng trong tương lai để chúng ta sẵn sàng ứng phó. Đặc biệt, dịch bệnh này và các dịch bệnh mới nổi trong tương lai vẫn còn tiếp diễn, nên bên cạnh các chương trình đang triển khai về vaccine, thuốc điều trị, công nghệ xét nghiệm… Bộ KH&CN cần có cơ chế đặt hàng các nhiệm vụ KHCN mới ngay khi có yêu cầu từ thực tế.
Phó Thủ tướng cũng giao ngay nhiệm vụ cho Bộ Y tế, Bộ KH&CN khẩn trương xây dựng kế hoạch, nhiệm vụ khoa học nâng cao năng lực hệ thống y tế cơ sở để sẵn sàng ứng phó dịch bệnh COVID-19 với bất kỳ biến chủng nào hoặc dịch bệnh khác lây nhiễm qua đường hô hấp. “Ứng dụng các công nghệ mới, kế thừa hệ thống, lực lượng y tế cơ sở đã có từ trước, đặc biệt là kết hợp với hệ thống phòng chống lao để sẵn sàng ứng xử trong tình huống từ bình thường cho đến tình huống xấu, rất xấu, rất nghiêm trọng”, ông nhấn mạnh “nhanh nhất có thể”, “trong ba tháng là phải có hướng dẫn xuống đến y tế cấp xã”.
Để chung sống an toàn với virus, các cơ quan nghiên cứu cần khẩn trương đánh giá tác động toàn diện của dịch bệnh COVID-19, không chỉ về y tế mà còn kinh tế, xã hội, tâm lý, giáo dục, quản lý, điều hành đất nước, điều hành cộng đồng, cơ quan, nhà máy xí nghiệp. Cùng với đó là dự báo xu hướng trong tương lai để chúng ta sẵn sàng ứng phó với dịch bệnh này và các dịch bệnh mới nổi trong tương lai. Do vậy, bên cạnh các chương trình đang triển khai về vaccine, thuốc điều trị, công nghệ xét nghiệm… Bộ KH&CN cần có cơ chế đặt hàng các nhiệm vụ KHCN mới ngay khi có yêu cầu từ thực tế.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam |
Bảy nhiệm vụ trong giai đoạn tới của ngành KH&CN
1. Nghiên cứu sản xuất vaccine và thuốc điều trị Covid-19; triển khai Chương trình KH&CN trọng điểm cấp quốc gia: “Nghiên cứu sản xuất vaccine sử dụng cho người đến năm 2030”, với mục tiêu làm chủ được công nghệ sản xuất 15 loại vaccine và sản xuất được tối thiểu 05 loại vaccine, trong đó ưu tiên vaccine Covid-19, vắc xin ung thư, vắc xin phối hợp nhiều thành phần.
2. Nghiên cứu các phương pháp xét nghiệm mới như xét nghiệm SARS-CoV-2 với mẫu bệnh phẩm là nước bọt, hơi thở.
3. Nghiên cứu hội chứng hậu Covid-19, đáp ứng miễn dịch tế bào và theo dõi đáp ứng miễn dịch sau nhiễm tự nhiên và sau tiêm vắc xin Covid-19 theo thời gian.
4. Hỗ trợ hoàn thiện công nghệ sản xuất máy thở HFNC; hệ thống làm giàu oxy và khí nén sử dụng trong y tế di động.
5. Nghiên cứu sản xuất KIT định lượng và khả năng trung hòa của kháng thể kháng SARS-CoV-2.
6. Triển khai các nhiệm vụ nghiên cứu đánh giá tác động của đại dịch Covid-19 đến phát triển kinh tế-xã hội Việt Nam và khuyến nghị chính sách.
7. Nghiên cứu về mô hình triển khai các hoạt động giáo dục, y tế, văn hóa, sản xuất kinh doanh trong bối cảnh đại dịch, định hướng phát triển các công nghệ hỗ trợ.
Trích báo cáo KH&CN Việt Nam trong công tác phòng, chống dịch Covid-19 tại buổi làm việc của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam với Bộ KH&CN, các bộ, ngành liên quan và các nhà khoa học, ngày 18/10. |