Hầu hết các nhà lập pháp, chuyên gia công nghệ và doanh nhân đều nhất trí rằng Mỹ đang phải đối mặt với một cuộc chiến cam go để giành lấy vị trí tiên phong trong đường đua công nghệ với Trung Quốc. Sự cạnh tranh đó diễn ra như thế nào?

Một số cuộc cạnh tranh trong các lĩnh vực mới nổi như điện toán lượng tử và trí tuệ nhân tạo thì chỉ mới ở mức khởi đầu. Và Mỹ vẫn giữ lợi thế trong các lĩnh vực quan trọng như phần mềm và thiết bị bán dẫn. Nhưng trong các ngành công nghiệp như điện thoại thông minh, drone (phương tiện bay không người lái) và xe điện, các công ty Trung Quốc đang dẫn trước - hoặc đã vượt xa.

Trung Quốc nổi lên như một thế lực nhờ nhiều yếu tố: lực lượng lao động có kỹ năng nhưng chi phí thấp hơn, các khoản trợ cấp khổng lồ của chính phủ đã đẩy các đối thủ phương Tây ra khỏi thị trường, và không giống như nhiều nhà đầu tư Mỹ, chính phủ sẵn sàng tài trợ cho các lĩnh vực sản xuất đắt đỏ mà đôi khi mang lại lợi nhuận thấp.

Đối diện với sự cạnh tranh ngày càng gay gắt, chính quyền Biden và nhiều thành viên Quốc hội đã kêu gọi chính phủ hỗ trợ nhiều hơn cho lĩnh vực nghiên cứu và chế tạo trong nước. Ngay cả một số đảng viên Đảng Cộng hòa đã gạt đi niềm tin về thị trường tự do của họ để chấp nhận chính phủ can thiệp nhiều hơn, thúc đẩy các lĩnh vực chiến lược như thiết bị bán dẫn.

Bất chấp nhiều năm đầu tư, Trung Quốc đã gặp phải khó khăn trong việc phát triển và sản xuất các vật liệu bán dẫn hiện đại, đòi hỏi thiết kế và bí quyết sản xuất phức tạp.

Dưới đây là sáu lĩnh vực cạnh tranh đáng chú ý giữa hai cường quốc này:

Thiết bị mạng viễn thông

Người phương Tây lần đầu chú ý đến công nghệ Trung Quốc là thông qua lĩnh vực viễn thông - lĩnh vực mà Huawei đã nhanh chóng phát triển thành nhà sản xuất thiết bị tháp điện thoại truyền tín hiệu di động lớn nhất thế giới.

Huawei chiếm ưu thế vượt trội về doanh số bán thiết bị cho mạng 4G và 5G mới nhất, được kỳ vọng sẽ là nền tảng cho nhiều công nghệ cho tương lai, cung cấp kết nối dữ liệu di động cho xe hơi không người lái, nhà máy tự động v.v.

Khoản đầu tư lớn của Huawei vào việc phát triển và sản xuất thiết bị đã giúp nó duy trì được vị thế ngay cả khi các công ty Mỹ rút lui khỏi hoạt động kinh doanh - bởi thiếu hụt nguồn vốn cần thiết và thị trường bị phân mảnh khiến họ khó mở rộng quy mô. Do đó, hiện nay hầu như không có bất kỳ công ty Mỹ nào bán thiết bị mạng viễn thông, kể cả tập đoàn Cisco chuyên bán thiết bị chuyển mạch và bộ định tuyến cũng không tập trung vào thị trường thiết bị tháp di động.

Khi Huawei ngày càng gia tăng sức mạnh của mình, Mỹ đã đưa ra lệnh cấm sử dụng các thiết bị đó trong nước và gây áp lực buộc các nước đồng minh cũng không được sử dụng. Mỹ cáo buộc rằng Trung Quốc có thể lợi dụng thiết bị này vào việc do thám hoặc gây gián đoạn mạng. Động thái này đã giúp thị phần của Huawei giảm đáng kể trong những tháng gần đây, đồng thời giúp tăng thị phần của Ericsson của Thụy Điển và Samsung của Hàn Quốc.

Phương tiện bay không người lái (drone)

Drone thương mại là một trong những ví dụ điển hình về sức mạnh của Trung Quốc trong lĩnh vực kinh doanh phần cứng. Một công ty Trung Quốc, DJI, do doanh nhân công nghệ Frank Wang thành lập, đang thống trị thị trường phương tiện bay không người lái - ứng dụng trong nông nghiệp, quay phim, chụp ảnh trên không - của Mỹ.

Theo Drone Industry Insights, các nhà sản xuất tại Mỹ cũng như các nước phương Tây khác hầu như không tham gia vào lĩnh vực này. Skydio, một nhà sản xuất drone tự hành ở California do ba sinh viên tốt nghiệp MIT thành lập, cũng chỉ nắm giữ dưới 1% thị phần drone ở Mỹ.

Tuy nhiên, sắp tới có thể tình hình của các nhà sản xuất phương Tây sẽ khả quan hơn khi Chính phủ Mỹ đang ngày càng e ngại rằng drone do Trung Quốc sản xuất có thể hỗ trợ hoạt động gián điệp.

Năm 2020, đã có một đạo luật cấm quân đội Mỹ sử dụng drone do Trung Quốc sản xuất, đồng thời các cơ quan liên bang khác cũng đã hạn chế sử dụng chúng. Lầu Năm Góc đã gọi DJI là một rủi ro đối với an ninh quốc gia, và liệt kê tên năm nhà sản xuất drone “đáng tin cậy: Skydio, Altavian, Teal Drones, Vantage Robotics và Parrot. Trong một chiến dịch quảng cáo vào năm ngoái, Parrot đã nhấn mạnh cuộc chiến này bằng cách hỏi khách hàng rằng “Bạn có tin tưởng drone của DJI không?”

DJI đã bác bỏ thứ mà họ gọi là “các cáo buộc liên quan đến chính trị” và cho biết mình tôn trọng dữ liệu của khách hàng.

Xe điện

Các nhà sản xuất xe hơi phương Tây, Nhật Bản và Hàn Quốc đã thống trị thị trường xe hơi chạy bằng xăng trên toàn cầu. Nhưng trong lĩnh vực kinh doanh xe điện, các nhà sản xuất Trung Quốc đang cho thấy mình là một đối thủ đáng gờm - nhất là khi nước này hiện là thị trường xe hơi lớn nhất thế giới.

Hiện tại, Tesla vẫn là công ty chiếm thị phần lớn nhất trong mảng kinh doanh xe điện và xe lai sạc điện, nhờ vào doanh số bán hàng ở Trung Quốc, Mỹ và châu Âu. Tập đoàn Volkswagen đứng thứ hai.

SGMW, công ty liên doanh giữa General Motors và hai nhà sản xuất xe hơi Trung Quốc, đã nhanh chóng giành được thị phần nhờ sự đón nhận của người dân Trung Quốc với chiếc xe hơi điện nhỏ bé có thể di chuyển với tốc độ tối đa 62 dặm/giờ. Mẫu xe Hong Guang Mini EV được tung ra thị trường vào năm ngoái với giá khởi điểm là 3.500 USD và nhanh chóng trở thành mặt hàng bán chạy nhất với những người bình dân ở Trung Quốc.

Theo dữ liệu của Credit Suisse, các thương hiệu Trung Quốc như BYD, Great Wall Motors và Nio cũng là những hãng xe điện phổ biến ở nước này.

Chính phủ Trung Quốc đã chi ít nhất 60 tỷ USD để hỗ trợ ngành công nghiệp xe hơi điện còn non trẻ, bao gồm tài trợ nghiên cứu và phát triển, miễn thuế và hỗ trợ tài chính cho các trạm sạc pin. Tuy nhiên, các thương hiệu xe điện Trung Quốc cho đến nay vẫn chưa thực sự vươn ra được thị trường nước ngoài. Trong khi đó, tính đến tháng năm năm nay, mẫu xe Chevrolet Bolt đứng thứ ba trong số các loại xe chạy điện phổ biến tại Hoa Kỳ, sau mẫu Tesla Y và 3. Ford Mustang Mach-E xếp thứ tư.

Thiết bị bán dẫn

Nước Mỹ vẫn thống trị doanh số thiết bị bán dẫn toàn cầu, loại chip máy tính cung cấp năng lượng cho hầu hết các thiết bị điện tử hiện đại, từ máy bay, điện thoại thông minh đến xe hơi và máy hút bụi. Theo IC Insights, vào năm 2020, các công ty có trụ sở chính tại Mỹ chiếm gần một nửa trong tổng số gần 500 tỷ USD doanh thu bán chip trên toàn thế giới.

Tuy nhiên, nhiều công ty Mỹ tuy bán chip nhưng không thực sự sản xuất chúng. Họ thiết kế vật liệu bán dẫn - phần lớn giá trị nằm ở thiết kế sáng tạo - và thuê các nhà sản xuất lớn như TSMC của Đài Loan sản xuất.

Đối với các chip logic công nghệ cao nhất với các bóng bán dẫn nhỏ nhất có kích thước dưới 10 nanomet, Đài Loan sản xuất 92% và Hàn Quốc phần còn lại.

Mỹ là nhà sản xuất chip với mức độ phức tạp cao, trong khi Trung Quốc cho đến nay chủ yếu sản xuất chip công nghệ cũ, chiếm khiêm tốn 4% thị phần bán dẫn toàn cầu.

Bất chấp nhiều năm đầu tư, Trung Quốc đã gặp phải khó khăn trong việc phát triển và sản xuất các vật liệu bán dẫn hiện đại, đòi hỏi thiết kế và bí quyết sản xuất phức tạp. Tuy nhiên, Trung Quốc vẫn đang đầu tư hàng tỷ USD vào các công ty chip của mình để cố gắng bắt kịp Mỹ trong cuộc đua này.

Một phần vì lo ngại về sức mạnh công nghệ đang lên của Trung Quốc, Thượng viện Mỹ gần đây đã phê duyệt 52 tỷ USD trợ cấp liên bang cho sản xuất và nghiên cứu chip trong nước.

Ắc-quy

Ắc-quy lithium-ion là ‘ngôi sao’ của nền kinh tế xanh, dùng để cung cấp năng lượng cho xe điện và lưu trữ năng lượng mặt trời, năng lượng gió. Trung Quốc đang đi đầu trong việc sản xuất chúng, và dự kiến họ sẽ tiếp tục bỏ xa các đối thủ còn lại.

Trung Quốc đã hỗ trợ các công ty sản xuất ắc-quy và xe điện của mình hàng chục tỷ USD, bao gồm tài trợ nghiên cứu và phát triển, hỗ trợ cho các nhà sản xuất và các trạm sạc. Nó cũng thúc đẩy nhu cầu bằng cách khiến người mua xe hơi chạy bằng nhiên liệu xăng phải chờ đợi lâu hơn người mua xe điện để có được biển số.

Nhờ có các trường đại học lớn và các phòng thí nghiệm quốc gia được liên bang tài trợ, Mỹ có những nghiên cứu giai đoạn đầu chất lượng về ắc-quy. Nước này còn có Tesla, một công ty dẫn đầu về xe hơi điện với các kế hoạch lớn nhằm sản xuất ắc-quy trong nước. General Motors cũng đang đầu tư mạnh vào sản xuất ắc-quy. Chính quyền Obama đã đưa ra một số hỗ trợ cho các nhà sản xuất ắc-quy và xe điện, bên cạnh đó California đã áp dụng nhiều quy định nhằm thúc đẩy lĩnh vực này phát triển, nhưng nhìn chung Mỹ vẫn để lĩnh vực này tự phát triển trong thị trường tự do.

Tấm năng lượng mặt trời

Các quốc gia trên thế giới đang tranh nhau khai thác nguồn năng lượng tái tạo, dẫn đến bùng nổ nhu cầu toàn cầu về các tấm pin mặt trời. Cho đến nay, Trung Quốc là nhà cung cấp công nghệ lớn nhất.

Chính phủ Trung Quốc đã hỗ trợ các nhà sản xuất tấm năng lượng mặt trời rất nhiều về mọi mặt, giúp duy trì ngay cả khi họ thua lỗ. Việc Trung Quốc gia tăng sản xuất đã khiến tấm năng lượng giảm giá mạnh và buộc nhiều nhà sản xuất phương Tây phải ngừng kinh doanh.
First Solar, công ty có trụ sở tại Temple, Arizona, đã được hưởng lợi từ điều này. Các nhà lập pháp Mỹ hiện đang xem xét đưa ra các biện pháp nhằm hỗ trợ những nhà sản xuất trong nước, cũng như thảo luận về các điều khoản có khả năng giúp ngăn chặn các linh kiện Trung Quốc xuất hiện trong các dự án năng lượng tái tạo do liên bang tài trợ.