Những giải pháp công nghệ phần mềm, phần cứng cũng như hệ thống quy chuẩn, tiêu chuẩn ra đời từ Chương trình “Nghiên cứu công nghệ và phát triển sản phẩm công nghệ thông tin phục vụ Chính phủ điện tử” (KC.01/16-20) đang góp phần rút ngắn thời gian đạt được mục tiêu xây dựng chính phủ điện tử ở Việt Nam.

Kể từ khi cổng dịch vụ công và hệ thống thông tin một cửa điện tử tỉnh Quảng Nam được đưa vào ứng dụng thực tế đầu năm nay, người dân nơi đây đang dần thoát khỏi nỗi lo tốn thời gian, nhiều giấy tờ phức tạp,... khi thực hiện các thủ tục hành chính ở cả ba cấp tỉnh, huyện và xã. Chẳng hạn khi cần làm chứng minh thư nhân dân (căn cước công dân), người dùng chỉ cần truy cập vào cổng thông tin và thực hiện các bước đăng ký theo hướng dẫn sẵn có, kết quả sẽ được trả về tận nhà, đỡ tốn công sức và thời gian đi lại. Ngoài việc tạo điều kiện thuận lợi cho người dân, hệ thống còn góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động của các cơ quan hành chính nhà nước, thoát khỏi định kiến “hành là chính”.

Ảnh minh họa.

Điều này có thể khiến nhiều người thấy ngạc nhiên bởi Quảng Nam không phải là cái tên nổi bật khi nhắc đến việc phát triển chính phủ điện tử ở Việt Nam như một số địa phương khác. Tuy nhiên, nhìn vào quá trình xây dựng chính phủ điện tử, mới thấy Quảng Nam “như cá gặp nước” khi tìm đến Chương trình này. Thông qua đề tài “Nghiên cứu xây dựng phần mềm cung cấp dịch vụ hành chính công cấp tỉnh trên cơ sở nền tảng chia sẻ, tích hợp dữ liệu cấp tỉnh (LGSP)” (thuộc Chương trình KC.01/16-20), ý tưởng về một nền tảng hoạt động của chính phủ điện tử mới dần rõ nét. “Trong hai năm vừa qua, Bộ KH&CN đã trao cho tỉnh Quảng Nam một đề tài rất quan trọng, tất cả những gì chúng tôi có được hiện nay là kết quả từ đề tài này”, ông Hồ Quang Bửu, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam bày tỏ trong hội nghị trực tuyến tổng kết Chương trình KC.01 diễn ra vào ngày 16/10 vừa qua.

Thứ trưởng Bộ KH&CN Trần Văn Tùng. Ảnh: TA

Đây chỉ là một trong những kết quả trong khuôn khổ Chương trình KC.01. Với 26 đề tài tập trung vào các nội dung xây dựng mô hình, nền tảng và các giải pháp kỹ thuật cho phát triển chính phủ điện tử, Chương trình KC.01 đã góp phần giải quyết nhiều bài toán quan trọng đặt ra trong quá trình phát triển chính phủ điện tử ở Việt Nam hiện nay. “Từ nghiên cứu về khung tham chiếu cho hoạt động của chính phủ điện tử, máy tính an toàn,... tất cả các kết quả đều bám sát với nhu cầu thực tế, do đó, nhiều kết quả nghiên cứu đã được các cơ quan quản lý tiếp nhận, sử dụng và phục vụ công tác quản lý”, Thứ trưởng Bộ KH&CN Trần Văn Tùng nhận xét.

Tăng cường an ninh mạng

Không phải ngẫu nhiên mà 13/26 đề tài thuộc Chương trình KC.01 đều tập trung vào nội dung bảo mật dữ liệu và an toàn thông tin. Đây là một trong những vấn đề mà nhiều người lo ngại nhất trong quá trình phát triển chính phủ điện tử. Bởi lẽ, việc lưu trữ dữ liệu và thực hiện các hoạt động trên môi trường trực tuyến khiến nguy cơ bị đánh cắp thông tin trở nên dễ xảy ra hơn bao giờ hết. Nỗi lo này hoàn toàn có cơ sở khi “vào năm 2015-2016, Việt Nam chỉ đứng khoảng 96-100 trong bảng xếp hạng chỉ số an toàn, an ninh mạng hơn 100 quốc gia trên thế giới của Liên minh viễn thông quốc tế”, Thứ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Huy Dũng cho biết.

Nhận thấy tình trạng này, khi phê duyệt các nhiệm vụ trong khuôn khổ Chương trình KC.01 vào năm 2016, Ban chủ nhiệm đã chọn ra các đề tài tập trung phát triển các giải pháp phần cứng, phần mềm nhằm đảm bảo an toàn thông tin, nâng cao hiệu quả hoạt động của các cơ quan nhà nước và khả năng tham gia của các tổ chức, cá nhân như nghiên cứu hệ thống hỗ trợ bảo vệ, ngăn chặn rò rỉ dữ liệu trong chính phủ điện tử, vi mạch bảo mật dữ liệu, thiết bị phát hiện, phòng chống xâm nhập mạng máy tính, kho phần mềm mã nguồn mở cho máy tính sạch,... “Khi nhắc đến việc bảo mật dữ liệu, mọi người thường tập trung vào phần mềm. Tuy nhiên, bản thân các thiết bị phần cứng có thể tiềm ẩn những rủi ro mà chúng ta không hay biết, đến khi có vấn đề xảy ra thì đã quá muộn. Do vậy, việc chế tạo các thiết bị phần cứng đảm bảo an toàn thông tin là bài toán rất cấp thiết mà ban chủ nhiệm đã đặt ra”, TS. Phạm Hùng Mạnh, Công ty Cổ phần Công nghệ Công nghiệp Bưu chính viễn thông (VNPT Technology), chủ nhiệm đề tài nghiên cứu, chế tạo hệ thống camera có tính bảo mật cao (KC.01.14) nhận xét.

Nhờ định hướng đúng đắn ngay từ lúc bắt đầu, cùng “sự hướng dẫn rất tận tâm và thiết thực của Ban chủ nhiệm trong quá trình tổ chức quản lý về chuyên môn”, theo TS. Phạm Hùng Mạnh, các đề tài đều thu được kết quả tích cực. Theo báo cáo tổng kết, 100% các đề tài đã nghiệm thu đều có kết quả được ứng dụng vào thực tiễn, phục vụ cho các hoạt động quản lý và cung cấp dịch vụ công của các cơ quan nhà nước và có tiềm năng thương mại hóa. Chẳng hạn như sản phẩm camera có tính bảo mật cao, “hiện nay đã được chuyển giao sản xuất quy mô lớn tại VNPT Technology, từ thiết kế nguyên lý, layout, kiểu dáng công nghiệp, thiết kế cơ khí và lựa chọn linh kiện cho thiết bị. Sắp tới chúng tôi sẽ triển khai ứng dụng ở Nhà Bè (TP HCM)”, TS. Phạm Hùng Mạnh nói.

Một số đề tài không mang lại sản phẩm ứng dụng trực tiếp song vẫn có đóng góp quan trọng trong quá trình xây dựng và phát triển chính phủ điện tử. Tiêu biểu như nghiên cứu về mô hình khung tham chiếu về an toàn thông tin phục vụ chính phủ điện tử (KC.01.07/16-20). “Đây là cơ sở để xây dựng kiến trúc an toàn thông tin. Mặc dù quan trọng song đây là lĩnh vực rất mới ở Việt Nam cũng như trên thế giới. Khi chúng tôi đặt vấn đề cần có khung tham chiếu an toàn thông tin vào năm 2016, rất may lúc đấy nhận được sự ủng hộ của Ban chủ nhiệm chương trình”, Thứ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Huy Dũng cho biết. Đến nay, mô hình khung tham chiếu an toàn thông tin đã được áp dụng trong nhiều văn bản quan trọng như góp phần hoàn thiện “Mô hình tham chiếu an toàn thông tin (SRM)” trong Khung kiến trúc chính phủ điện tử Việt Nam phiên bản 2.0 do Bộ TT&TT ban hành năm 2019; “Tài liệu hướng dẫn yêu cầu an toàn thông tin cơ bản đối với hệ thống thông tin kết nối vào mạng truyền số liệu chuyên dùng” của Bộ TT&TT,...

Trong suốt bốn năm thực hiện đề tài này từ năm 2016, chỉ số an toàn, an ninh mạng của Việt Nam đã tăng lên bậc 25 vào năm 2020-2021. “Trong sự chuyển biến tích cực này có đóng góp của nhiều yếu tố, song chắc chắn có cả các kết quả đề tài thuộc Chương trình KC.01, trong đó có khung tham chiếu an toàn thông tin”, ông Nguyễn Huy Dũng nói.

Ngoài vấn đề an toàn thông tin, nhiều đề tài còn góp phần giải quyết những bài toán trong phát triển kinh tế xã hội. Chẳng hạn như Việt Nam vốn có nhiều danh lam thắng cảnh, tuy nhiên năng lực cạnh tranh của ngành du lịch vẫn bị thua kém so với các quốc gia láng giềng. Vì thế, đề tài “Nghiên cứu phát triển một số dịch vụ hỗ trợ và quản lý du khách nhằm phát triển du lịch bền vững theo định hướng thành phố thông minh và chính phủ điện tử” (KC.01.02/16-20) do trường ĐH Sư phạm kỹ thuật (ĐH Đà Nẵng) chủ trì đã phát triển các giải pháp công nghệ để hỗ trợ khách du lịch. Trong đó nổi bật là “hệ thống cửa tự động thu phí bằng thẻ NFC khi vào tham quan các điểm du lịch thông qua giải pháp ví điện tử dùng thẻ NFC nạp tiền và quẹt thẻ vào đầu đọc được gắn trên cửa tự động thanh toán vé vào cửa, cùng hệ thống kiosk thông tin quảng bá du lịch, du khách có thể sử dụng để tìm kiếm các điểm du lịch nổi tiếng, nhà hàng, khách sạn, nơi mua sắm… lắp đặt thử nghiệm tại một số địa điểm du lịch trọng điểm của TP. Đà Nẵng”, TS. Trần Hoàng Vũ, chủ nhiệm đề tài, cho biết.

Với tính ứng dụng cao và dễ sử dụng, hệ thống được Hiệp hội du lịch Đà Nẵng đánh giá cao và đề xuất nhóm nghiên cứu tiếp tục hoàn thiện để triển khai ứng dụng thực tế.

Tăng cường tính liên thông dữ liệu

Theo những người thực hiện chương trình: "Một số nội dung có tính cấp thiết cao đã được Bộ KH&CN đặt ra, nhưng vẫn chưa thực hiện được như giải pháp kết nối liên thông giữa các cơ sở dữ liệu, hệ thống thông tin quốc gia; giải pháp lưu trữ thông tin và cơ sở dữ liệu lớn; xử lý và khai thác các cơ sở dữ liệu quốc gia; thiết bị xác thực điện tử trong các giao dịch điện tử; dịch vụ đảm bảo an toàn, an ninh cho các giao dịch điện tử..." theo báo cáo tổng kết. “Nguyên nhân là do chương trình được phê duyệt chậm hơn các chương trình khác, đây là một chương trình được mở mới không có sự kế thừa từ giai đoạn trước. Hơn nữa, trong các đề xuất Ban chủ nhiệm nhận được còn khá ít những nhiệm vụ được đề xuất nhằm giải quyết các bài toán trên,...”.

Do vậy, để tiếp tục giải quyết những vấn đề vẫn còn nhiều khả năng khai thác và đóng góp vào quá trình xây dựng chính phủ điện tử, “trong bối cảnh tái cơ cấu các chương trình KH&CN trong giai đoạn tới, chúng tôi ủng hộ và sẽ tiếp tục chương trình này. Chúng tôi sẽ chỉ đạo để làm sao các chương trình càng ngày càng gắn chặt với phát triển kinh tế xã hội của đất nước, càng ngày càng thiết thực hơn”, Thứ trưởng Trần Văn Tùng nhấn mạnh.

Tình trạng 'cát cứ dữ liệu' vẫn còn tồn tại ở các đơn vị khác nhau. Do vậy, chúng ta không có cơ sở dữ liệu chung của bộ, ngành hay địa phương. Nhìn rộng ra, chúng ta không có cơ sở dữ liệu lớn của quốc gia, đây là một điều còn hạn chế.

Thứ trưởng Bộ KH&CN Trần Văn Tùng