Iran mới trải qua cuộc bầu cử, nơi đánh dấu chiến thắng của một cựu bác sĩ phẫu thuật tim, ông Masoud Pezeshkian, người từng đảm trách vị trí Bộ trưởng Bộ Y tế Iran trong nội các chính phủ trước.
Các nhà khoa học hy vọng, nhiệm kỳ của ông có thể sẽ chứng kiến những cải thiện về quyền con người, đầu tư vào khoa học, tự do học thuật lớn hơn và hồi sinh các cuộc thảo luận về chương trình phát triển hạt nhân quốc gia. Nhưng không phải ai cũng đồng ý về việc thay đổi sẽ đến, hoặc nếu có sẽ kéo dài.
“Ông ấy là con đẻ của hệ thống giáo dục đại học Iran và có thể là một người ủng hộ khoa học”, theo nhận định của Moneef Zou’bi,một nhà nghiên cứu về khoa học chính trị Trung Đông và cựu Tổng giám đốc Viện Hàn lâm Khoa học thế giới các quốc gia Hồi giáo, một tổ chức phi chính phủ có trụ sở ở Amman. “Sự hiện diện của ông ấy sẽ đem lại những niềm hy vọng cho các trường đại học và các nhà khoa học hàng đầu”, Zou’bi cho biết thêm.
Tuy nhiên những người khác lưu ý là cuộc cải cách lâu dài ở Iran có thể sẽ khó khăn trong bối cảnh không khí địa chính trị hiện nay và Iran vẫn còn một nhà lãnh đạo tinh thần là nhà lãnh đạo tôn giáo tối cao Ali Khamenei, người nắm quyền về tôn giáo và chính trị.
Cuộc bầu cử Tổng thống Iran đã được diễn ra với hai vòng bỏ phiếu, sau khi cựu Tổng thống Iran Ebrahim Raisi qua đời trong một vụ tai nạn máy bay trực thăng vào tháng 5/2024. Cuộc bầu cử đến sớm hai năm sau khi các sinh viên và các nhà nghiên cứu tại các trường đại học ở quốc gia này tham gia vào những cuộc biểu tình trên khắp toàn quốc do phong trào Phụ nữ, cuộc sống, tự do khởi xướng sau cái chết của cô gái 22 tuổi Mahsa Amini. Cô bị cảnh sát đạo đức bắt vì cáo buộc vi phạm luật về khăn trùm đầu bắt buộc ở Iran rồi qua đời trong khi bị tạm giam.
Ông Pezeshkian giành thắng lợi ở vòng bỏ phiếu cử thứ hai vào ngày 5/7 nhờ việc hứa hẹn sẽ khởi động lại nền kinh tế ốm yếu của quốc gia và có quan điểm cởi mở hơn về việc bất đồng quan điểm chính trị của các nhà khoa học và sinh viên. Ông cũng cho biết ông muốn Iran bước vào những cuộc đàm phán mới với cộng đồng quốc tế với hy vọng làm nhẹ bớt lệnh cấm vận đối với quốc gia này và tái khởi động các đối thoại về chương trình hạt nhân.
Các án phạt quốc tế đã góp phần làm tồi tệ hơn các điều kiện kinh tế và một cuộc khủng hoảng chi phí sinh hoạt (cost-of-living crisis), một tình trạng kinh tế xã hội hay một thời kỳ lạm phát cao, mức lương thông thường không đủ sức chạy theo giá cả của các loại nhu yếu phẩm như lương thực, nhà ở, năng lượng, y tế…, theo Hossein Akhani, một nhà nghiên cứu về hệ thống thực vật ở ĐH Tehran. Đất nước này chịu đựng một lạm phát có hệ thống, lên tới 45% vào đầu năm nay nhưng giờ thì bắt đầu chậm chạp hạ dần. “Cuộc bầu cử đã mang hy vọng đến với cộng đồng khoa học. Đây là bước đầu tiên tiến tới một sự thay đổi”, ông nói.
Pezeshkian theo học ngành phẫu thuật tim và trở thành bác sĩ chiến trường trước khi trở thành Hiệu trưởng trường ĐH Các ngành khoa học y học Tabriz vào năm 1994. Từ năm 2001 đến năm 2005, ông là Bộ trưởng Bộ Y tế Iran trong chính quyền của Tổng thống Mohammad Khatami.
Ali Gorji, một nhà khoa học thần kinh gốc Iran làm việc ở trường Đại học Münster Đức, cũng hy vọng vào chiến thắng của tân tổng thống. “Nhìn vào nền tảng của ông ấy thì có thể thấy ông ấy có thể có tiềm năng tạo ra nhiều sáng kiến nhằm gia tăng ngân sách cho khoa học, nâng cấp cơ sở hạ tầng nghiên cứu và thúc đẩy hợp tác quốc tế trong nhiều lĩnh vực khoa học”.
Tại một sự kiện vận động bầu cử tại ĐH Tehran vào ngày 27/6/2024, Pezeshkian nhấn mạnh vào việc không dùng vũ lực áp đặt đội khăn trùm đầu và ông hiểu rằng các nhà nghiên cứu và sinh viên phải có quyền biểu tình mà không phải đối mặt với sự đàn áp bằng vũ lực. “Chúng ta càng kiến cho phụ nữ thêm căm ghét niềm tin tôn giáo của chúng ta, và đó là một thảm họa”, hãng thông tấn Islamic Republic News Agency đã trích lời của ông trong một bài báo sau sự kiện này. “Tôi sẽ thay đổi các quy định về kỷ luật và cách ứng xử với các sinh viên và giáo sư. Không nên ngược đãi nhà khoa học vì suy nghĩ của họ”.
Những lo âu sớmPezeshkian cũng ủng hộ khởi động các cuộc đối thoại về chương trình hạt nhân của Iran. Đây là yếu tố chính trong án phạt quốc tế của các quốc gia phương Tây mà Pezeshkian đang muốn tháo bỏ.
“Không chính phủ nào trong lịch sử lại có thể đạt được tăng trưởng và thịnh vượng khi tồn tại bên trong một cái lồng cả”, ông nói trong cuộc tranh luận trên truyền hình vào ngày 2/7/2024 với ứng viên đối lập Saeed Jalili. “Chúng ta không thể nghĩ về sự phát triển của đất nước, không có mối quan hệ hợp lý với thế giới. Chúng ta không thể mãi chỉ cho người khác thấy móng vuốt của mình được. Chúng ra phải có sự tương tác và sự khoan dung của thế giới”.
Ông vận động tranh cử cùng với cựu Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Iran Javad Zarif, người xây dựng thỏa thuận hạt nhân vào năm 2015 cùng người đồng cấp Mỹ John Kerry. Án phạt lên Iran đã trở nên dễ thở hơn trong việc trao đổi cam kết có thể thẩm tra được về việc giảm dự trữ uranium có thể trở thành vũ khí hạt nhân. Thỏa thuận này đã thất bại vào năm 2018, khi cựu Tổng thống Donald Trump đơn phương rút ra khỏi thỏa thuận, và án phạt lại được tái áp dụng.
Dưới án phạt này, các mối hợp tác quốc tế về khoa học đều trở nên khó khăn. Các nhà nghiên cứu của Iran phải đối mặt với nhiều rào cản trong việc mua sắm một số dạng trang thiết bị, nộp hồ sơ xin tài trợ và thậm chí là đi ra nước ngoài dự hội thảo. “Việc tham gia vào một hội thảo quốc tế đều khó thực hiện và các nhà khoa học nước ngoài không muốn chấp nhận đến dự hội thảo của chúng tôi”, theo Hamid Gourabi, một nhà di truyền học ở Học viện Hoàng gia Tehran đang hy vọng gỡ bỏ án phạt, điều đang được cả cộng đồng Iran mong chờ.
Theo Matthew Bunn, người nghiên cứu về an ninh hạt nhân và làm việc tại trường Chính phủ Kennedy của ĐH Harvard ở Cambridge, Massachusetts, với sự không tin tưởng và thù địch ở cả hai phía, thật vô cùng khó để thuyết phục Iran dừng hoạt động của tất cả các cơ sở hạ tầng hạt nhân được xây từ khi Tổng thống Trump rút khỏi thỏa thuận. Một thỏa thuận hạt nhân mà không có vượt qua xung đột giữa Iran với Mỹ, Israel và các quốc gia Ả Rập đều không có sự bền vững về mặt chính trị.
Nguồn: nature.com