Kế hoạch cải cách hệ thống khoa học với hàng tỉ Euro của Pháp hướng đến việc giám sát các viện nghiên cứu quốc gia nhiều hơn và tạo ra một hội đồng tư vấn khoa học đẳng cấp thế giới cho tổng thống.
Chính phủ Pháp mới loan báo một loạt các chỉ số đo lường để cải cách các tổ chức nghiên cứu của quốc gia mà Tổng thống Emmanuel Macron tuyên bố là sẽ giảm thiểu tệ quan liêu và khoa học “được đặt vào tâm điểm của quá trình ra chính sách của chính phủ”.
Cuộc cải cách này sẽ là một thay đổi lớn mang tính toàn diện với hệ thống nghiên cứu Pháp trong vòng hai thập kỷ và phù hợp với những đề xuất do nhà địa vật lý Philippe Gillet, nguyên Phó chủ tịch Trường Bách khoa Lausanne, nêu theo yêu cầu của Bộ trưởng Bộ Khoa học Sylvie Retailleauvào đầu năm nay. Khi đó, Philippe Gillet và một nhóm các nhà khoa học cũng như các bên liên quan trong hệ sinh thái nghiên cứu và đổi mới, đã thực hiện báo cáo “Sứ mệnh của hệ sinh thái khoa học và đổi mới sáng tạo” theo “đơn đặt hàng” của Bộ Khoa học.
Báo cáo nêu rõ, trước tiên, để tăng cường xây dựng chiến lược nghiên cứu quốc gia, cần thành lập một ủy ban cố vấn khoa học cấp cao của chính phủ. Bên cạnh đó là bốn đề xuất liên quan đến việc triển khai một tổ chức mới để xác định rõ hơn các thành phần khác nhau trong nghiên cứu khoa học và đổi mới sáng tạo. Trong mối quan hệ mới giữa các tổ chức khoa học quốc gia, các viện nghiên cứu và trường đại học, cần phải làm rõ vai trò tương ứng của họ ở cả cấp địa phương và quốc gia.
Việc đơn giản hóa các quy trình và thủ tục hành chính cũng được báo cáo đề xuất nhằm tạo điều kiện cho các nhà nghiên cứu có nhiều thời gian làm việc hơn trong nghiên cứu. Do đó, báo cáo cũng khuyến nghị phát triển một khuôn khổ quản lý hành chính rõ ràng cho các đơn vị nghiên cứu hỗn hợp có trách nhiệm quản lý. Một đề xuất khác nhằm cải thiện việc chia sẻ thông tin theo thời gian thực bằng cách hợp nhất dữ liệu quản lý, chỉ đạo và đánh giá từ các đơn vị nghiên cứu hỗn hợp này.
Hơn nữa, việc quản lý phòng thí nghiệm có thể được chú trọng hơn bằng cách tăng cường trách nhiệm của những người đứng đầu các tổ chức nghiên cứu hỗn hợp và bằng cách thúc đẩy sự hợp tác tốt hơn giữa các nhà nghiên cứu và quản trị viên.
Cuối cùng, báo báo nêu thêm hai đề xuất để có thể giúp thu hút các nhà nghiên cứu trẻ ở giai đoạn đầu sự nghiệp và các giảng viên/nhà nghiên cứu bằng các vị trí việc làm dài hạn, đồng thời khuyến khích cả những vị trí nghiên cứu ngắn hạn.
Đây cũng là gợi ý để Tổng thống Macron lập chiến lược cải cách, trong đó bao gồm việc tạo ra Hội đồng Khoa học của Tổng thống, một nhóm 12 nhà khoa học hàng đầu sẽ có nhiều phiên họp trong một năm để cố vấn cho tổng thống về chiến lược khoa học và những vấn đề chính mà các nhà khoa học phải đối mặt.
Kế hoạch cải cách đòi hỏi hàng tỉ Euro để thực hiện được Tổng thống Macron nêu trước 300 nhà khoa học, chính trị gia và doanh nhân hàng đầu Pháp tại Điện Élysée ở Paris vào ngày 7/12. “Thật hiếm có một Tổng thống Pháp nào lại nói về khoa học trong thời gian lâu như vậy và chi tiết như vậy”, nhà miễn dịch học Alain Fischer, Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học Pháp, nhận xét. “Rõ ràng là Macron quan tâm thực sự đến những cảnh báo của các nhà khoa học về những vấn đề đang diễn ra của khoa học Pháp”.
Khoảng 18 tháng tới, bảy viện nghiên cứu khoa học quốc gia của Pháp sẽ được chuyển đổi thành “các cơ quan chương trình”, mỗi viện sẽ phụ trách chiến lược và điều phối tất cả nghiên cứu theo một chủ đề cụ thể, Tổng thống Macron nói. Hiện tại thì nghiên cứu theo mỗi lĩnh vực đang được phân tán ở vô số viện nghiên cứu công lập khác nhau.
Theo hệ thống đã được cải cách, Ủy ban Năng lượng thay thế và năng lượng nguyên tử sẽ giam sát mọi nghiên cứu về công nghệ năng lượng phát thải carbon thấp, các hệ thống số và cơ sở hạ tầng số, Viện Y sinh sẽ phụ trách nghiên cứu về sức khỏe và Cơ quan nghiên cứu Quốc gia CNRS sẽ giám sát khoa học biển, khí hậu và đa dạng sinh học trong sự hợp tác với Viện Nghiên cứu Khai thác biển Pháp và Viện Nghiên cứu phát triển.
Nhiều tự chủ hơn, ít quan liêu đi
Tổng thống Macron cũng hứa hẹn sẽ cải cách hơn nữa để tăng cường quyền tự trị của các trường đại học, trao cho họ quyền giám sát các nhóm nghiên cứu của trường và có sự tham gia của các nhà khoa học trong các cơ quan cấp quốc gia.
Ông cũng cam kết đảm bảo giữ cho nhà khoa học thời gian nghiên cứu như cắt giảm số lượng các kiểm định chất lượng, tạo ra những đợt xét duyệt hồ sơ để cấp tài trợ trong vòng sáu tháng thay vì một năm và khuyến khích hợp tác giữa các trường đại học và các viện nghiên cứu công lập ‘để tăng cường tính lưu động trong nghiên cứu”. Từ lâu, các nhà khoa học từng phàn nàn về gánh nặng quan liêu ở Pháp và cho rằng những nỗ lực đơn giản hóa quy trình thường không dẫn đến đâu.
Những thông báo của Tổng thống Macron đã được đánh giá là tích cực, Fischer nói. “Tôi đã hào hứng với thông báo này hơn những gì tôi chờ đợi và ngạc nhiên về độ phức tạp của nó”. Ông chỉ ra là có những khoảng trống hiện nay trong nhiều lĩnh vực của Hội đồng Khoa học của Tổng thống hiện nay, bao gồm lĩnh vực hóa học, khoa học trái đất và vật lý thiên văn.
Fischer cũng thấy hài lòng về khung thời gian 18 tháng. “Thật không dễ dàng khi nhìn vào hệ thống khoa học nhiều lớp của Pháp, nhưng Bộ trưởng Retailleau có năng lực và đáng tin cậy và tôi tin là bà sẽ có khá năng biến lời nói của Macron thành kế hoạch hành động”.
Dẫu vậy thì những người khác lại chỉ trích về kế hoạch củaTổng thống. “Thông báo của Tổng thống Macron thuần túy lý tưởng, xa lạ với thực tế và được đặt trên một hàng những từ khóa thời thượng như ‘xuất sắc’, ‘tăng trưởng kinh tế’ và ‘quan liêu tràn lan’”, Patrick Lemaire, nhà sinh học ở trường Đại học Montpellier, Pháp, hiện là chủ tịch một liên minh gồm hội học tập và hiệp hội Pháp. “Ông ấy đúng khi nói về các gánh nặng hành chính nhưng ‘cuộc cách mạng’ chuyển đổi các viện nghiên cứu của ông như CNRS thành các cơ quan tài trợ nhiều hơn và chuyển nhiều thành viên của nó đến các trường đại học sẽ không đủ sức giải quyết được vấn đề này”.
Pierre Rochette, nhà địa vật lý tại trường Đại học Aix-Marseille, dĩ nhiên vui mừng vì chính phủ cuối cùng đã ghi nhận sự bất ổn của môi trường mà các nhà nghiên cứu làm việc. Tuy vậy ông cho biết thêm là các viện nghiên cứu như CNRS đang phải đối mặt với nhiều vấn đề trước mắt hơn như các hệ thống quá phức tạp và phần mềm thiếu hiệu quả, và sẽ không chỉ giải quyết trọn vẹn mọi vấn đề bằng cải tổ ở mức độ cao. “Tôi không nghĩ là vai trò mới của các cơ quan nghiên cứu sẽ giải quyết được các vấn đề lớn mà CNRS đối diện,” ông nói.
Anh Vũ dịch/Nguồn: nature.com