Với phạm vi tác động từ những nhà nghiên cứu trong trường, viện cho tới giáo viên, học sinh phổ thông, chạm đến các trung tâm lớn và các địa phương xa xôi, Chương trình Trọng điểm Quốc gia về Phát triển Toán học đang góp phần thiết lập nền tảng mà có thể cần cả thập niên mới đo lường hết tác động.


Ngày hội toán học mở ở Bắc Giang, 2024, một sự kiện phổ biến tri thức Toán học của Chương trình. Ảnh: VIASM

Tập trung vào những điểm cốt lõi


Có lẽ, trong bối cảnh nguồn chi cho khoa học còn eo hẹp, nguồn lực tài chính cho Chương trình Quốc gia về phát triển Toán học (Chương trình) còn hạn chế. Đây là một trong những điểm mà Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Văn Phúc nhắc lại nhiều lần trong buổi Hội thảo Sơ kết Chương trình vào ngày 22/10 ở Viện Nghiên cứu Cao cấp về Toán (VIASM), cơ quan thường trực điều phối chương trình. Vậy trong điều kiện như vậy thì làm thế nào để Chương trình mang lại hiệu quả tối ưu? Có lẽ đây là điểm cân nhắc rất nhiều của các nhà Toán học tham gia xây dựng Chương trình toán học như chia sẻ của PGS.TS Lê Minh Hà, Viện trưởng VIASM, vào năm ngoái là phải tìm những điểm tác động để đặt đòn bẩy tạo đà cho “những thay đổi cho toàn bộ hệ thống”. Không đủ nguồn lực để giải quyết toàn bộ các vấn đề của toán học Việt Nam, Chương trình tập trung vào việc thực hiện và thúc đẩy thay đổi ở một số điểm cốt lõi nhằm tác động, tạo nên sự thay đổi của toàn hệ thống, trong đó quan trọng là duy trì và phát triển nguồn nhân lực gồm kết nối, tạo môi trường hỗ trợ các nhà toán học trong và ngoài nước làm việc, thúc đẩy công bố công trình Toán học chất lượng cao, tổ chức nhiều hoạt động quốc tế và trong nước cho cộng đồng Toán học, tài trợ các đề tài nghiên cứu khoa học cho các nhà Toán học có tiềm năng… Đặc biệt, không chỉ hỗ trợ cho các nhà nghiên cứu đang trên con đường theo đuổi sự nghiệp Toán học, Chương trình còn tính kế đường xa bằng việc bồi dưỡng kiến thức Toán học cho giảng viên, giáo viên, học sinh để ươm mầm thế hệ các nhà toán học trong tương lai.

Chương trình có những cách thực hiện rất mới mẻ, vượt ra khỏi các khuôn khổ cũ và được đánh giá là giúp các nhà nghiên cứu trẻ “có thể ứng tuyển mà không gặp bất cứ một rào cản nào, không cần các điều kiện chẳng hạn như phải từng chủ trì đề tài cơ sở trước đó” như TS. Tạ Thúy Anh, nghiên cứu về vận trù học ở ĐH Phenikaa cho biết. Điều này giúp “những người trẻ mới từ nước ngoài như chúng tôi trở về đang có đà nghiên cứu rất tốt ở nước ngoài có thể tiếp tục nghiên cứu, không bị gián đoạn, đồng thời bớt đi được một phần gánh nặng kinh tế”, chị nói. Các hỗ trợ không chỉ dừng lại ở hỗ trợ tài chính (thông qua đề tài) mà còn thông qua các chương trình kết nối, đào tạo chuyên sâu… hoặc như riêng với ngành vận trù học của chị thì Chương trình đã xây dựng một mạng lưới nghiên cứu vận trù học để các nhà nghiên cứu trẻ tiếp tục được kết nối với các chuyên gia đầu ngành.


Tính chất bao trùm là một trong những yếu tố quan trọng mà Chương trình chú ý đẩy mạnh phổ biến tri thức Toán học thông qua các ngày hội Toán học, trại hè toán học hay hỗ trợ triển khai chương trình giáo dục phổ thông môn Toán cho giáo viên Toán, giáo viên các trường THPT chuyên Toán, cán bộ quản lý các phòng giáo dục, sở GD&ĐT... ở nhiều địa phương khác nhau.


Đối với những nhà khoa học làm quản lý lâu năm luôn ước mơ có được môi trường nghiên cứu giúp các nhà khoa học trẻ “tạm thời tránh được chuyện cơm áo gạo tiền gia đình nheo nhóc” như PGS.TS Phạm Hoàng Quân, Hiệu trưởng ĐH Sài Gòn thì hoạt động VIASM hỗ trợ cho các nhà khoa học làm việc tại viện hằng năm đã giúp các nhà nghiên cứu trẻ được làm việc, học tập trong môi trường chuyên môn cao với những chuyên gia uy tín, giống như được “du học ngay tại Việt Nam”. Thời gian này đã “giúp nhà nghiên cứu trẻ đoạn tuyệt, tạm thời tránh được mối lo cơm áo gạo tiền vợ chồng con nheo nhóc. Tôi xem ba tháng đó bằng cả năm trời làm việc ở Đại học Sài Gòn vì lúc đó (lúc phải lo cơm áo gạo tiền), họ bị phân tâm rất nhiều”.

Tính chất bao trùm là một trong những yếu tố quan trọng mà Chương trình chú ý khi đẩy mạnh phổ biến tri thức Toán học thông qua các ngày hội Toán học, trại hè toán học hay hỗ trợ triển khai chương trình giáo dục phổ thông môn Toán cho giáo viên Toán, giáo viên các trường THPT chuyên Toán, cán bộ quản lý các phòng giáo dục, sở GD&ĐT... ở nhiều địa phương khác nhau.

Chương trình không chỉ tiếp tục hỗ trợ các cơ sở đã có thế mạnh truyền thống là “đầu tàu” lâu nay như trường Đại học Khoa học Tự nhiên - ĐHQGHN; trường Đại học Khoa học Tự nhiên - ĐHQG TP.HCM, mà còn hỗ trợ trường Đại học Quy Nhơn để trở thành các trung tâm toán học mạnh ở miền Trung - Tây Nguyên. Có được điều này là chương trình cũng đặt mục tiêu rõ ràng về độ phủ, khi không chỉ khu trú ở các trung tâm Toán học là Hà Nội và TP. HCM mà đã lan tỏa tới các vùng trũng trước đây vốn ít có cơ hội được tiếp cận. Một trường địa phương như Đại học Quy Nhơn thấy rõ tác động này, “từ năm 2021 cũng nhận được hỗ trợ của bốn đề tài (trong tổng số 27 đề tài của Chương trình), có 10 nhóm nghiên cứu được gửi ra VIASM để học tập”, PGS.TS Phan Thanh Nam, cho biết. Đây là nguồn hỗ trợ thực sự quan trọng để các giảng viên trẻ theo đuổi sự nghiệp nghiên cứu, bởi các giảng viên đều phải lo việc giảng dạy cho đến tuyển sinh và nguồn lực tài chính dành cho nghiên cứu ở các trường còn rất nhỏ bé.

Hợp tác quốc tế, kết nối giới Toán học Việt Nam và quốc tế đã đưa Việt Nam trở thành địa chỉ quen thuộc của các nhà khoa học quốc tế. Do đó, VIASM, cơ quan thường trực điều phối Chương trình cũng đã được Hội đồng đánh giá quốc tế, bao gồm sáu nhà toán học hàng đầu do GS. John Ball, nguyên Chủ tịch Hội Toán học thế giới, làm Chủ tịch, đánh giá rất cao “VIASM đã đạt được vị thế quốc tế xuất sắc mà không có trung tâm nghiên cứu toán học ở bất kỳ quốc gia nào cùng điều kiện tương tự có thể so sánh được. Với sự hỗ trợ của Chính phủ Việt Nam, VIASM hiện có tiềm năng để trở thành một hình mẫu về nghiên cứu toán học cho toàn bộ khu vực Đông Nam Á”.

Ngày hội Toán học mở ở quận Hai Bà Trưng, Hà Nội, 2024. Ảnh: VIASM
Ngày hội Toán học mở ở quận Hai Bà Trưng, Hà Nội, 2024. Ảnh: VIASM

Tác động lâu dài

Chính vì thế, khi nhìn nhận lại các kết quả bước đầu đã đạt được sau ba năm triển khai nếu chỉ điểm qua những điểm nhấn đã đạt được sẽ chưa thể nói hết được vai trò của Chương trình. Dù đã có những con số rất rõ ràng như ở bậc phổ thông là hai vạn học sinh được thụ hưởng các ngày hội Toán học, các đề tài đã giúp duy trì các nhóm nghiên cứu trẻ, nhóm nghiên cứu xuất sắc, duy trì các hướng nghiên cứu mạnh truyền thống… cho đến triển khai đào tạo cho bốn nghìn lượt giáo viên, cán bộ quản lý ở địa phương, nhưng rất có thể còn nhiều năm nữa chúng ta mới nhìn thấy hết tác động của Chương trình, như đánh giá của GS.TS Vũ Hoàng Linh, hiệu trưởng trường Đại học Khoa học tự nhiên, ĐHQG Hà Nội. Ông lấy ví dụ, lớp các nhà nghiên cứu toán học đang được trẻ hóa, nhiều nhà toán học nộp hồ sơ tham gia đào tạo ở VIASM có nhiều công bố ở các tạp chí tốt mà hai mươi năm trước rất ít người Việt Nam công bố được. Khi nhìn vào kết quả này mới thấy được kết quả của quyết sách đúng đắn trong việc xây dựng các chương trình cử nhân tài năng (ở hai ĐHQG) và các chương trình cao học quốc tế (ở Viện Toán học phối hợp với ĐH Sư phạm ở phía Bắc và khoa Toán tin ở ĐH KHTN TPHCM) từ 15 – 20 năm trước. “Như vậy, nếu chúng ta làm tốt thì những gì chúng ta đang làm, nỗ lực bây giờ (của Chương trình Toán học) thì 15 - 20 năm nữa mới được thể hiện. Lúc đó, chúng ta sẽ nhận thấy đó là quyết sách rất đúng đắn của khoa học Việt Nam hiện nay”, ông nói.

Khi nhìn vào giai đoạn sắp tới, PGS.TS Lê Minh Hà “tự tin hoàn thành” những mục tiêu đã đặt ra trong Chương trình như tăng gấp đôi các nhà khoa học nước ngoài đến làm việc, trao đổi và hợp tác khoa học, đào tạo bồi dưỡng 80% giảng viên, giáo viên Toán cốt cán của các cơ sở giáo dục đại học cho đến trường Trung học phổ thông trong nước để đổi mới chương trình giáo dục phổ thông môn Toán, xây dựng hệ tri thức các khoa học về Toán trong hệ tri thức Việt số hóa và “tương đối tự tin” với các nhiệm vụ đến 2030 có năm cơ sở giáo dục đại học được xếp hạng top 500 về lĩnh vực Toán học, trong đó có hai cơ sở xếp hạng trong top 400 (hiện nay hai khoa Toán của hai trường Đại học KHTN HN và TP HCM, khoa Toán Đại học Bách khoa HN đã trong nhóm xếp hạng này), và có năm hướng nghiên cứu chủ đạo về Toán ứng dụng và Toán trong công nghiệp. Còn nhiệm vụ tăng gấp đôi số lượng công bố trên các tạp chí trong danh mục tạp chí uy tín trên thế giới còn chưa có thống kê. Tuy nhiên, nhiệm vụ hỗ trợ và phối hợp đào tạo khoảng 400 tiến sĩ ngành Toán, Toán ứng dụng và thống kê sẽ gặp nhiều khó khăn, vì hỗ trợ cho nghiên cứu sinh mới đang bắt đầu có các thảo luận.

Mặt khác, để hỗ trợ được các nhà nghiên cứu trẻ theo đuổi con đường toán học ở bậc sau đại học thì cần có nền tảng bền chắc từ bậc đại học và phổ thông. Tuy nhiên, đào tạo toán học ở đại học đang là vấn đề mà nhiều nhà Toán học lo lắng nhiều năm nay, vì từ cách đây chục năm, nhiều trường đại học đã cắt giảm thời lượng giảng dạy các học phần toán trong chương trình đào tạo một số ngành kinh tế, thậm chí ở cả ngành kĩ thuật, công nghệ rất cần tính toán, như PGS.TS Phạm Hoàng Quân cho biết “nếu tôi không phải là hiệu trưởng Đại học Sài Gòn thì chắc mấy khoa bỏ Toán hết rồi”.

Giáo sư Vũ Hoàng Linh bùi ngùi cho đây là “một là cái giá của tự chủ đại học”, “các trường sẽ tối ưu hóa chi phí, chỉ tập trung vào giữ thời lượng chính của chương trình. Còn các phần kiến thức bổ trợ, kiến thức toán học họ sẽ cắt bớt nhiều nhất có thể”. Ông đánh giá, nếu về ngắn hạn thì điều đó có thể tốt cho các trường nhưng về dài hạn sẽ đặt một dấu hỏi rất lớn “đối với công tác đào tạo nhân lực chất lượng cao, trình độ cao, đào tạo chuyên gia hẳn hoi”, vì trong bối cảnh tự động hóa thay thế nguồn nhân lực trung bình thì chúng ta rất cần chuyên gia.

Tình trạng này cũng được nhiều chuyên gia Việt Nam ở nước ngoài lo ngại. Giáo sư Lê Văn Cường, nguyên Giám đốc Cơ quan KHXH Quốc gia Pháp, từng than thở “Có mấy ai biết ở một trường kỹ sư cấp cao, vật lý trở thành các môn tự chọn, môn toán cũng không khá hơn: cách đây bảy năm, giờ giảng các môn này giảm còn lại bằng 1/4 so với trước. Sau, do các thầy cô“kêu” sinh viên quá thiếu kiến thức toán nên nhà trường đã tăng giờ toán lên gấp đôi nhưng cũng chỉ bằng một nửa so với trước đây quãng 10 năm. Như vậy, Việt Nam có thể có những kỹ sư yếu toán và không biết vật lý!”.

Những điều này cần tiếp tục có đánh giá chuyên môn của giới toán học và có sự điều chỉnh của các cơ quan quản lý nhà nước, trong việc xem xét lại chương trình khung, chuẩn của các chương trình đại học, của nhiều ngành có liên quan đến Toán chứ không chỉ đào tạo trực tiếp ngành Toán. Riêng đối với việc nâng cao chất lượng giảng dạy toán trong chương trình giáo dục phổ thông, Thứ trưởng Nguyễn Văn Phúc cũng tiếp tục giao thêm nhiệm vụ cho VIASM phải có nghiên cứu về việc dạy toán ở bậc phổ thông, cũng như so sánh với các nước phát triển để từ đó có các báo cáo kiến nghị cho các nhà quản lý giáo dục.


Học sinh tham gia thi môn Toán tại Câu lạc bộ Văn - Toán Tuổi thơ toàn quốc năm 2024.
Học sinh tham gia thi môn Toán tại Câu lạc bộ Văn - Toán Tuổi thơ toàn quốc năm 2024.

Mục tiêu chung của Chương trình Trọng điểm quốc gia phát triển Toán học


Tiếp tục phát triển Toán học Việt Nam bền vững và mạnh mẽ về mọi mặt: nghiên cứu, ứng dụng và đào tạo, tương xứng với tiềm năng trí tuệ của con người Việt Nam, đáp ứng yêu cầu của đất nước trong cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư; đưa Toán học trở thành một bộ phận hữu cơ trong sự phát triển chung của khoa học, công nghệ và kinh tế - xã hội; nâng cao vị thế của Toán học Việt Nam trong khu vực và trên thế giới. Trong giai đoạn trước (2010 – 2020), thành công nổi bật của Chương trình Trọng điểm Quốc gia về Phát triển Toán học là góp phần nâng cao vị thế của Toán học Việt Nam, tạo đà cho Toán học Việt Nam có những thay đổi cơ bản cả về số lượng lẫn chất lượng. Thứ hạng Toán học Việt Nam từ vị trí 50-55 thế giới đã được nâng lên ở vị trí 35-40. Bên cạnh đó, số lượng và chất lượng nghiên cứu của các giảng viên đại học ở Việt Nam đã có bước nhảy vọt trong 10 năm qua. Đây là tiền đề quan trọng giúp cho phát triển bền vững nguồn nhân lực ngành Toán, góp phần nâng cao năng lực Toán học chung của người Việt Nam.



Đăng số 1315 (số 43/2024) KH&PT