Dù Sheinbaum Pardo là một nhà khoa học nhưng vẫn có không ít nhà khoa học lo ngại rằng bà sẽ tiếp tục chính sách cắt giảm ngân sách dành cho khoa học của người tiền nhiệm cánh tả Andrés Manuel López Obrador, người đã giữ ghế Tổng thống trong nhiệm kỳ sáu năm.
Là con gái một nhà hóa sinh và một nhà kỹ thuật hóa học, Sheinbaum Pardo đã theo đuổi con đường học thuật và trở thành một tiến sĩ kỹ thuật môi trường tại UNAM. Từ năm 1991 đến 1994, cô cũng hoàn thành một số nghiên cứu tại Phòng thí nghiệm Quốc gia Lawrence Berkeley ở California, nơi cô nghiên cứu về việc tiêu thụ năng lượng ở Mexico và những quốc gia công nghiệp hóa khác.
Việc tham gia vào chính trị của Sheinbaum Pardo bắt đầu từ khi cô theo học ở UNAM – cô tham gia một nhóm phản đối kế hoạch thu học phí của trường. Nhiều sinh viên tham gia hoạt động này, cùng với một số nhà khoa học và nhà chính trị, đã cùng hình thành một đảng chính trị cánh tả mà vào năm 2000, khi López Obrador trở thành thị trưởng của thành phố Mexico, ông đã từng bổ nhiệm Sheinbaum Pardo vào vị trí thư ký môi trường của mình.
Mối quan hệ của hai bên trở nên thân thiết hơn trong suốt thời kỳ vận động tranh cử tổng thống của ông vào năm 2006 và năm 2012 (cả hai cuộc vận động này đều thất bại). Cùng thời điểm này, Sheinbaum Pardo trở lại công việc nghiên cứu của mình: cô trở thành đồng tác giả của một chương trong báo cáo năm 2007 của Ủy ban Liên chính phủ về biến đổi khí hậu mà sau đó được trao giải Nobel Hòa bình. Năm 2018, López Obrador, thành lập đảng cánh tả Phong trào Chấn hưng Quốc gia (Morena) và cuối cùng trở thành Tổng thống – và Sheinbaum Pardo đã ngồi vào ghế thị trưởng thành phố Mexico, nữ thị trưởng đầu tiên của thành phố này.
Những người ủng hộ thì tin tưởng là, bất chấp mối quan hệ gần gũi với Tổng thống López Obrador, Sheinbaum Pardo sẽ vẫn tự ra quyết định của chính mình. “Claudia sẽ ủng hộ khoa học và cô ấy sẽ tin tưởng vào khoa học”, theo Rosaura Ruíz Gutiérrez, một nhà sinh học tại UNAM và là cố vấn của nhóm vận động tranh cử của Sheinbaum Pardo.
Họ cũng chỉ ra thời gian cô dành cho việc quản trị thành phố Mexico, khi cô đã tạo ra những tiến bộ khoa học đáng kể trong khoa học bằng việc kích hoạt cấu trúc của nhà máy năng lượng mặt trời ở đô thị lớn nhất thế giới với chi phí 661 triệu Peso (tương đương 39 triệu USD) và đặt mục tiêu giảm thiểu phát thải carbon dioxide vào mức 11.400 tấn hằng năm. Bộ máy của thành phố dưới thời Sheinbaum Pardo đã thiết lập mạng lưới xe buýt nhanh đầu tiên trong thành phố - và trong khu vực Mỹ Latin – chạy bằng điện.
Nhưng nhà kỹ thuật môi trường này đã phải đối mặt với sự tranh cãi về khoa học. Năm 2020, chính quyền thành phố Mexico bắt đầu xây dựng một cây cầu cho ô tô ảnh hưởng đến vùng đầm lầy Xochimilco, một di sản thế giới được UNESCO công nhận, và đang được pháp luật Mexico bảo vệ. Những người sống ở gần khu đầm lầy và những nhà hoạt động môi trường chỉ trích chính quyền về việc thiếu minh bạch liên quan đến dự án này.
Năm 2021, chính quyền thành phố Mexico của Sheinbaum Pardo đã loan báo một khoản đầu tư khoảng hơn 980 triệu Peso để phục hồi và bảo tồn vùng đầm lầy của thành phố. Nhưng những nhà chỉ trích như Alejandro Palmerín, một kỹ sư giao thông đô thị của thành phố và một nhà hoạt động môi trường, đã chỉ ra là chính quyền đã đẩy nhanh tiến độ xây dựng cầu trước khi một báo cáo đánh giá tác động môi trường được đệ trình. Đây là cách làm tương tự với cách López Obrador thường áp dụng khi bắt đầu xây dựng tuyến đường sắt gây tranh cãi Mayan Train dài hơn 1.500 km. Khi hoàn thành, tuyến đường này sẽ cắt ngang các cánh rừng có độ đa dạng sinh học cao và các di chỉ khảo cổ trên vịnh Yucatán để kết nối với các địa điểm du lịch.
Palmerín cho rằng, khi Sheinbaum Pardo lên nắm quyền thì sẽ là “đáng khen ngợi nếu cô phá bỏ di sản mà vị tổng thống tiền nhiệm để lại”.
Cả bên ủng hộ lẫn đối lập với Sheinbaum Pardo đều nói rằng cô sẽ tạo ra một nỗ lực đáng kể để làm dịu bớt căng thẳng mà chính quyền của ông López Obrador đã tạo ra với cộng đồng khoa học.
“Tác động tồi tệ nhất với hệ thống khoa học là chính trị hóa nó”, María Brenda Valderrama Blanco, một nhà y sinh tại UNAM và là thành viên của Red ProCienciaMX – một nhóm các nhà khoa học, bác sĩ Mexico từng chỉ trích chính quyền.
Ví dụ, López Obrador và María Elena Álvarez Buylla, người được ông bổ nhiệm vào vị trí đứng đầu cơ quan khoa học chính của Mexico, đã vẽ ra một lằn ranh giữa khoa học ủng hộ đất nước – nhằm giải quyết những vấn đề như nghèo đói – và “khoa học tân tự do” – phụng sự mối quan tâm của giới công nghiệp và các nhóm tinh hoa khác. Cuộc chia rẽ đó là nguyên nhân tạo ra sự rạn nứt trong cộng đồng khoa học cho đến ngày hôm nay. Vào ngày 20/5, một nhóm gồm 250 học giả và và khoa học ủng hộ ứng viên tổng thống Xóchitl Gálvez. Bốn ngày sau, 900 nhà khoa học, nghệ sĩ và trí thức khác đã tuyên bố ủng hộ Sheinbaum Pardo.
Tuy nhiên, Edgar Guerra, một nhà xã hội học tại trường ĐH Aguascalientes ở Mexico, không đồng ý với việc loại bỏ chính trị khỏi khoa học. “Chúng ta không thể nghĩ rằng khoa học là ngây thơ và không có lợi ích”. Theo nghĩa này, sẽ là “hợp lý” với một quyền lực chính trị mới tác động gián tiếp đến các dự án và nguồn lực. Vấn đề chỉ xuất hiện khi các quan điểm của cộng đồng khoa học không được coi trọng.
Liệu Tổng thống Sheinbaum Pardo có ủng hộ các biện pháp khắc nghiệt của người tiền nhiệm hay không thì vẫn còn phải chờ. Tuy nhiên Ruíz Gutiérrez cho là Sheinbaum Pardo sẽ “tiếp tục những gì đã làm tốt và những gì đã được làm đúng”.
Trong cuộc gặp mặt vận động tranh cử diễn ra vào ngày 30/4 với các nhà khoa học khắp Mexico, Sheinbaum Pardo nói trước 200 người đến dự là cô “cam kết luôn luôn vì sự phát triển của giáo dục, khoa học, đổi mới sáng tạo và nhân văn, và vì một Mexico thịnh vượng cùng luật pháp”.
Nguồn: nature.com