Sau một thời gian thảo luận – với quá nhiều cuộc quan ngại về rủi ro của sự hợp tác, và quá ít thảo luận về lợi ích mang lại có thể tới đây hai nước sẽ gia hạn hiệp ước hợp tác khoa học và công nghệ.

Trong thỏa thuận hợp tác nghiên cứu, Trung Quốc và Mỹ đã hợp tác nghiên cứu vận hành các lò phản ứng mô đun nhỏ có thể chạy bằng uranium làm giàu mức độ thấp. Nguồn ảnh: Xinhua/Cai Yang/Alamy
Trong thỏa thuận hợp tác nghiên cứu, Trung Quốc và Mỹ đã hợp tác nghiên cứu vận hành các lò phản ứng mô đun nhỏ có thể chạy bằng uranium làm giàu mức độ thấp. Nguồn ảnh: Xinhua/Cai Yang/Alamy

Trong năm qua, hai quốc gia đã đàm phán các điều khoản và điều kiện để gia hạn hiệp ước hợp tác khoa học duy trì suốt 45 năm qua. Hiệp ước khung này không cung cấp bất kỳ khoản tài trợ nào nhưng các nhà nghiên cứu ở cả Mỹ và Trung Quốc cho biết hiệp ước này rất quan trọng vì nó đặt nền tảng cho việc xây dựng sự hợp tác nghiên cứu chặt chẽ giữa hai quốc gia và mang lại nhiều lợi ích chung cho cộng đồng quốc tế.

Gần đây, một phát ngôn viên của Bộ Ngoại giao Mỹ đã trao đổi với tạp chí Nature rằng hai quốc gia vẫn đang trao đổi. Denis Simon, một thành viên tại Viện Quincy về Chính sách nhà nước, một tổ chức nghiên cứu chính sách đối ngoại của Mỹ, cho biết sắp đạt được thỏa luận và đang xem xét dự thảo cuối cùng. Còn Tang Li, một nhà nghiên cứu chính sách khoa học và đổi mới tại Đại học Phúc Đán ở Thượng Hải, Trung Quốc. Trung Quốc sẵn sàng gia hạn hiệp ước Mỹ-Trung Quốc để tạo điều kiện cho sự hợp tác song phương.

Quan hệ nguội lạnh

Trước khi Trung Quốc và Mỹ thiết lập quan hệ ngoại giao vào ngày 1/1/1979, hầu như không có mối quan hệ chính thức nào giữa hai quốc gia. Hợp tác khoa học được xác định là một cách tương đối nhanh chóng để phá vỡ sự lạnh nhạt trong quan hệ giữa hai nước.

Tổng thống Mỹ khi đó là Jimmy Carter và Thủ tướng Trung Quốc lúc đó là Đặng Tiểu Bình đã ký thỏa thuận hợp tác khoa học. Thành quả của hợp tác rất rõ ràng, riêng trong đào tạo đã có khoảng 3 triệu sinh viên Trung Quốc theo học tại các trường đại học ở Mỹ kể từ khi thỏa thuận được đàm phán. Năm 2021, các trường đại học Mỹ đã trao hơn 8.000 bằng tiến sĩ cho sinh viên Trung Quốc (trong tổng số khoảng 25.000 bằng tiến sĩ trao cho học viên quốc tế).

Mỹ - Trung Quốc là đối tác nghiên cứu lớn nhất của nhau. Mối hợp tác này đều có ích cho hai nước và có ích cho nhiều vấn đề chung đang đặt ra cho toàn cầu. Chẳng hạn, nổi bật trong đó, mối hợp tác giữa hai quốc gia về bảo vệ môi trường bao gồm các dự án giám sát và cải thiện chất lượng không khí và nước, cũng như bảo vệ lưu vực sông và các dự án giảm rác thải điện tử mang lại lợi ích cho cả hai quốc gia mà Cơ quan Bảo vệ môi trường Mỹ đã gọi mối quan hệ hợp tác với Trung Quốc là “một trong những mối quan hệ quan trọng nhất” của họ. Năm ngoái, California đã đạt được thỏa thuận với Trung Quốc trong cam kết cắt giảm lượng khí thải carbon và chuyển đổi từ việc sử dụng nhiên liệu hóa thạch.

Tuy nhiên kể từ lần gia hạn gần nhất của hiệp ước, vào năm 2018, quan hệ giữa hai quốc gia đã trở nên căng thẳng hơn. Năm đó, chính quyền của Tổng thống Donald Trump đã khởi động một chương trình có tên là Sáng kiến ​​Trung Quốc nhằm mục đích ngăn chặn các nhà nghiên cứu nước ngoài ăn cắp công nghệ của các phòng thí nghiệm nghiên cứu và các doanh nghiệp công nghệ của Mỹ.

Vào tháng 6/2023, các nhà lập pháp trong một ủy ban của Hạ viện Mỹ là thành viên của Đảng Cộng hòa, đã kêu gọi Bộ trưởng Ngoại giao Mỹ hủy bỏ hoàn toàn hiệp ước, cáo buộc rằng [hiệp ước] gây ra mối đe dọa đối với an ninh quốc gia. Tháng trước, các nhà lập pháp thuộc cả hai đảng ở Hạ viện đã đề xuất một dự luật, nếu được thông qua, sẽ yêu cầu Bộ Ngoại giao phải thông báo trước cho Quốc hội Mỹ nếu họ có kế hoạch gia hạn hoặc gia hạn hiệp ước, giải thích lý do và nêu chi tiết mọi rủi ro.

Như thế, nếu được gia hạn, hiệp ước có thể sẽ phản ánh sự nguội lạnh trong quan hệ này, bao gồm việc hạn chế hợp tác trong các lĩnh vực nghiên cứu về những vấn đề thách thức chung toàn cầu như biến đổi khí hậu, sức khỏe cộng đồng và an ninh lương thực, Simon cho biết.

Marina Zhang, một nhà nghiên cứu về đổi mới tập trung vào Trung Quốc tại Đại học Công nghệ Sydney ở Úc, cho rằng Mỹ và Trung Quốc cũng có thể tìm thấy tiếng nói chung trong nghiên cứu năng lượng tái tạo. Nhưng trong các lĩnh vực cạnh tranh mà Mỹ lo ngại rằng Trung Quốc có thể lợi dụng bí quyết công nghệ, chẳng hạn như tính toán lượng tử, trí tuệ nhân tạo và công nghệ chip bán dẫn tiên tiến thì có thể các hoạt động hợp tác sẽ bị hạn chế.

Một số nhà phân tích cho rằng Mỹ muốn có thêm sự rõ ràng về quyền truy cập vào các dữ liệu, quyền sở hữu và chia sẻ dữ liệu được tạo ra trong quá trình hợp tác nghiên cứu. Và họ muốn đảm bảo an toàn cho các nhà khoa học của mình khi đến Trung Quốc để thực hiện các dự án hợp tác, Simon cho biết. “Trung Quốc muốn duy trì nguyên trạng”, Zhang nói. “Nhưng Trung Quốc sẽ không hoàn toàn nhượng bộ bất kỳ điều khoản nào do Mỹ đề xuất, vì vậy đây sẽ là một cuộc đàm phán khó khăn”.

Đổi mới thỏa thuận hợp tác?

Deborah Seligsohn, chuyên gia về quan hệ Mỹ-Trung Quốc tại Đại học Villanova ở Pennsylvania, cho biết rất vui khi chính quyền của Tổng thống Mỹ Joe Biden đã lắng nghe các nhà khoa học và tiếp tục đàm phán hợp tác khoa học quan trọng này.

Tuy nhiên, theo tờ Nature, có thể phải sau cuộc bầu cử tới đây hai quốc gia mới nối lại được hiệp ước hợp tác. Đó là bởi vì cả hai đảng của Mỹ, mặc dù có sự khác biệt về nhiều vấn đề, đều đồng ý rằng Trung Quốc, quốc gia đã trở thành quốc gia dẫn đầu toàn cầu về khoa học và công nghệ, là mối đe dọa đối với sức mạnh của Mỹ, Tang Li nói. Do đó, “Chính phủ Mỹ thận trọng về việc thống nhất bất kỳ thỏa thuận nào với Trung Quốc vào thời điểm này”, bà nói.

Có thể vẫn còn những thay đổi ở phía trước. Những bước đi trong thời gian qua cũng cho thấy có những mâu thuẫn và thay đổi liên tục. Hiện nay, sau khi Biden không còn tranh cử tổng thống nữa thì vẫn chưa rõ liệu ứng viên mới có thay đổi dự kiến của hiệp ước hay không. Trump, ứng cử viên tổng thống của Đảng Cộng hòa, đã có thái độ thù địch với Trung Quốc nhưng thực ra chính chính quyền của ông đã từng gia hạn thỏa thuận hợp tác khoa học và công nghệ giữa hai nước vào năm 2018.

Trong khi Kamala Harris, ứng cử viên Đảng Dân chủ và Phó Tổng thống Mỹ hiện tại, đã tham gia vào chính quyền của Tổng thống Biden, chính quyền đã chấm dứt Sáng kiến ​​Trung Quốc vào năm 2022, nhưng cũng tiếp tục gây áp lực cạnh tranh thông qua thuế quan và các biện pháp khác.

Vẫn “chưa biết điều gì sẽ xảy ra”, Seligsohn nói.

Đăng số 1309 (số 37/2024) KH&PT