Các nhà khoa học cho biết việc quản lý các con sông lớn của châu Á gồm sông Ấn, sông Hằng và sông Brahmaputra, là những hệ sinh thái quan trọng quyết định đến cuộc sống của gần 1 tỷ người, sẽ đòi hỏi sự hợp tác chặt chẽ và chia sẻ dữ liệu giữa các quốc gia.

Sông Hằng đang chịu nhiều tác động của biến đổi khí hậu nhưng các quốc gia dọc hệ thống sông lại không sẵn sàng chia sẻ dữ liệu sông. Ảnh: Getty Images
Sông Hằng đang chịu nhiều tác động của biến đổi khí hậu nhưng các quốc gia dọc hệ thống sông lại không sẵn sàng chia sẻ dữ liệu sông. Ảnh: Getty Images

Cả ba con sông - sông Ấn, sông Hằng và sông Brahmaputra - bắt nguồn từ các dãy núi băng giá, hiểm trở của vùng Himalaya, đang chịu ảnh hưởng của biến đổi khí hậu làm tan các sông băng và làm thay đổi mô hình lượng mưa.

Một loạt báo cáo mới công bố trong tháng ba vừa qua, do Trung tâm Quốc tế về Phát triển tích hợp vùng núi (International Centre for Integrated Mountain Development - ICIMOD) và Australian Water Partnership xuất bản, đề nghị các quốc gia châu Á cần mở rộng hợp tác khoa học và chia sẻ dữ liệu nếu muốn giải quyết những rủi ro “to lớn và ngày càng gia tăng” mà biến đổi khí hậu gây ra cho ba con sông lớn này.

Các tác giả của ba báo cáo cho biết những thay đổi do biến đổi khí hậu, cùng với dân số ngày càng tăng và nhu cầu về nước ngày càng cao, đang gây tác động nghiêm trọng đối với bảy quốc gia dọc theo các con sông – gồm Afghanistan, Nepal, Pakistan, Trung Quốc, Ấn Độ, Bangladesh và Bhutan.

Các nhà khoa học đánh giá, biến đổi khí hậu cùng với những rủi ro chung và lợi ích chung như quản lý lũ lụt, quản lý thủy điện, tưới tiêu, xâm mặn, giao thông đường thủy… là những yếu tố cấp bách khiến các quốc gia phải cùng ngồi lại, chia sẻ thông tin và hợp tác hiệu quả hơn. Đơn cử, riêng việc xây dựng các đập thủy điện trên thượng nguồn làm chặn dòng, chặn trầm tích, chia sẻ nước vào mùa khô hạn giữa các khu vực ở thượng nguồn và hạ nguồn đã là chủ đề căng thẳng giữa các nước trong khu vực trong nhiều thập niên qua.

Tuy nhiên, dù bảy quốc gia đã có những thỏa thuận chung nhằm hợp tác quản lý các dòng sông thì vấn đề rất lớn hiện nay là thiếu cơ chế chia sẻ dữ liệu thủy văn, môi trường và kinh tế xã hội.

Báo cáo về sông Hằng nhận xét rằng “xu hướng các chính phủ duy trì dữ liệu riêng về tài nguyên nước, về cách sử dụng và đối tượng sử dụng nguồn nước (đặc biệt là ở Ấn Độ) đã hạn chế sự hợp tác”. Báo cáo về sông Brahmaputra cũng nhấn mạnh về “việc theo dõi về khí hậu trong khu vực là không đầy đủ” cũng như hạn chế do thiếu chia sẻ “về dữ liệu thủy văn”.

Tờ Thefinancialexpress của Ấn Độ cũng đã đăng thông tin về việc các thiếu dữ liệu chính xác và kêu gọi tìm cách phối hợp sử dụng nguồn nước hiệu quả, bằng cách sử dụng kết hợp mô hình hóa và dữ liệu dòng chảy của sông để đảm bảo quản lý nước hiệu quả, bảo vệ hệ sinh thái và sản xuất lương thực, năng lượng, giảm thiểu lũ lụt cũng như kiểm soát ô nhiễm.

Trước đó, trong báo cáo “Tăng cường tính minh bạch và tiếp cận thông tin xuyên biên giới về các dòng sông ở Nam Á”, Quỹ châu Á đã đánh giá về tính sẵn có và khả năng tiếp cận dữ liệu thủy văn và thông tin liên quan đến ba con sông xuyên biên giới ở Bangladesh, Ấn Độ và Nepal, cho thấy, các nước Nam Á vẫn coi dữ liệu thủy văn là bí mật.

Mặc dù các nước đã ký kết các hiệp ước, tiêu biểu là Hiệp ước sông Hằng (1996) và Hiệp ước sông Ấn (1960), trong đó có các điều khoản chia sẻ dữ liệu và thông tin về các con sông, nhưng trên thực tế, việc bạch hóa và tiếp cận thông tin đầy đủ, chính xác vẫn là một hạn chế lớn.

Ở cả ba quốc gia, dữ liệu và thông tin thủy văn không được thu thập, duy trì hoặc công bố một cách có hệ thống. Dữ liệu sẵn có thường ở tình trạng chất lượng kém, khó xác minh, khó tiếp cận. Tổng hợp lại, dữ liệu rất rời rạc khiến việc phác dựng được bức tranh thủy văn hoàn chỉnh về các con sông trở nên khó khăn.

Môi trường thông tin về các con sông rất khép kín và rời rạc đã làm ảnh hưởng đến khả năng đưa ra các quyết định chính sách, quy hoạch, quản lý và phát triển ở những lưu vực chung. Việc thiếu chia sẻ thông tin cũng ảnh hưởng đến khả năng ứng phó hiệu quả với các cú sốc, thảm họa thiên nhiên liên quan đến các con sông như lũ lụt, hạn hán, xâm mặn… của chính phủ các nước.

Nhà kinh tế Anamika Barua thuộc Viện Công nghệ Ấn Độ Guwahati, người không tham gia viết báo cáo, bình luận, các báo cáo mới nhất của ICIMOD đã nêu bật sự cần thiết phải “giải mật dữ liệu lưu vực sông, ít nhất là để đảm bảo rằng dữ liệu sẵn có và có thể truy cập được”.

Trong bối cảnh dữ liệu khoa học làm cơ sở cho các quyết định về quản lý lưu vực sông còn thiếu thốn như vậy thì Hiệp ước sông Hằng sẽ hết hạn vào năm 2026. Do đó, đây là thời gian bản lề để các nước sẽ phải xem xét lại quá trình hợp tác chia sẻ thông tin, dữ liệu, phối hợp sử dụng nguồn nước.

An ninh nguồn nước trong bối cảnh biến đổi khí hậu được coi là một trò chơi có tổng bằng 0, quốc gia này lấy được phần hơn thì nước khác lại mất đi, tuy nhiên các báo cáo mới “cho thấy các quốc gia và các bên liên quan có lợi ích khác nhau vẫn có thể xác định các lĩnh vực ưu tiên để hợp tác”, Russell Rollason, tác giả chính của báo cáo về sông Ấn cho biết, chẳng hạn như ưu tiên bảo vệ các cộng đồng dễ bị tổn thương.

Cộng đồng sinh sống dọc theo các hệ thống sông này ngày càng phải đối mặt với nhiều nguy cơ, khi kịch bản biến đổi khí hậu khiến mùa lũ và mùa hạn ngày càng khắc nghiệt cực đoan. Trong ba thập kỷ tới nhu cầu nước sẽ tăng lên rất lớn trong bối cảnh nguồn cung nước đã căng thẳng từ trước đó và khả năng tích trữ nước rất thấp (chẳng hạn, dự báo nhu cầu nước ở Ấn Độ và Paskistan sẽ tăng lên 50% vào năm 2047; trong khi, chỉ tính riêng Ấn Độ, 22 thành phố đang phải đối mặt với tình trạng khủng hoảng thiếu nước).

Không chỉ có lũ lụt, hạn hán, việc gia tăng ô nhiễm do các hoạt động sản xuất công nghiệp, nông nghiệp, khai thác nước mặt và nước ngầm ở quy mô lớn cũng như việc chặn dòng trầm tích từ các đập thượng nguồn đang làm suy thoái các dòng sông, làm thay đổi hệ sinh thái của các dòng sông, tác động nghiêm trọng đến đời sống của người dân ở các lưu vực sông.

Do đó, tác giả của các báo cáo đã nhận định “nhu cầu cấp thiết là tìm ra điểm chung cho cuộc đối thoại hướng tới hợp tác khu vực”. Các báo cáo đề xuất một cách tiếp cận hợp lý với hàng loạt vấn đề đang diễn ra trong lưu vực các con sông là để khoa học dẫn đường - đối thoại dựa trên các dữ liệu khoa học, với các bên là giới khoa học với đại diện là các tổ chức học thuật, chính quyền và các tổ chức dựa vào cộng đồng.

Nguồn: science.org