Tuy nhiên, theo Venning, từ bỏ mô hình đại học đẳng cấp quốc tế không có nghĩa là từ bỏ sự phù hợp hoặc sự xuất sắc toàn cầu. “Chúng ta cần định nghĩa lại ý nghĩa của việc trở thành đẳng cấp thế giới thông qua các mô hình giáo dục mới mẻ và các hình thức sáng tạo tri thức đa dạng. Điều này phải đi kèm với việc đề cao hơn quyền tự chủ và sự khác biệt,” ông viết.
Cụ thể, ông đề xuất các cơ sở giáo dục đại học hợp tác với nhau nhiều hơn thay vì cạnh tranh bởi vì hợp tác là một cách thay thế để đạt tới khả năng tự chủ tài chính và sự linh hoạt mà không làm giảm sự đa dạng hoặc kìm hãm các cơ sở nhỏ hơn. Venning dẫn ra những kinh nghiệm đáng giá như chương trình IDEX của Pháp, nơi khuyến khích một cách thiết thực sự hợp tác giữa các trường lớn (grande école) tập trung vào đào tạo nhân sự, các trường đại học nghiên cứu và khu vực tư nhân; hay Tuyên bố Bologna năm 1999 nhằm liên kết chặt chẽ hơn các hệ thống giáo dục đại học châu Âu thông qua các hành động siêu quốc gia.
Trong thời đại công nghệ ngày nay, mục đích của giáo dục đại học đang được nghiêm túc đánh giá lại để thiết kế một tương lai phù hợp với nhu cầu quốc gia. “Lần đầu tiên, làn sóng công nghệ sắp tới đủ lớn và đủ nhanh để đòi hỏi toàn bộ dân số được đào tạo, chứ không chỉ giới trẻ,” Venning viết.
Bởi vậy, Venning gợi ý các cơ sở giáo dục đại học nên học hỏi từ những người chơi mới đang có cách tiếp cận khác đối với cùng một mục tiêu mở rộng giáo dục đại học. “Với ít hứng thú trở thành một trường đại học, họ không bị cản trở bởi vấn đề chi phí và các khuôn mẫu của mô hình hiện tại. Nhưng họ đang xây dựng một thứ rất giống với nền giáo dục đại học tiên tiến và nhanh chóng đạt được quy mô lớn,” ông viết và nêu ví dụ về nền tảng học tập trực tuyến miễn phí Salesforce Trailhead do công ty phần mềm dựa trên đám mây Salesforce cung cấp và bộ công cụ và dịch vụ được thiết kế riêng cho trường học và lớp học tại nhà Google Education.
Đồng thời, Venning đề xuất các trường đại học gỡ bỏ sự ám ảnh đối với cam kết tốn kém nhất của mình - đó là lớp học (trực tiếp hoặc trực tuyến). “Cam kết giá trị cốt lõi của một trường đại học là cách tiếp cận giáo dục và kiến thức, chứ không phải là hoạt động giảng dạy tại một địa điểm cụ thể.”
Brooke Storer-Church, giám đốc điều hành của GuildHE, cơ quan đại diện cho 60 cơ sở giáo dục đại học chuyên về đào tạo hướng nghiệp và kỹ thuật, ủng hộ quan điểm của Venning. Bà cho rằng, phản biện sự tập trung thái quá vào mô hình đại học đẳng cấp quốc tế là điều nên làm vì “nó vô tình khiến chúng ta tập trung vào một số ít tiêu chí đánh giá hiệu suất hạn hẹp, được đặt ra bởi một nhóm còn hẹp hơn nữa các trường đại học đầu tiên được coi là hàng đầu thế giới”.
Bên cạnh đó, cũng có những ý kiến không hoàn toàn đồng tình với Báo cáo của Venning.
Tiến sĩ Diana Beech, giám đốc điều hành của London Higher và cựu cố vấn của Chính phủ về chính sách giáo dục đại học, cho rằng việc chấm dứt mô hình đại học đẳng cấp quốc tế sẽ làm hao mòn tài sản lớn nhất của nền giáo dục đại học Anh quốc, đó là sự xuất sắc hàng đầu thế giới vốn chiếm ưu thế trong sự muôn hình muôn vẻ của các trường đại học ở nước này.
Beech giải thích: “Việc nhóm các trường lại với nhau theo vai trò của họ trong xã hội hoặc đối tượng sinh viên mà họ phục vụ không phù hợp với bản chất của một lĩnh vực sinh ra để phá bỏ các rào cản trong xã hội.”
Trên thực tế, không thể phủ nhận các trường đại học được gắn mác đẳng cấp quốc tế có một số thế mạnh hiển nhiên như: tăng cường thu hút tài trợ từ khu vực tư nhân nhờ uy tín trong nước và quốc tế; thu hút học giả nước ngoài đến làm việc; lôi kéo du học sinh trở về; và tuyển được nhiều sinh viên xuất sắc.
Nguồn tham khảo: