Trước tình trạng thiếu hụt nhân lực nghiên cứu, Hàn Quốc đang đề ra những giải pháp nhằm thu hút sinh viên và nhà khoa học từ khắp nơi trên thế giới, trong đó có việc cải thiện phúc lợi cho nhà khoa học giảm thiểu bất bình đẳng giới.

Ảnh: Yoon Hong Gi/Nature
Ảnh: Yoon Hong Gi/Nature

Tại Hàn Quốc, trở thành nhà khoa học là một trong những lựa chọn nghề nghiệp phổ biến. Theo một số thống kê, tỷ lệ nhà khoa học trên quy mô dân số của Hàn Quốc thuộc hàng cao nhất thế giới. Hàn Quốc cũng là đất nước có chi tiêu cho nghiên cứu và phát triển (R&D) rất lớn, chiếm gần 5% tổng sản phẩm quốc nội. Đây cũng là quê hương của những hãng ô tô và công nghệ lớn như Hyundai, KIA, LG và Samsung.

Tuy nhiên, cũng giống như tất cả các quốc gia khác, Hàn Quốc đang gặp phải nhiều bài toán khó liên quan đến hoạt động nghiên cứu. Một trong những vấn đề lớn đó là tỷ lệ sinh ở Hàn Quốc đã giảm trong nhiều thập kỷ và hiện nay đang ở mức thấp nhất thế giới, với chỉ 0,72 con trên mỗi phụ nữ vào năm 2023. Kết quả là, số lượng sinh viên tài năng dự kiến sẽ giảm. Đến năm 2040, ước tính chỉ có 280.000 thanh niên đủ điều kiện nhập học đại học - giảm 39% so với 460.000 vào năm 2020.

Theo phân tích dữ liệu giáo dục đại học của Học viện Jongro, một mạng lưới các trường dạy thêm tư nhân tại Seoul, 51 trong số 195 trường đại học đã không đạt được chỉ tiêu tuyển sinh năm nay. Nếu tình trạng thiếu hụt này vẫn tiếp diễn, nó sẽ giáng một đòn mạnh lên cả ngành công nghiệp và nền học thuật.

Tuần trước, ủy ban cố vấn dưới quyền Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk Yeol đã đề xuất một loạt biện pháp để thu hút mọi người quan tâm đến việc trở thành một nhà nghiên cứu. Họ đề nghị chính phủ đầu tư thêm tiền để hỗ trợ chi phí sinh hoạt cho sinh viên cao học tham gia các dự án R&D do chính phủ tài trợ; trao quyền tự chủ nhiều hơn cho các nhà nghiên cứu trẻ bằng cách cho phép các nhà nghiên cứu sau tiến sĩ và nghiên cứu viên (chưa vào biên chế) đứng đầu một dự án; và đảm bảo các quyền lợi cho các nhà nghiên cứu sau tiến sĩ theo quy định của pháp luật. Đề xuất cuối cùng này rất quan trọng, nó sẽ hướng đến việc giúp các nhà nghiên cứu sau tiến sĩ ở trường đại học có được sự ổn định nghề nghiệp tương tự như những người trong các ngành nghề khác.

Tháng tám năm ngoái, chính phủ đã công bố kế hoạch gia tăng số lượng nhà nghiên cứu bằng cách có những chính sách ưu tiên để sinh viên sau đại học và tiến sĩ khoa học người nước ngoài có thể nhanh chóng trở thành thường trú nhân (cá nhân có visa thường trú nhưng không có quốc tịch của quốc gia đang thường trú) và công dân Hàn Quốc. Bên cạnh đó, Hàn Quốc cũng muốn thu hút thêm sinh viên quốc tế, nhằm thu hút tổng cộng 300.000 sinh viên vào năm 2027, so với con số 205.167 tính đến tháng 3/2023.


Chia sẻ với Nature, Hye Ryung Byon - nhà khoa học vật liệu cho rằng, bà hy vọng với các giải pháp của chính phủ, các nhà khoa học trẻ Hàn Quốc sẽ thêm nhiều cơ hội nghề nghiệp, có mức lương cạnh tranh và được công nhận vì những đóng góp của họ cho xã hội.


Chính phủ cũng đang điều chỉnh lại việc phân bổ kinh phí R&D để đầy tư nhiều hơn vào hợp tác quốc tế. Năm nay, ngân sách hằng năm cho các dự án này đã tăng gấp ba lần, lên tới 1,8 nghìn tỷ won (tương đương 1,3 tỷ USD). Tháng ba vừa qua, Hàn Quốc đã trở thành thành viên liên kết của chương trình Horizon Europe của Liên minh châu Âu, chương trình nghiên cứu lớn nhất thế giới. Tuy nhiên, chiến lược này đã gây ra sự sụt giảm trong việc tài trợ cho khoa học cơ bản, lĩnh vực thường thu hút các nhà nghiên cứu trẻ.

Các kế hoạch đa dạng

Một vấn đề khác cần phải lưu ý, đó là Hàn Quốc không phải là một nơi mà các nhà nghiên cứu có thể linh hoạt chuyển đổi giữa làm việc cho trường đại học và doanh nghiệp. Các nhà hoạch định chính sách nhận thức rõ điều này và đang tìm cách thúc đẩy hợp tác giữa các lĩnh vực. Báo cáo của ủy ban cố vấn chính phủ đã đề xuất những chương trình liên kết giữa các nhà nghiên cứu với các công ty khởi nghiệp, để họ có thể cùng nhau giải quyết các nút thắt khoa học.

Một phần của vấn đề là các nhà nghiên cứu làm việc cho doanh nghiệp đã quen tham gia các dự án có thời gian dài, do đó họ không muốn chuyển sang công tác trong các cơ sở nghiên cứu nơi các dự án tài trợ thường chỉ kéo dài từ một đến ba năm. Mặt khác, vì các nhà khoa học làm việc trong các cơ sở nghiên cứu đã phải nỗ lực rất nhiều để giữ được vị trí hiện tại, nên họ sẽ do dự và không muốn bỏ việc để chuyển sang làm cho doanh nghiệp. Ủy ban cố vấn đã đề xuất chính phủ hỗ trợ các chương trình thạc sĩ tập trung vào ngành công nghiệp, với các dự án R&D phù hợp với nhu cầu của ngành, nhằm đào tạo thế hệ sinh viên mới cho lĩnh vực này.

Quan trọng hơn hết, chính phủ Hàn Quốc cần phải nỗ lực nhiều hơn để đảm bảo rằng vấn đề bất bình đẳng giới vẫn được đặt lên hàng đầu trong việc soạn thảo chính sách. Chênh lệch giới tính là một vấn đề nghiêm trọng, theo nhận định của bà Jung-Hye Roe, nhà sinh học tại Đại học Quốc gia Seoul. Dù có những chính sách nhằm khắc phục tình trạng mất cân bằng này, song hiện tại chỉ khoảng 18% các nhà nghiên cứu chính trong các dự án nghiên cứu do chính phủ tài trợ là phụ nữ. Trung bình, các khoản tài trợ của chính phủ dành cho nữ giới chỉ bằng 41% so với nam giới. Điều này đang gây ra thiệt hại cho quốc gia, giáo sư Roe viết trong một số báo cáo của Nature Index về Hàn Quốc.

Các nhà hoạch định chính sách và cố vấn của họ cần nghiên cứu kinh nghiệm của các quốc gia khác để hiểu rõ mức độ và nguyên nhân của chênh lệch giới và phân biệt đối xử, cũng như thử nghiệm các giải pháp, chẳng hạn như Athena Swan, một chương trình quốc tế trong đó kinh phí của các tổ chức sẽ gắn với các mục tiêu về bình đẳng giới. Tất nhiên không có giải pháp nào là “vạn năng” - phù hợp với mọi quốc gia, nhưng những giải pháp này có thể mang lại sự khác biệt rõ rệt về số lượng nhà nghiên cứu, đặc biệt là trong các vị trí lãnh đạo cấp cao.

Trong quá khứ, Hàn Quốc đã chuyển mình từ một quốc gia thu nhập thấp trở thành một quốc gia có thu nhập cao nhanh chóng nhờ vào việc nuôi dưỡng lực lượng lao động có tay nghề cao. Giờ đây, quốc gia này cần phải giữ chân và thu hút nhân tài tham gia vào lĩnh vực nghiên cứu. Chỉ có cách này, Hàn Quốc mới có thể đảm bảo được nguồn nhân lực trong các lĩnh vực quan trọng của đất nước như bán dẫn và trí tuệ nhân tạo.