Việt Nam đang nổi lên như là một quốc gia dẫn đầu khu vực về chuyển đổi sang khai thác năng lượng tái tạo. Tuy nhiên, điều này cũng lại tiềm ẩn không ít rủi ro và thách thức.
Đầu tháng 9/2022, đặc phái viên của Tổng thống Joe Biden về biến đổi khí hậu – cựu ngoại trưởng Hoa Kỳ John Kerry – đã kêu gọi Việt Nam hành động đúng đắn để dần loại bỏ nhiên liệu hóa thạch và phát triển năng lượng tái tạo. Liên minh châu Âu (EU) và Vương quốc Anh mới đây cũng cam kết đầu tư ít nhất 11 tỷ USD vào quá trình chuyển đổi xanh của nước này. Một gói tài trợ tham vọng trong khuôn khổ Chương trình JETP (Đối tác chuyển đổi năng lượng) – dự kiến sẽ được thông qua tại phiên họp của các lãnh đạo ASEAN – hướng tới chấm dứt xây dựng những nhà máy nhiệt điện than mới và nâng công suất phát điện từ năng lượng tái tạo lên 60 GW vào năm 2030.
Nhiều nhà đầu tư điện gió và mặt trời đang không thể vận hành hết công suất.
Trong hơn một thập kỷ qua, Đông Nam Á thực sự đã trở thành điểm đến hấp dẫn đối với các nhà đầu tư vào phát triển năng lượng tái tạo. Việt Nam còn kỳ vọng quá trình chuyển đổi xanh sẽ là động lực thúc đẩy kinh tế tăng trưởng mạnh mẽ. Tuy nhiên, nước này cần hết sức cẩn trọng, tránh “vay nợ” quá nhiều hoặc dễ dãi cấp phép cho những dự án chưa được thẩm định kỹ càng (về mặt công nghệ, tính hiệu quả, …) Nếu chỉ đơn thuần đi theo lộ trình được áp dụng bởi các nước phát triển (sở hữu nhiều nguồn lực) thì Việt Nam sẽ rất khó thành công. Trên thực tế, tình trạng dư thừa sản lượng điện mặt trời và những khoản tiền lớn được đổ cho các công nghệ mới như hydrogen, … còn đang làm xao nhãng bước tiến của ngành năng lượng. Vì thế, Việt Nam nên có chiến lược ưu tiên giải quyết những khoảng trống hiện tại trước khi hoàn toàn chấm dứt sử dụng nhiên liệu hóa thạch và chạy theo các khoản đầu xanh nhưng “mạo hiểm”.
Cơ cấu phát điện trong Quy hoạch Điện VIII của Việt Nam (2025 – 2045).
Mấy năm trước, để thúc đẩy hoạt động sản xuất điện gió và mặt trời, Chính phủ Việt Nam đã ban hành một số chính sách ưu đãi (như thu mua điện với giá cao),… khiến lĩnh vực này nhanh chóng bùng nổ, thậm chí “gây sốt”. Nhưng sự thiếu hụt năng lực của lưới truyền tải quốc gia đã không cho phép điện mặt trời được cung cấp trên quy mô lớn, dẫn tới dư thừa sản lượng, EVN phải điều chỉnh kế hoạch mua và giá mua điện khiến hàng loạt nhà đầu tư điêu đứng. Trong lúc đó, mảng khí hóa lỏng (LNG) – cấu phần quan trọng trong chiến lược năng lượng quốc gia của Việt Nam, theo Quy hoạch điện VIII – cũng gặp rất nhiều khó khăn. Giống như JETP, LNG (và một số giải pháp phát thải thấp) thường bị xem là kênh đầu tư kém hấp dẫn mặc dù chúng nên được đóng vai trò như một nguồn nhiên liệu phụ tải quan trọng và ít gây hại môi trường (hơn than đá) cho quá trình công nghiệp hóa.
Trong bối cảnh đó, những nhà đầu tư trong nước buộc phải tìm đến một số công nghệ mới, chẳng hạn hydrogen, ... Đầu năm nay, Công ty TGS Green Hydrogen đã công bố dự án xây dựng nhà máy hydrogen xanh đầu tiên ở Việt Nam tại tỉnh Bến Tre (vốn đầu tư giai đoạn 1 đạt 840 triệu USD) – dự kiến sẽ được hoàn thành vào năm 2024, không chỉ cung cấp trong nước mà còn để phục vụ xuất khẩu. Tuy nhiên, việc sản xuất hydrogen bằng quá trình điện phân (tách hydro và oxy khỏi nước) lại tiêu tốn rất nhiều năng lượng (thậm chí còn lớn hơn cả năng lượng do hydro tạo ra), cho nên không hiệu quả về mặt chi phí và khó triển khai trên quy mô lớn.
Việt Nam đã và đang rất muốn tạo tiếng vang nhờ những nỗ lực đi đầu trong việc cắt giảm khí thải nhà kính, song lộ trình chuyển đổi mang mục đích tốt đẹp đó lại chưa tính đến sự phân kỳ trong chiến lược quốc gia dài hạn. Các cam kết “quá mức” giành cho cho năng lượng tái tạo và việc xem nhẹ những dạng nhiên liệu hóa thạch phát thải thấp như LNG có lẽ sẽ gây ra sự đứt gãy cùng nhiều hệ lụy chưa thể lượng hóa. Trên một chặng đường còn dài và hỗn loạn phía trước, các nhà đầu tư cần tháo bỏ lăng kính “màu hồng” để hiểu được thực tế khắc nghiệt của tương lai ngành năng lượng, cả trong ngắn lẫn dài hạn. Việt Nam nên tập trung giải quyết những thách thức liên quan đến rào cản chính sách và sự thiếu hụt cơ sở hạ tầng trước khi chi tiêu “táo bạo” cho các dự án năng lượng tái tạo và trở thành con tin của những công nghệ mới đầy rủi ro.
Theo The Diplomat
(*) Bài viết của Kathryn Neville từ trường Cao học Nghiên cứu Quốc tế Đại học Johns Hopkins, cựu nhân viên USAID. Tiêu đề do người tóm lược tự đặt.
Thế Hải