Mới đây, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 109/2022/NĐ-CP về hoạt động khoa học và công nghệ trong cơ sở giáo dục đại học. Trong đó, các điều khoản liên quan đến nhóm nghiên cứu mạnh - bao gồm tiêu chí công nhận, yêu cầu đối với sản phẩm đầu ra và các ưu đãi - đã thu hút mối quan tâm lớn của giới học thuật.

Trao đổi với Khoa học và Phát triển, các nhà nghiên cứu nhìn chung hoan nghênh tinh thần của Nghị định trong việc xác định rõ ràng các tiêu chí cần phải có của một nhóm nghiên cứu mạnh, và coi đây là dấu hiệu cho sự thay đổi chất lượng của các hoạt động khoa học và công nghệ ở trường đại học.

Tuy nhiên, bên cạnh đó, họ cho rằng các tiêu chí công nhận đang được xây dựng “quá cao”, đòi hỏi một nhóm nghiên cứu mạnh phải đáp ứng cả ba định hướng: nghiên cứu cơ bản, nghiên cứu ứng dụng, và nghiên cứu sản phẩm - và điều này là khó khả thi.

Cũng có ý kiến đề cập, các tiêu chí công nhận nhóm nghiên cứu mạnh quá cụ thể và quá cứng, thiếu các tiêu chí thay thế, trong khi các ưu đãi chỉ được nêu ra chung chung.

Khoa học và Phát triển xin lần lượt giới thiệu những ý kiến tiêu biểu trong số đó.

Tín hiệu cho sự thay đổi

Đây là lần đầu có một nghị định về hoạt động khoa học và công nghệ trong trường đại học, mặc dù vấn đề này đã được thể chế hóa trong Luật Giáo dục đại học 2012 và 2018, và từ mấy chục năm nay, nghiên cứu khoa học và công nghệ đã trở thành nhiệm vụ của trường đại học và giảng viên, chứ không chỉ của các viện và trung tâm.

Trong Nghị định có hai nội dung tôi quan tâm, đó là những điều khoản liên quan đến nhóm nghiên cứu mạnh và liêm chính học thuật - hai vấn đề đã được bàn thảo suốt trong thời gian qua.

Về nhóm nghiên cứu, có hai cách tiếp cận: một là nhóm nghiên cứu như một thiết chế trong trường đại học, được Hiệu trưởng ra quyết định thành lập; hai là nhóm nghiên cứu như một thực thể mềm do các nhà khoa học tự lập ra và vận hành. Cả hai tiếp cận đều có những ưu điểm riêng. Theo các điều khoản của Nghị định thì nhóm nghiên cứu mạnh được vận hành theo tiếp cận đầu tiên. Chúng ta cùng kỳ vọng, khi đã có chính sách xuyên suốt từ cấp Chính phủ, Bộ đến cấp cơ sở giáo dục đại học đối với nhóm nghiên cứu mạnh thì hoạt động nghiên cứu tại các trường đại học sẽ thực sự được thúc đẩy.

Nhóm nghiên cứu Vật liệu và kết cấu tiên tiến là một nhóm nghiên cứu mạnh của Đại học Quốc gia Hà Nội. Nguồn: uet.vnu.edu.vn

Tôi đang chờ đợi xem có bao nhiêu nhóm nghiên cứu mạnh sẽ được công nhận theo các tiêu chí mới. Nhưng có thể thấy, các nhóm nghiên cứu thuộc lĩnh vực khoa học tự nhiên dễ thỏa mãn các tiêu chí mà Nghị định nêu ra hơn. Chẳng hạn, với tiêu chí trưởng nhóm phải có H-index = 10 thì rõ ràng các nhà nghiên cứu trong lĩnh vực khoa học xã hội không dễ đạt được.

Đồng thời, tôi cũng kỳ vọng thông tư tiếp theo Nghị định sẽ làm rõ hơn các ưu đãi cho nhóm nghiên cứu mạnh - phần nào do nhà nước, phần nào do Bộ KH&CN, Bộ GD&ĐT, cơ quan chủ quản hay cơ sở giáo dục đại học hỗ trợ; các mức sàn, mức trần là bao nhiêu.

Về liêm chính học thuật thì Nghị định mới đề cập một cách sơ bộ qua một vài gạch đầu dòng, trong khi theo tôi, vẫn còn đất để viết kỹ hơn về vấn đề này. Chẳng hạn, cần phân loại các loại hình vi phạm liêm chính học thuật, từ đạo văn, ngụy tạo dữ liệu, quyền tác giả đến vấn đề bảo đảm quyền của khách thể nghiên cứu... Trong đó, ở phần nói về đạo văn nên có những quy định rõ ràng hơn như bắt buộc các trường phải sử dụng các phần mềm chống đạo văn như một phần của quy trình bảo đảm chất lượng. Hy vọng khi triển khai Nghị định, từng trường sẽ viết kỹ hơn, hoặc thông tư hướng dẫn tiếp theo sẽ viết kỹ hơn những điều chưa được viết.

Tôi tin là Nghị định sẽ có những tác động nhất định, đồng thời hiểu rằng Nghị định không thể thay đổi được ngay và luôn bức tranh nghiên cứu khoa học trong trường đại học; nó chỉ là một mắt xích, một yếu tố, đưa ra được khuôn khổ, hành lang pháp lý mà thôi. Để thúc đẩy hoạt động khoa học và công nghệ, cần có nhiều chương trình cụ thể của nhà nước. Nhưng chắc chắn Nghị định đang tạo ra tín hiệu cho sự thay đổi, chẳng hạn tạo ra cú hích về chất lượng trong nghiên cứu ở trường đại học. Tôi đoán rằng nhiều nhà khoa học đang chờ đợi nhóm của mình được công nhận chính thức là nhóm nghiên cứu mạnh.

Nghị định cũng có thể giúp tháo gỡ một số vướng mắc, ví dụ như trước đây khi nhóm nghiên cứu tự thành lập, tự vận hành, các thành viên của nó vẫn phải bảo đảm khối lượng giảng dạy như bình thường, thì bây giờ, trong nghị định mới đã có điều khoản về việc giảm giờ dạy cho thành viên của nhóm nghiên cứu mạnh.

Mặt khác, ngay từ khi chưa có Nghị định, một số trường có mức độ tự chủ và quyết tâm cao đã xây dựng được những văn bản nội bộ liên quan đến thúc đẩy hoạt động khoa học và công nghệ, thiết kế được những tiêu chí riêng đối với nhóm nghiên cứu mạnh. Nhưng chưa nhiều trường làm được như vậy và giờ là lúc họ đã có căn cứ pháp lý để bắt tay vào làm. Việc giải trình với nội bộ nhà trường, kiểm toán, và các bên về các hỗ trợ đặc biệt dành cho nhóm nghiên cứu cũng sẽ thuận lợi hơn nhờ nghị định này. Một số nhà khoa học có trình độ cao ở những trường đó đã có cớ để đàm phán lại với nhà trường về việc hình thành nhóm nghiên cứu mạnh của mình.

Và khi đã có danh sách chính thức các nhóm nghiên cứu mạnh trên cả nước, các nhóm nghiên cứu sẽ bớt thấy lẻ loi hơn; các trưởng nhóm có thể thành lập câu lạc bộ riêng để tiện bề kết nối, trao đổi ý tưởng nghiên cứu, chia sẻ tài liệu, dữ liệu...

Đương nhiên sẽ có những bất cập trong quá trình triển khai Nghị định nhưng Nghị định đã được ban hành rồi thì cứ để nó chạy, xem còn những chỗ nào vênh với thực tế thì tiếp tục điều chỉnh trong tương lai.

Phạm Hiệp
Đồng trưởng nhóm nghiên cứu Khoa học và Giáo dục - Trường ĐH Giáo dục, ĐH Quốc gia Hà Nội; đồng trưởng nhóm nghiên cứu Reduvation – Trường ĐH Thành Đô