Mỹ đã cắt đứt khả năng tiếp cận các hợp phần AI và siêu máy tính với quân đội Trung Quốc nhưng điều này cũng có thể ảnh hưởng đến khoa học quốc gia này.
Hiện nay Mỹ cũng cố gắng ngăn chặn khả năng Trung Quốc xây dựng ngành công nghiệp sản xuất chip của riêng mình thông qua việc không cho quốc gia này truy cập vào các phần mềm thiết kế chip của Mỹ và các thiết bị sản xuất quốc tế, bao gồm các thiết bị tiên tiến bậc nhất từ Hà Lan.
CEO Jensen Huang của Nvidia chạm vào một cánh tay robot vô cùng nhạy do phòng thí nghiệm Robot của Nvidia đặt tại Seattle thiết kế.
Ảnh hưởng đến khoa học dân sự
Lệnh cấm vận của Mỹ đã tạo ra những làn sóng gây sốc. Nó là tín hiệu bắt đầu của “một chính sách mới của Mỹ nhằm kìm hãm các phân khúc lớn trong ngành công nghiệp công nghệ Trung Quốc – bóp nghẹt với mục đích làm cạn kiệt sức lực”, theo nhận xét của Gregory Allen, nhà nghiên cứu chính tại Trung tâm nghiên cứu chiến lược và quốc tế đặt tại Washington.
Các con chip mà Mỹ muốn kiểm soát nhất là các GPU A100 và H100 của Nvidia, theo nhận xét của Triolo, một nhà phân tích về công nghệ Trung Quốc, cũng như công nghệ liên quan với nó. “Vì vậy những gì là đích đến ở đây thực sự là toàn bộ cấu trúc các hệ thống chứa GPU tiên tiến được thiết kế để chạy các hệ tính toán hiệu năng cao hoặc chạy các thiết bị liên quan đến AI/học máy”. Hầu như tất cả các nhà nghiên cứu AI đều cần đến các con chip của Nvidia. Hơn nữa, A100, một trong những con chip được Mỹ điểm danh, đã trở thành con chip phổ biến thứ ba trong cộng đồng nghiên cứu AI của thế giới.
Các viện nghiên cứu Trung Quốc đã kịp dự trữ các hệ A100, vì vậy tác động của lệnh cấm vận này sẽ không đến ngay lập tức, Triolo nói. Một phân tích của Reuters vào tháng 9/2022 cho thấy, các viện nghiên cứu của Mỹ, trong đó có cả trường đại học Thanh Hoa, gần đây đã tiêu hàng trăm nghìn đô la để mua các con chip A100 cho các siêu máy tính. Nhưng nếu Mỹ xiết chặt hơn nữa lệnh cấm vận, hệ thống nghiên cứu AI và học máy của Trung Quốc có thể sẽ bị đánh bại trong vòng một đến hai năm, Triolo dự đoán. “Các ứng dụng AI tiên tiến thực sự sẽ đòi hỏi những phần cứng mới nhất và mạnh nhất”, ông giải thích.
Những gì tiếp theo là theo thời gian thì chính sách cấm vận của Mỹ sẽ bao phủ trên một diện lớn hơn, Allen nhấn mạnh. Họ hiện mới áp dụng lệnh cấm lên các con chip ở một ngưỡng nhất định và chỉ ngăn cấm các con chip tiên tiến xuất khẩu vào Trung Quốc nhưng trong trung hạn thì một diện rộng hơn với chip sẽ được ấn định. “Việc mở rộng các biện pháp kiểm soát sẽ gia tăng theo thời gian khi ngành công nghiệp bán dẫn tạo ra tiến triển công nghệ mới”, Allen nói.
Siêu máy tính chịu đòn
Cho đến nay, trung tâm của các cuộc tranh cãi về lệnh cấm vận là việc liệu nó có làm ảnh hưởng đến sự trỗi dậy của Trung Quốc như một quyền lực AI không. Rõ ràng là những giới hạn mà lệnh cấm vận thiết lập nên sẽ ảnh hưởng đến toàn bộ cơ sở hạ tầng siêu máy tính của Trung Quốc, và mở rộng đến cả khoa học dân sự bởi nó phụ thuộc vào các hệ tính toán hiệu năng cao, theo Rebecca Arcesati, một chuyên gia về công nghệ Trung Quốc tại Viện Nghiên cứu Trung Quốc Mercator, một think tank có trụ sở tại Berlin. “Theo tôi, tác động của các biện pháp kiểm soát lên các nỗ lực xây dựng các hệ tính toán hiệu năng cao của Trung Quốc sẽ rất mạnh theo thời gian”, bà nói.
Vào năm 2021, Mỹ đã đưa thêm các trung tâm siêu máy tính chính của Trung Quốc và các nhà cung cấp thiết bị cho họ vào danh sách cấm vận, giới hạn việc xuất nhập khẩu và cáo buộc họ tham gia vào các chương trình hạt nhân và vũ khí siêu thanh. Các giới hạn đưa ra vào tháng 10/2022 có nghĩa là cấm các con chip sử dụng công nghệ hoặc phần mềm Mỹ, bất kể chúng được sản xuất tại đâu, có thể chuyển tới các trung tâm siêu máy tính Trung Quốc, Arcesati nói. Mỹ đang cố gắng giới hạn năng lực của Trung Quốc “phát triển và duy trì các siêu máy tính”, Bộ Thương mại Mỹ đã cho biết trong thông báo về lệnh giới hạn các con chip.
Trong khi Trung Quốc đã thay thế các bộ vi xử lý trung tâm (CPUs) mua của nước ngoài trong một số siêu máy tính bằng đồ sản xuất trong nước nhưng họ vẫn còn phụ thuộc vào các GPU của nước ngoài để tăng tốc hiệu suất của chúng, Arcesati lưu ý. Hiện vẫn còn chưa rõ là liệu Trung Quốc có thể tạo ra trong dài hạn một chuỗi cung cấp nội địa trong lĩnh vực công nghệ tiên phong này không.
Vấn đề với các nhà khoa học dân sự Trung Quốc là các siêu máy tính sử dụng cho các ứng dụng quân sự cũng còn được dùng cho các nghiên cứu dân sự. Tianhe-2 của trường Đại học Quân sự Quốc gia, từng là siêu máy tính nhanh nhất thế giới, đã được dùng cho các khám phá về năng lượng, khoa học sinh học, môi trường và dược phẩm cũng như nhiều lĩnh vực khác, Arcesati nói.
Mối liên hệ chặt chẽ quân sự - dân sự
Khía cạnh này cho thấy một vấn đề lớn với khoa học dân sự Trung Quốc – Mỹ ngày càng cho là có sự giao thoa của khoa học dân sự với nghiên cứu quân sự Trung Quốc, và do đó là một cuộc cạnh tranh về chủ quyền công nghệ toàn cầu. “Nhiều viện nghiên cứu học thuật Trung Quốc hàng đầu xuất bản một lượng đáng kể các nghiên cứu về AI cùng với các nhà khoa học quân sự Trung Quốc”, Allen nói.
Quân đội Trung Quốc, trong sự hợp tác với nhiều công ty và trường đại học, đã từng có được những con chip thông qua các công ty, ông nói. Và kết quả là các giới hạn mới đã được Mỹ thông báo, hướng đến cả các viện nghiên cứu.
Các chuyên gia chính sách Mỹ cho là nhiều chính sách “kết hợp quân sự - dân sự” của Trung Quốc đã được áp dụng – một định hướng để đảm bảo cho những công nghệ tiên tiến do nền kinh tế dân sự tạo ra sẽ được đưa vào ứng dụng trong công nghiệp quốc phòng. Dưới thời Tổng thống Donald Trump, Bộ Ngoại giao đã coi đây là một chiến lược quốc gia loại bỏ “các rào cản giữa nghiên cứu dân sự, thương mại với nghiên cứu quân sự và công nghiệp quốc phòng Trung Quốc”.
Một số nhà quan sát thì nghi ngờ quan điểm này. Chính sách kết hợp quân sự - dân sự của Trung Quốc mới ở những giai đoạn đầu, theo Trung tâm An ninh Mỹ mới, một think tank có trụ sở tại Washington, trong một đánh giá vào năm 2021. Tuy nhiên họ cũng chỉ ra là Trung Quốc đâu có đơn độc: các trường đại học và các công ty Mỹ cũng hợp tác với các cơ quan quân đội như Quỹ DARPA.
Dẫu vậy có một sự thật là số lượng các trường đại học và công ty của Trung Quốc đang hợp tác trong nhiều dự án quân sự, lên tới hàng trăm do quân đội tài trợ, theo trung tâm này.
Câu hỏi chính là liệu lệnh cấm vận này có ảnh hưởng đến các trường đại học Trung Quốc hay không? Tuy nhiên cho đến nay thì các trường này vẫn chưa có phản ứng gì. Khi Science|Business liên hệ với nhiều nhà nghiên cứu về tác động của chính sách này thì không có câu trả lời. Sự im lặng này là do chủ đề phụ thuộc vào công nghệ Mỹ vẫn là một chủ đề nhạy cảm, Arcesati nói.
Nguồn: sciencebusiness.net