Cá nhân tôi rất ủng hộ tinh thần của Nghị định trong việc xác định rõ ràng các tiêu chí cần phải có của một nhóm nghiên cứu mạnh, đặc biệt trong việc đề cao sự hợp tác với nhà khoa học ở nước ngoài.
Không chỉ dừng ở mức độ cần thiết hợp tác như trước kia, mà bây giờ đồng trưởng nhóm phải là nhà khoa học có uy tín được mời từ nước ngoài. Điều này là rất hợp lý trong bối cảnh cơ sở vật chất của nước ta vẫn còn nhiều hạn chế nên cần tận dụng thiết bị đo đạc từ bên ngoài để có kết quả chính xác và khách quan, cũng như gia tăng hội nhập với cộng đồng khoa học trên thế giới thông qua việc đòi hỏi nhà khoa học trong nước phải trao đổi và học hỏi thêm công nghệ thực tiễn từ bên ngoài.
Điểm cộng lớn nhất của Nghị định là các tiêu chí đưa ra hết sức cụ thể, song đó cũng là điểm yếu. Bởi vì có quá nhiều ngành khác nhau nên việc ấn định cụ thể số lượng, chẳng hạn về công bố, sẽ gây khó khăn cho các ngành kén công bố hơn. Ngành toán có cách nghiên cứu khác ngành lịch sử, ngành lịch sử làm việc khác ngành hóa cho nên việc KPI quá rõ ràng như vậy có thể dẫn tới hệ lụy là nhóm nghiên cứu mạnh của các trường sẽ có xu hướng thiên về một nhóm ngành đặc thù dễ công bố hơn, như hóa sinh chẳng hạn, gây nên phân biệt đối xử với các ngành khác. Nếu như có định hướng phát triển mũi nhọn vào một số ngành nhất định thì tôi sẽ không bàn thêm, nhưng Nghị định có lẽ thuộc về chung tất cả các ngành. Tôi cho rằng nên trao quyền đặt tiêu chí cho hội đồng các nhà khoa học trong ngành, và các tiêu chí có thể được điều chỉnh thường xuyên để phù hợp với tình hình thực tế thay vì tiêu chí cứng nhắc. Lưu ý rằng tiêu chí chọn thành viên hội đồng phải thật khắt khe, liêm chính và minh bạch.
Thầy hướng dẫn và nghiên cứu sinh giới thiệu cho bà Phó hiệu trưởng ĐH Công nghệ Swinburne về công nghệ tạo lớp phủ nano bằng phương pháp plasma nhiệt độ cao, được điều khiển tự động hóa bằng cánh tay robot công nghiệp tại phòng lab ARC SEAM. Nguồn: Đặng Nhật Minh.
Mặt khác, tôi hiểu các tiêu chí đưa ra ở đây là tối thiểu cần có nên sẽ mặc định ưu tiên ứng viên có thành tích xuất sắc hơn mức sàn. Và ứng viên đạt được những thành tích như vậy lại thường nằm ở các trường đại học lớn. Nhóm nghiên cứu của thầy hướng dẫn cũ của tôi ở Đại học Việt Pháp USTH, một đại học trẻ, cũng có thể coi là mạnh nhưng đó là trường hợp cá biệt. Đối với các trường nhỏ, họ sẽ không có cách nào cạnh tranh với toàn bộ tiêu chí được đề ra. Kết quả là nhóm mạnh sẽ ngày càng mạnh hơn trong khi các nhóm yếu hơn thì khó mạnh lên được, quyền lợi mà Nghị định đem lại sẽ chỉ tập trung vào vài trường lớn, gây ra sự phân biệt đối xử với các nhà khoa học có điều kiện nghiên cứu kém hơn. Điều này là không thể tránh khỏi nhưng có thể giải quyết được nếu như có sự tăng cường hợp tác nghiên cứu giữa các nhóm mạnh và các nhóm khác, bởi vậy theo tôi sẽ cần bổ sung một mục yêu cầu bổ trợ trong Nghị định để giúp các nhà khoa học trong sứ mệnh hợp tác sâu rộng này, không chỉ với nước ngoài thôi mà còn ở chính trong Việt Nam nữa. Điều này thế giới vẫn làm, ví dụ, các dự án được Hội đồng Nghiên cứu Quốc gia Úc (Australian Research Council - ARC) cấp kinh phí luôn bao gồm cả KPI trong việc hợp tác nghiên cứu giữa các nhóm trong nước và các nhóm có chung một đơn vị tài trợ. Các nhóm sẽ cùng công bố bài báo, cùng tổ chức các buổi chia sẻ học thuật hoặc sự kiện tập huấn khoa học cho các nhà khoa học trẻ chẳng hạn. Sẽ rất tuyệt nếu như Nghị định có thêm một đầu mục chỉ tiêu khuyến khích nhóm mạnh hợp tác nghiên cứu với nhóm yếu hơn ở bên ngoài đơn vị chủ quản, như vậy sẽ giải quyết được bài toán bất công cho các nhóm thiếu điều kiện nghiên cứu, đồng thời giúp các nhóm nhỏ đó có điều kiện tiếp cận và phát triển song hành cùng các nhóm mạnh. Tất nhiên, sự hợp tác giữa các nhóm mạnh với nhau để có được các sản phẩm khoa học chất lượng cao cũng nên được tính vào KPI.
Ngoài ra, bài báo và bằng sáng chế thôi cũng không thể phản ánh đầy đủ năng lực của nhóm nghiên cứu, nhất là đối với các nhóm nghiên cứu theo hướng ứng dụng giúp nâng cao chất lượng đời sống của người dân. Tôi xin chia sẻ một câu chuyện thực tế ở Úc: đợt dịch vừa rồi do khó khăn tài chính, rất nhiều giảng viên bị sa thải, bao gồm cả những người có công bố trên các tạp chí danh tiếng. Trong khi đó, những người có ít bài báo nhưng lại có hàng chục dự án với doanh nghiệp thì được trường giữ lại. Tôi hiểu là văn hóa hợp tác với các cơ sở nghiên cứu ở các doanh nghiệp Việt Nam chưa phát triển cho lắm, nhưng vẫn hi vọng là nghị định cập nhật sẽ thúc đẩy văn hóa này bằng cách coi trọng hơn đầu ra là các sản phẩm được doanh nghiệp tài trợ.