Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển nông nghiệp công nghệ cao TPHCM, đã xây dựng quy trình sinh sản nhân tạo giống cá hồng mi Ấn Độ, góp phần chủ động nguồn giống trong nước, phục vụ phát triển ngành cá cảnh tại TPHCM.
Hiện nay, thị trường cá cảnh tại TPHCM đang ngày càng mở rộng. Nhiều dòng cá nhập khẩu mới, độc, lạ được người chơi ưa chuộng, trong đó có cá hồng mi Ấn Độ. Tuy nhiên, chưa có công trình trong nước nào nghiên cứu về sinh sản cá hồng mi, nên nguồn giống vẫn phụ thuộc nước ngoài (chủ yếu từ Indonesia, nước sản xuất cá giống hồng mi Ấn Độ nhiều nhất).
Bởi vậy, Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển nông nghiệp công nghệ cao TPHCM đã nghiên cứu quy trình sinh sản nhân tạo cá hồng mi Ấn Độ.
Cá giống hồng mi nhập khẩu được nuôi vỗ và nghiên cứu cho sản xuất nhân tạo. Nhóm nghiên cứu cho biết, nuôi vỗ là công đoạn quan trọng quyết định thành công của quy trình sản xuất giống. Công đoạn này cung cấp đầy đủ dinh dưỡng cho sự phát triển tuyến sinh dục cá, nếu làm tốt sẽ cho hiệu quả sản xuất giống tốt.
Sau một thời gian nuôi vỗ, những con cá khỏe mạnh, không dị tật, đáp ứng đủ điều kiện sinh sản được chọn để làm cá bố mẹ. Nhóm kích thích sinh sản bằng tiêm chất kích thích Ovaprin với liều lượng cá cái 0,4ml/kg, cá đực 0,2ml/kg.
Căn cứ vào đặc điểm dinh dưỡng của cá hồng mi Ấn Độ, nhóm nghiên cứu đã xác định được loại thức ăn phù hợp (trùn chỉ, Artemia, thức ăn viên công nghiệp bổ sung sắc tố Astaxanthin giúp lên màu sắc đẹp ). Nguồn nước sử dụng có thể là nước giếng hoặc nước máy, xử lý để có độ pH thích hợp cho bể nuôi từ 6.5 – 7, nhiệt độ từ 28 – 30 độ C, oxy hòa tan 4mg/L. Sau khi trứng nở (tỷ lệ nở 80%), ương nuôi cá bột khoảng 90 ngày (đạt kích thước 5cm), có thể xuất bán ra thị trường (tỷ lệ sống đạt 70 – 75%).
Theo tính toán của nhóm nghiên cứu, chi phí để sản xuất ra 1 con cá giống (kích thước 4 – 5cm) khoảng 6.400 - 7.000 đồng, với giá bán ra thị trường từ 25.000 – 28.000 đồng.
Trung tâm có thể chuyển giao cho các cơ sở sản xuất, kinh doanh cá cảnh quy trình sản xuất cá giống hồng mi Ấn Độ.
Thạch Thảo