Nhóm tác giả ở Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển nông nghiệp Công nghệ cao TPHCM đã cải tiến quy trình nuôi lươn thương phẩm không bùn với mật độ cao đạt tiêu chuẩn VietGap, mang lại hiệu quả kinh tế vượt trội so với mô hình nuôi truyền thống.

Nuôi lươn là nghề không cần nhiều vốn đầu tư, diện tích đất rộng, công sức chăm sóc,… nhưng mang lại thu nhập cao. Hiện nay ở TPHCM có khoảng 30 hộ, chủ yếu tập trung tại huyện Củ Chi (khoảng gần 9.000m2), nuôi lươn thương phẩm theo 4 mô hình: nuôi lươn không bùn kết hợp với hệ thống tuần hoàn 2 giai đoạn, không bùn với mật độ cao, không bùn và có bùn. Trong đó, chủ yếu là nuôi lươn không bùn với mật độ cao (250 con/m2). Người nuôi lươn chủ yếu tích lũy kinh nghiệm qua thời gian, việc ứng dụng công nghệ nhằm tự động hóa kiểm soát và phòng trừ dịch bệnh trong quá trình nuôi lươn thương phẩm chưa được thực hiện. Nhiều hộ nuôi chưa nắm được các đặc điểm sinh học, khả năng thích ứng của lươn vơi môi trường như độ pH, nhiệt độ, độ sâu bể nuôi,… nên hiệu quả chưa cao. Nguồn lươn thịt cung cấp cho thị trường TPHCM chủ yếu từ các tỉnh như Đồng Nai, An Giang, Vĩnh Long, Cần Thơ, Tiền Giang, Tây Ninh,... (chiếm 97%); còn lại khoảng 3% có nguồn gốc nuôi tại thành phố (khoảng gần 200 tấn/năm).

Để khắc phục những hạn chế của mô hình nuôi lươn thương phẩm hiện tại, Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển nông nghiệp Công nghệ cao TPHCM nghiên cứu quy trình nuôi lươn thương phẩm không bùn với mật độ cao đạt tiêu chuẩn VietGap.

Theo đó, mô hình nuôi được xây dựng ở những nơi có môi trường nước và đất không bị ô nhiễm bởi các chất thải từ công và nông nghiệp như hóa chất, dầu khí, kim loại nặng, thuốc trừ sâu,…Nguồn nước nuôi phù hợp ở nhiệt độ 28 - 30oC; pH 7,5 - 8,5; DO trong nước từ 4,50 - 5,5mg/L; kim loại nặng < 0,01mg/l; NH4+ < 0,05mg/l; NO2 < 0,05mg/L.

T
Thử nghiệm nuôi lươn không bùn theo quy trình. Ảnh: NNC

Bể nuôi không nên để trống ngoài trời vì lươn không ưa ánh sáng mạnh và ánh nắng sẽ làm nóng nước. Có thể làm giàn trồng dây leo hoặc mái che nắng mưa cho lươn bằng lưới (độ che phủ 70%). Giá thể có thể được làm từ dây bẹ (dây nilon) màu đen, xé nhỏ bó lỏng và trải đều khắp phía trên để lươn chui rúc vào trú ẩn. Dây nilon phải được xử lý trước khi đưa vào sử dụng bằng cách ngâm trong nước 10 - 15 ngày để các hóa chất tẩm trong dây nilon được rửa trôi, và hạn chế độ bén của dây nilon làm xây xát lươn trong quá trình nuôi. Bể nuôi lươn thịt cấp nước cao từ 0,3 - 0,4m.Thức ăn của lươn là thức ăn công nghiệp với hàm lượng đạm 40 - 45%.

Do lươn tăng trưởng không đều nhau nên tính phân đàn lớn dẫn đến chênh lệch kích cỡ, có thể xảy ra hiện tượng ăn lẫn nhau. Để giải quyết vấn đề này, định kỳ sau thời gian nuôi 1 tháng nên phân cỡ lươn ra nuôi riêng, để hạn chế lươn hao hụt do tấn công lẫn nhau.

Sau thời gian nuôi thương phẩm từ 10 - 12 tháng, lươn thương phẩm đạt kích cỡ loại 1 (250 - 300g/con), loại 2 (200 - 250g/con), loại 3 (khối lượng dưới 200g/con), với năng suất trung bình 58kg/m2/vụ, tỷ suất lợi nhuận đạt được khoảng 1.68, cao hơn so với mô hình nuôi lươn không bùn người dân vẫn đang nuôi theo kinh nghiệm (năng suất 54kg/m2/vụ, tỉ suất lợi nhuận 1,06).

Theo tính toán của Trung tâm, mô hình nuôi lươn thương phẩm không bùn giúp giảm 30% chi phí đầu tư bể nuôi, chủ yếu là không tốn tiền thay đất so với nuôi có bùn. Quy trình này dễ vệ sinh bể nuôi, không có mùi hôi, nước thải không gây ô nhiễm môi trường. Đồng thời, dễ dàng quản lý, theo dõi quá trình sinh trưởng, phát hiện bệnh kịp thời để điều trị cũng như quản lý số lượng. Giá bán lươn theo quy trình VietGap (nước nuôi được xử lý trước khi cấp vào bể, thay nước thường xuyên, sử dụng thuốc phòng ngừa bệnh đúng kỹ thuật,...; được truy xuất nguồn gốc, đủ điều kiện xuất khẩu sang một số nước như Hàn Quốc, Nhật Bản, Hà Lan,...) cũng cao hơn so với nuôi thông thường bởi lươn khỏe, đồng đều và không tồn dư kháng sinh, do tuân thủ đúng kỹ thuật như chăm sóc, sử dụng thuốc phòng ngừa bệnh (đường ruột, xuất huyết, gium sán,...).

Quy trình nuôi lươn thương phẩm không bùn với mật độ cao (250 con/m2) đạt tiêu chuẩn VietGap đã được Sở KH&CN TPHCM nghiệm thu. Trung tâm có thể chuyển giao quy trình cho hộ dân nuôi lươn ở TPHCM và các tỉnh lân cận.