Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển nông nghiệp công nghệ cao, TPHCM, đã nghiên cứu và chuyển giao quy trình nuôi sinh khối làm thức ăn cho cá dĩa và quy trình sản xuất cá giống bằng phương ấp trứng nhân tạo, giúp tăng lợi nhuận 20% so với sản xuất theo phương pháp truyền thống.
Cá cảnh được xác định là một trong những lĩnh vực nông nghiệp đô thị chủ lực của TPHCM. Trong đó, cá dĩa là một loài cá cảnh nước ngọt có giá trị kinh tế cao, được thị trường ưa chuộng, có giá trị xuất khẩu lớn. Nhu cầu về sản lượng cá dĩa thương phẩm để cung cấp cho thị trường cá cảnh trong nước và xuất khẩu rất lớn.
Ông Nguyễn Văn Phương (ấp Tiền, xã Tân Thông Hội, huyện Củ Chi, TPHCM) cho biết, cơ sở nuôi cá dĩa của ông vẫn theo phương pháp truyền thống, sử dụng thức ăn tươi sống là trùn chỉ, vừa khó chủ động nguồn cung, vừa dễ gây dịch bệnh cho cá do trùn chỉ sống ở môi trường nước bẩn.
Bên cạnh đó, hiện nay, cá dĩa chủ yếu được để sinh sản tự nhiên, dẫn đến không thể chủ động sản xuất giống với số lượng lớn. Người sản xuất phần lớn chỉ điều chỉnh các yếu tố môi trường nước như pH, độ cứng,...thích hợp cho cá. Việc phòng và trị bệnh cũng chưa hiệu quả, nên dễ xảy ra dịch bệnh, tăng tỷ lệ dị hình, ảnh hưởng đến màu sắc của cá.
Trước thực trạng và nhu cầu của ngành sản xuất cá cảnh hiện nay ở TPHCM, Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển nông nghiệp công nghệ cao đã thực hiện nhiệm vụ “Chuyển giao mô hình sản xuất giống cá dĩa đỏ Symphysodon sp.” (thuộc Chương trình “Hỗ trợ chuyển giao mô hình ứng dụng tiến bộ KH&CN, đổi mới sáng tạo trong nông nghiệp” do Sở KH&CN TPHCM triển khai, hỗ trợ kinh phí gần 300 triệu đồng), nghiên cứu và làm chủ hai quy trình: nuôi sinh khối Artemia làm thức ăn cho cá và sản xuất cá giống bằng phương ấp trứng nhân tạo.
Sau đó, Trung tâm đã chuyển giao mô hình cho cơ sở của ông Nguyễn Văn Phương. Kết quả, đối với quy trình nuôi sinh khối Artemia làm thức ăn cho cá, sau một năm thực hiện, tỷ lệ sống của sinh khối đạt 83%, đáp ứng 60 – 70% thức ăn tươi sống tại cơ sở.
Đối với quy trình sản xuất cá giống bằng phương ấp trứng nhân tạo, tỉ lệ thụ tinh đạt 90%, tỉ lệ nở - 90%, tỉ lệ sống của cá con - 80%. Cá có kích thước từ 5 - 8cm, đẹp, khỏe mạnh, màu sắc sặc sỡ đáp ứng yêu cầu xuất khẩu, lợi nhuận đạt 400 triệu đồng/năm, tăng 20% so với sản xuất theo phương pháp truyền thống trước đây.
Theo bà Nguyễn Thị Kim Liên, Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển Nông nghiệp Công nghệ cao, áp dụng mô hình nói trên, các cơ sở sản xuất cá sẽ chủ động được nguồn thức ăn tươi sống an toàn với hàm lượng đạm và acid béo không no cao, đáp ứng nhu cầu dinh dưỡng của cá. Nguồn thức ăn mới có chứa sắc tố tố carotenoid phù hợp cho lên màu sắc tự nhiên các loài cá dĩa và phù hợp với các giai đoạn sinh trưởng của cá. Ngoài ra, nếu ứng dụng các biện pháp kỹ thuật để can thiệp sớm vào quá trình sinh sản và ương nuôi cá con thì có thể tăng tỷ lệ sinh sản của cá bố mẹ và tỷ lệ sống của cá dĩa con. Đây là mô hình phù hợp với định hướng phát triển cá cảnh của TPHCM nên cần được triển khai, nhân rộng trên địa bàn.