Vui hơn nữa, tất cả gạo đều đã có người đặt mua, chỉ chờ phơi khô, xát dối, đóng gói, giao hàng.
‘Tiếng điên’ trồng lúa khác người
Hồi tháng 2, lúc cây lúa trổ đòng phát triển mạnh khỏe, Võ Văn Tiếng (SN 1991, xã Thường Thới Tiền, huyện Hồng Ngự, tỉnh Đồng Tháp) mừng quá trời. Cậu hồ hởi khoe: “Ba (bố của Tiếng) khoe là lúa của mình không có bệnh hoạn, sâu mò (rầy) gì hết, còn kể bên họ (nhà hàng xóm –PV) bị quá trời luôn, trước và sau tết họ phun (xịt) liên tục mà không hết. Còn lúa mình vẫn khỏe re, về ăn tết không lo gì hết. Mình nghĩ sâu bệnh có tự nhiên cân bằng rồi, con người đừng nhúng tay vào chi cho phức tạp tự nhiên”.
Thế nhưng, để có được niềm vui này anh nông dân Võ Văn Tiếng đã trải qua một chặng đường dài. Sau khi hoàn thành nghĩa vụ quân sự, Tiếng xin bố mẹ đi học. Anh học đủ thứ từ công nghệ thông tin tới du lịch nhưng đều bỏ dở cả. Trong lúc chưa biết nên làm gì, Tiếng thấy tivi nói mãi về thực phẩm bẩn. Trên cung đường phượt tới những vùng địa đầu của Tổ quốc như Tây Bắc, Tiếng gặp bà con vùng cao. Thấy họ trồng lúa không phân không thuốc, Tiếng mê quá. Trong khi đó, 10ha lúa của ba mẹ Tiếng ở Đồng Tháp mỗi năm dùng hết vài tấn phân hóa học và thuốc trừ sâu.
“Ba mẹ tôi cả đời làm nông dân, muốn trồng được cây lúa hạt gạo cứ phải phụ thuộc vào phân, thuốc hóa học. Khi nhìn bà con vùng cao trồng lúa, tôi mong nhà mình có thể tiếp tục nghề trồng lúa, nhưng không phải phụ thuộc vào thuốc hóa học nữa, để làm ra hạt gạo sạch cho gia đình và những người xung quanh” – Tiếng nói.
Võ Văn Tiếng trên cánh đồng lúa sạch của mình ở Hồng Ngự, Đồng Tháp.
Nghĩ là làm, Tiếng trình bày nguyện vọng với ba mẹ về mong muốn trồng lúa sạch thì lập tức bị gia đình, hàng xóm phản đối. Thậm chí người ta còn bảo Tiếng điên, thời buổi này trồng lúa không dùng phân, thuốc thì ‘chết đói’.
Mặc cho ai nói gì thì nói, Võ Văn Tiếng vẫn khăng khăng làm và được mẹ ‘vì thương con mà dúi cho 2ha trồng thử’. Tiếng bảo, lúc mới nhận ruộng cũng lo. Lo làm sao để lúa gạo làm ra bán được với giá trị xứng đáng của nó. Lo cho ruộng có được sản phẩm tốt. Vậy là Tiếng đi mày mò sách vở để làm sao trị sâu bệnh, làm sao cho đất giàu dinh dưỡng mà phát triển khỏe mạnh.
“Mùa đầu tiên tôi giảm một nửa lượng phân hóa học, không sử dụng thuốc trừ sâu và chỉ trồng lúa 2 vụ, thay vì 3 vụ như người miền Tây vẫn thường làm. Tôi muốn cho đất nghỉ, để nhanh phục hồi về chất dinh dưỡng. Năng suất lúa đạt 4 tấn/ha, giảm gần một nửa so với ruộng dùng thuốc hóa học” – Tiếng kể.
Từ vụ thứ 2 trở đi, Tiếng hoàn toàn không dùng bất cứ thứ gì từ hóa học. Rơm rạ thu được, anh đốt phân tro rồi rải xuống đất ủ làm phân. Để diệt sâu bọ, Tiếng nghiên cứu cách lợi dụng những loài ‘thiên địch’.
Thế là cứ đến tối, chàng thanh niên lại mò mẫm ra ruộng, quan sát hoạt động của các loài thiên địch, sinh trưởng và phát triển, con nào là thức ăn của con nào. Lúc này, Tiếng mới biết, lúc tang tảng sáng, rầy nâu bay đi để lại trứng trên thân cây. Những ấu trùng rầy từ đó sẽ sinh ra con.Thiên địch của rầy nâu là cá. Thế là, Tiếng canh thời tiết, khi nào rầy nâu đẻ trứng thì bơm nước vào ruộng cho ngập thân lúa. Trứng rầy rơi xuống nước cái nào không hỏng thì nở ra con. Lúc này, Tiếng thả vào ruộng đủ loại cá từ cá rô đồng, cá sặt rằn, cá điêu hồng. Để diệt sâu đục thân, Tiếng thả thêm vịt vào đồng.
Tiếng bảo: “Nếu chỉ làm lúa, có dịch bệnh sẽ dễ mất trắng nên cần kết hợp nuôi cá, vịt, trồng hoa màu. Giá lúa bấp bênh nên nếu mình có thêm nguồn thu từ cá, vịt, hoa màu thì sẽ ổn định về nguồn thu hơn”.
Đặc biệt, Tiếng không bao giờ giấu nghề. Ai hỏi Tiếng cũng kể, kể một cách chi tiết và hào hứng. Cái gì Tiếng đã vấp lỗi rồi, anh nhất định nhấn mạnh để người ta làm phải tránh xa. Tiếng bảo, anh không giấu nghề vì muốn truyền thêm động lực và niềm tin cho những nông dân “làm lúa sạch không khó”.
“Nếu chúng ta cứ trồng như vậy, môi trường sẽ ô nhiễm vì chất hóa học hết. Tôi muốn dùng mô hình cây và con cân bằng với nhau, tạo ra hệ sinh thái giống như thời xưa. Những chất thải từ cây , con sẽ trở thành phân cho đất, tạo nên hệ sinh thái tự nhiên bền vững”, Tiếng nói.
Đám ruộng của Tiếng nằm bên cạnh những cánh đồng được nhiều hộ khác canh tác theo hướng thông thường. Vậy là Tiếng nghĩ ra cách trồng hàng rào cỏ, loại thân cứng cao quá đầu người trên bờ ruộng để bảo vệ lúa khỏi tác động của thuốc trừ sâu. Đồng thời, loại cỏ này cũng được sử dụng làm thức ăn cho cá.
Để tránh thuốc hóa học và mầm bệnh theo nguồn nước vào ruộng, Tiếng nghĩ đến việc đào ao để trữ nước. “Tôi bơm nước vào ao trữ khoảng 10 ngày cho lắng các tạp chất rồi mới xả vào ruộng. Trong thời gian chờ nước lắng, vịt và cá thay nhau làm sạch nước. Cứ 10ha thì Tiếng đào một ao khoảng 5000m2, sâu 3 mét để chứa nước. Hiện tôi đang có hai ao trữ nước để tạo ra hệ thống tuần hoàn, không sử dụng nước bơm trực tiếp từ kênh vào ruộng” – Tiếng nói.
Không chỉ sử dụng hệ sinh thái từ vịt, cá, Tiếng còn nghĩ tới việc cải tạo chất lượng đất bằng cách trồng xen canh lúa và sen. Mùa sen tàn xong thì trồng lúa. Chất màu mỡ từ sen nuôi cho cây lúa khỏe mạnh.Mà cây khỏe thì ít bệnh nên năng suất lúa vì thế mà tăng lên. Gặt xong lúa thì sen lại đâm mầm lớn lên.
Ngựa ô can trường làm nông nghiệp sạch
Vụ vừa gặt, năng suất ruộng lúa sạch của chàng khùng Võ Văn Tiếng đạt 5 tấn/ha, tăng lên 1 tấn so với vụ đầu tiên. Gạo sạch của Tiếng bán được với giá 32.000 đồng/kg, cao hơn nhiều so với gạo được trồng có sử dụng phân, thuốc hóa học. Gạo của Tiếng, làm ra tới đâu bán hết tới đó.
Nhưng không phải tự nhiên, gạo sạch giá cao của Tiếng bỗng dưng tiêu thụ được. Khi bắt tay vào làm, chàng trai miền Tây hiểu rằng, khi sản lượng và chất lượng được giải quyết thì bài toán đầu ra là vấn đề đau đầu của nhiều dự án khởi nghiệp.
Võ Văn Tiếng và sản phẩm gạo sạch của mình.
“Nếu bán cho thương lái và đổ buôn theo giá thị trường, tôi biết mình thất bại nắm trong tay rồi. Vì thế, tôi tự mình lên Sài Gòn tìm đường đi cho hạt gạo, chứ không qua thương lái trung gian. Tôi tin với cái tâm của mình, hạt gạo của tôi sẽ đến với người tiêu dùng Việt” – Tiếng tâm sự và chia sẻ điều anh bất ngờ hơn cả là cái tâm làm gạo sạch của anh đã đến được Bí thư tỉnh Đồng Tháp Lê Minh Hoan.
Anh không chỉ nhận được sự ủng hộ bằng cách tạo điều kiện cơ chế để được thuê đất, dồn điền đổi ruộng để đến nay có được hơn 40ha trồng lúa sạch mà còn được đồng chí bí thư tự tay viết thư giới thiệu về dự án và kêu gọi mọi người ủng hộ “Chúng ta cần mua trước ủng hộ cho chàng trai này có tiền thuê đất mở rộng diện tích nhé. Ủng hộ khởi nghiệp là mình cũng đang khởi nghiệp rồi đó” – thư của đồng chí Lê Minh Hoan viết. Tiếng bảo: “Sự ủng hộ của bác bí thư giúp tôi tin rằng mình đã làm đúng. Và tôi có nhiều hơn động lực để tiếp tục mở rộng diện tích, mầy mò nâng cao năng suất và chất lượng cho hạt gạo mình làm ra”.
Khi mới bắt đầu, Tiếng bảo chỉ mong làm ra hạt lúa sạch cho gia đình và người xung quanh dùng. Giờ đây, giấc mơ của Tiếng đã vượt ra khỏi biên giới. Anh đang hoàn thiện hồ sơ xin chứng nhận lúa của nông trại Tâm Việt đạt tiêu chuẩn hữu cơ của EU và Mỹ với mong muốn mở đường cho những hạt gạo sạch Việt Nam xuất ngoại.
Những bao gạo trắng sạch tinh tươm của Võ Văn Tiếng giờ đã đi khắp nẻo đường để đến tay người tiêu dùng. Anh nông dân Võ Văn Tiếng bảo rằng, ở lớp hướng đạo sinh, anh được thầy đặt tên là ‘ngựa ô can trường’. Chính tâm thế ấy, Tiếng đã đặt chân vào mảnh đất làm nông nghiệp sạch đầy hứng khởi.
Có lẽ bởi vậy, mà hạt gạo ‘ngọt từ đất, chất từ tâm’ của Võ Văn Tiếng đã trở thành một trong những câu chuyện khởi nghiệp thành công trong nông nghiệp điển hình thời gian qua.