Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển nông nghiệp công nghệ cao TPHCM, đã nghiên cứu và chuyển giao quy trình kỹ thuật trong tuyển chọn cá bố mẹ, bổ sung thức ăn lên màu và probiotics, giúp tăng tỷ lệ cá chép Koi có kiểu hình đẹp và hạn chế được dịch bệnh.

Cá chép Koi (Cyprinus carpio) là loài cá cảnh có giá trị xuất khẩu mang lại hiệu quả kinh tế cao. Nét độc đáo và yếu tố chính tạo nên giá trị của cá chép Koi là màu sắc và hình dạng của cá. Carotenoid được xem như là sắc tố quan trọng nhất trong việc làm tăng màu sắc vì chúng không thể tự tổng hợp mà phải lấy từ khẩu phần thức ăn. Vì vậy, một trong những giải pháp cải thiện và duy trì màu sắc đẹp ở cá là bổ sung các thức ăn có chứa carotenoid.

Hiện nay, chất lượng cá chép Koi được bán trong nước còn thấp, do người nuôi chưa làm chủ được công nghệ di truyền và chọn lọc kiểu hình bố mẹ để sản xuất các dòng cá chép Koi có màu sắc đẹp và ổn định. Đồng thời, người nuôi cũng không chú trọng việc bổ sung thức ăn có chứa carotenoid để tăng khả năng miễn dịch, tỷ lệ sống và màu sắc cho cá.

Nhằm khắc phục những hạn chế so với phương pháp nuôi truyền thống, Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển nông nghiệp công nghệ cao đã thực hiện nhiệm vụ “Ứng dụng tiến bộ kỹ thuật trong sản xuất giống cá chép Koi (Cyprinus carpio) kiểu hình Taisho Sanshoku” (thuộc Chương trình “Hỗ trợ chuyển giao mô hình ứng dụng tiến bộ KH&CN, đổi mới sáng tạo trong nông nghiệp” do Sở KH&CN TPHCM triển khai, hỗ trợ kinh phí gần 300 triệu đồng).

A
Ao nuôi cá chép Koi bột. Ảnh: NNC

Sau khi nghiên cứu, hoàn thiện quy trình sản xuất giống cá chép Koi kiểu hình Taisho Shanshoku (một trong ba kiểu hình cá chép Koi phổ biến nhất của Nhật Bản, có đốm hoa văn màu đen xen lẫn trắng, đỏ), Trung tâm đã chuyển giao quy trình sản xuất giống, bổ sung thức ăn lên màu và probiotics vào thức ăn trong ương giống cá chép Koi cho hợp tác xã Nông nghiệp Hữu Cơ Công nghệ cao Phước Hạnh (Củ Chi).

Mô hình sản xuất cá giống cho tỷ lệ thành thục sinh dục và sinh sản của cá nuôi đạt 100%, sinh sản gần 90 ngàn trứng/kg cá cái, tỷ lệ thụ tinh 73,9%, nở 80,3% và tỷ lệ sống của cá bột 88,7%. Trong quá trình ương nuôi cá bột đến 60 ngày tuổi, có bổ sung thức ăn lên màu và probiotics, giúp tỷ lệ sống của cá thương phẩm trên 78%, tỷ lệ cá có kiểu hình Taisho Shanshoku thu được là 52,2%.

Cá chép Koi thương phẩm
Cá chép Koi thương phẩm cho màu sắc đẹp. Ảnh: KH

Đặc biệt, tỷ lệ cá có kiểu hình Taisho Shanshoku đạt chuẩn (màu đỏ phải chiếm khoảng 50 - 70% trên thân cá, hoa văn có sự phân chia rõ ràng giữa màu trắng và màu đỏ) là 6,1% (cách nuôi truyền thống chỉ đạt trên 2%). Khi thu hoạch, cá có chiều dài trung bình 8,63cm và trọng lượng trung bình đạt 60,3g, độ đồng đều cao, màu sắc đẹp, cơ thể cân đối, hoa văn rõ nét, đáp ứng được tiêu chuẩn cá chép Koi trên thị trường hiện nay cũng như xuất khẩu.