Để triển khai mô hình thí điểm áp dụng truy xuất nguồn gốc cho trái thanh long, Trung tâm Mã số mã vạch Quốc gia (Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng) tìm kiếm các doanh nghiệp trong chuỗi cung ứng tham gia dự án.
Trung Quốc đang là một trong những quốc gia tiêu thụ chính của thanh long Việt xuất khẩu khi có tỷ trọng chiếm đến 85,5% trong quý đầu năm nay, đạt kim ngạch 197,55 triệu đô la Mỹ, giảm 34,6% so cùng kỳ năm 2021.
Thống kê của Tổng cục Hải quan cho thấy, quý đầu năm 2022, kim ngạch xuất khẩu thanh long các loại (gồm dạng tươi, đông lạnh, sấy khô, nước ép) đạt xấp xỉ 231 triệu đô la Mỹ, giảm 29,8% so với cùng kỳ năm 2021.
Với một loạt quy định về truy xuất nguồn gốc (TXNG), kiểm soát mã số vùng trồng, mã số cơ sở đóng gói và thêm các Lệnh 248, 249 thì từ ngày 1/1/2022, Trung Quốc đã là thị trường khó tính. Dự báo sắp tới, Trung Quốc sẽ áp dụng kiểm soát dư lượng thuốc bảo vệ thực vật cho các loại trái cây, điều này đặt ra cho các sản phẩm nông sản, trong đó có thanh long những thách thức mới khi xuất khẩu vào thị trường này.
Hỗ trợ doanh nghiệp áp dụng truy xuất nguồn gốc cho trái thanh long. Ảnh minh họa.
Nhằm hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam, đặc biệt là các doanh nghiệp nằm trong chuỗi cung ứng sản phẩm thanh long xuất khẩu, Trung tâm Mã số mã vạch Quốc gia đang thực hiện triển khai mô hình thí điểm áp dụng TXNG hỗ trợ thương mại xuyên biên giới. Dự án hỗ trợ doanh nghiệp áp dụng TXNG trong quản lý an toàn và chất lượng thuộc Chương trình Nông nghiệp bền vững và An ninh lương thực tại các nước Tiểu vùng Mekong của Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB).
Thí điểm nhằm mục đích áp dụng TXNG, minh bạch chuỗi cung ứng nông sản từ đó giảm thiểu rủi ro trong hệ thống cung ứng thực phẩm, đồng thời giải quyết những thách thức của các quy định mới, chặt chẽ hơn về thương mại xuyên biên giới.
Đại diện Trung tâm Mã số mã vạch Quốc gia cho biết, yêu cầu đối với doanh nghiệp tham gia dự án là đơn vị tham gia chuỗi cung ứng sản phẩm thanh long; Có kinh nghiệm tham gia hoặc có các chứng chỉ về GAP, GMP, nông nghiệp hữu cơ, sản xuất an toàn; Quan tâm tới việc tuân thủ tiêu chuẩn, quản lý chất lượng, an toàn thực phẩm, nông nghiệp bền vững và có sự tham gia của các nhân sự trẻ (dưới 35 tuổi).
Doanh nghiệp được lựa chọn tham gia mô hình sẽ được tham gia dự án quốc tế về TXNG, đáp ứng các yêu cầu nhập khẩu của Trung Quốc do ADB phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Khoa học và Công nghệ; Được các chuyên gia quốc tế của ADB hỗ trợ trong việc áp dụng TXNG, nông nghiệp bền vững, vệ sinh an toàn thực phẩm. Ngoài ra còn được ngân hàng ADB hỗ trợ áp dụng hệ thống TXNG theo tiêu chuẩn toàn cầu GS1; Hỗ trợ doanh nghiệp đăng kí mã định danh quốc tế GS1, mã vùng trồng, mã xưởng; Hỗ trợ doanh nghiệp được cấp lại chứng chỉ GAP và tham gia các khóa đào tạo về truy xuất nguồn gốc, an toàn vệ sinh thực phẩm, các yêu cầu về nhập khẩu của Trung Quốc.
Đơn vị triển khai dự án sẽ tiến hành khảo sát, đánh giá chuỗi cung ứng nông sản, từ đó lựa chọn ra 3- 5 doanh nghiệp để triển khai mô hình thí điểm. Đây sẽ là cơ hội giúp các doanh nghiệp trong chuỗi cung ứng sản phẩm thanh long triển khai, áp dụng TXNG, GAP, được đăng ký mã định danh quốc tế và có cơ hội nâng cao khả năng đáp ứng các yêu cầu của thị trường xuất khẩu.
Doanh nghiệp tham gia dự án thí điểm được hỗ trợ toàn bộ kinh phí.