Viện Khí tượng Thủy văn Hải văn và Môi trường đề xuất ứng dụng 15 mô hình sản xuất nông nghiệp thích ứng với xâm nhập mặn tại các địa phương của tỉnh Vĩnh Long.
Tỉnh Vĩnh Long nằm ở trung tâm Đồng bằng sông Cửu Long, được hai dòng sông Tiền Giang và Hậu Giang bồi đắp nên đất đai màu mỡ, nước ngọt quanh năm, hội đủ những điều kiện thuận lợi để phát triển một ngành nông nghiệp toàn diện, đa dạng sản phẩm như lúa gạo, trái cây, gia súc, gia cầm và thủy sản. Khu vực đất liền là vùng tập trung trồng lúa, chuyên canh cây có múi, hoa màu, chăn nuôi gia súc, gia cầm. Khu vực các cù lao chủ yếu trồng cây ăn trái đặc sản và nuôi cá.
Tuy nhiên, Vĩnh Long cũng chịu tác động nhất định bởi xâm nhập mặn (XNM), đe dọa các hoạt động sinh kế nông nghiệp ở vùng sản xuất lúa và vùng chuyên canh cây ăn trái, cây màu, đặc biệt tại huyện Vũng Liêm, Trà Ôn, Mang Thít...
Trên cơ sở phân tích đặc điểm của các mô hình sinh kế nông nghiệp hiện hữu phổ biến tại địa phương, Viện Khí tượng Thủy văn Hải văn và Môi trường đã xem xét 25 mô hình thích ứng với XNM trong bối cảnh biến đổi khí hậu áp dụng có hiệu quả tại khu vực ĐBSCL.
Đồng thời, căn cứ bộ tiêu chí đánh giá tính khả thi của Viện Nước, Tưới tiêu và Môi trường cùng Bộ tiêu chí do CARE Việt Nam đề xuất nhằm xác định các mô hình sinh kế thích ứng với biến đổi khí hậu phù hợp tại ĐBSCL, Viện Khí tượng Thủy văn Hải văn và Môi trường chọn được 15 mô hình thuộc các lĩnh vực trồng trọt, chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản và sản xuất kết hợp... có tính khả thi cao khi áp dụng tại tỉnh Vĩnh Long.
Trong đó có các mô hình như Giảm lượng giống trong sản xuất lúa tại huyện Vũng Liêm; Sản xuất bắp nếp lai cao sản tại huyện Trà Ôn; Trồng dưa hấu trên nền đất lúa thiếu nước tưới tại huyện Mang Thít; Nuôi bò sinh sản chất lượng cao tại huyện Mang Thít; Nuôi cá rô phi vằn thích ứng XNM tại huyện Vũng Liêm; Trồng bưởi da xanh cải tiến kỹ thuật tưới thích ứng hạn mặn; Trồng cam sành trên nền đất lúa chuyển đổi thich ứng XNM; Nuôi tôm càng xanh trong ao nước lợ;….
Qua triển khai thí điểm tại địa phương, các mô hình nói trên cho hiệu quả kinh tế cao và chứng tỏ tiềm năng nhân rộng tại các khu vực có điều kiện tương tự.
Cụ thể như mô hình giảm lượng giống trong sản xuất lúa tại huyện Vũng Liêm, áp dụng áp dụng kỹ thuật bón lót, gieo sạ thưa hợp lý, tưới ngập–khô xen kẽ, bón phân cân đối, giúp nâng cao khả năng chịu mặn của cây lúa, quản lý dịch hại tổng hợp… Qua đó, tiết giảm 20–30% lượng nước tưới mà không ảnh hưởng tới năng suất lúa. So với mô hình trồng theo kinh nghiệm truyền thống, mô hình này cho năng suất 6,3 tấn/ha, cao hơn 0,3 tấn/ha, chi phí thấp hơn 3 triệu/ha, lợi nhuận 11–12 triệu/ha, cao hơn mô hình truyền thống 4–5 triệu/ha.
Mô hình nuôi cá rô phi vằn thích ứng XNM tại huyện Vũng Liêm ở độ mặn < 8‰, nhiệt độ nuôi 14–40oC, được bổ sung dinh dưỡng (các loại vitamin, men tiêu hóa, khoáng chất…) nhằm tăng cường sức đề kháng cho cá. Tính cho một vụ nuôi trên diện tích 1.000 m2 , tỉ lệ sống đạt 85%, trọng lượng thu hoạch 0,45– 0,5 kg/con, sản lượng 3,6–4,5 tấn, chi phí khoảng 54 triệu, lợi nhuận 25–26 triệu.
Mô hình trồng dưa hấu trên nền đất lúa thiếu nước tưới tại huyện Mang Thít, sử dụng giống Mặt trời đỏ, Ánh Dương và SG 227… có rễ mọc sâu, chịu hạn khá, phù hợp canh tác trên đất lúa thiếu nước, hiệu quả thấp trong điều kiện hạn mặn. Vụ Hè Thu tận dụng đất lúa bỏ hoang, thời tiết phù hợp, giảm áp lực nước tưới so với lúa và cây trồng khác. Đồng thời, sử dụng màng phủ nông nghiệp hạn chế sự bốc hơi qua mặt đất, qua đó hạn chế hiện tượng dậy phèn và XNM. Kết quả, năng suất đạt 19 tấn/ha, cao hơn 0,5 tấn/ha; chi phí đầu tư 79,8 triệu/ha; lợi nhuận đạt 53,1 triệu/ha, cao hơn 3,5 triệu/ha so với mô hình không áp dụng các phương pháp trên.
Đối với mô hình nuôi bò sinh sản chất lượng cao tại huyện Mang Thít, sử dụng giống bò cái sinh sản trên nền cái Lai Sind, Brahman, Droughtmaster, Charolais và Red Angus, chịu hạn mặn tốt (< 7‰), dễ chăm sóc. Tính cho chu kỳ nuôi 7 năm, mỗi con bò cái cho thu nhập 7–8 triệu đồng/năm. Lợi nhuận càng cao nếu chu chuyển đàn bê cái tiếp tục nuôi sinh sản.
Đề tài “Nghiên cứu mô hình đa dạng hóa sinh kế thích ứng với xâm nhập mặn trong bối cảnh biến đổi khí hậu tại tỉnh Vĩnh Long” do Viện Khí tượng Thủy văn Hải văn và Môi trường thực hiện, đã được Sở KH&CN Vĩnh Long nghiệm thu với kết quả đạt yêu cầu.