Dòng chảy mùa khô năm 2023 tiếp tục sụt giảm, dự báo xâm nhập mặn lớn nhất mùa khô năm nay vào cuối tháng 2 đến tháng 3. Xâm nhập mặn trên các sông chính tại ĐBSCL sẽ vào sâu hơn so với trung bình nhiều năm.
Theo Viện Khoa học thủy lợi miền Nam, nguồn nước về ĐBSCL phụ thuộc vào sự vận hành của thủy điện thượng nguồn sông Mekong. Dự báo dòng chảy về Đồng bằng giảm nhanh các tháng đầu mùa kiệt, mặn đã lên sớm ở tháng 12/2022 và tiếp tục tăng cao trong tháng 2,3/2023.
Tổng lưu lượng trung bình ngày về ĐBSCL qua hai trạm Tân Châu và Châu Đốc trong tháng 2/2023 được nhận định sẽ biến động theo xu hướng giảm dần từ khoảng 6.000m3/s xuống 4.500m3/s... Mặn nồng độ 1g/l được nhận định vào sâu nhất trên sông Hậu, sông Tiền và sông Vàm Cỏ Tây sâu hơn từ 3- 7km, còn độ mặn 4g/l vào sâu hơn từ 4- 6km so với trung bình nhiều năm. Nền dòng chảy mùa khô năm 2023 tiếp tục sụt giảm, mặn sẽ xâm nhập mạnh hơn vào nội đồng, sâu nhất trong cuối tháng 2 đến tháng 3.
Cụ thể, vùng giữa ĐBSCL, bao gồm phần đất thuộc TP Cần Thơ, tỉnh Tiền Giang, Long An, Kiên Giang, Hậu Giang, Đồng Tháp, tỉnh Vĩnh Long và vùng được kiểm soát mặn ở Bạc Liêu, Sóc Trăng, Trà Vinh, Bến Tre, cùng các vùng ven Sông Tiền, Sông Hậu có thể còn bị ảnh hưởng bởi triều cường từ 19/2-23/2/2023. Tháng 2 mặn với nồng độ 4g/l có thể xâm nhập sâu 45-60 km, nếu thượng lưu vận hành xả nước bất thường có thể làm mặn vào sâu 50-65 km làm ảnh hưởng đến việc lấy nước của các cống lấy nước.
Đối với vùng ven biển ĐBSCL (Long An, Bến Tre, Trà Vinh, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cà Mau và tỉnh Kiên Giang), được xem là có thể bị ảnh hưởng đến sản xuất cả mặn và ngọt ở vùng này. Mặn bất thường, hạn hán thiếu nước có thể xảy ra ở các vùng chưa có hoàn chỉnh hệ thống kiểm soát mặn. Tháng 2 mặn vào sâu 45-60 km, từ tháng 3 mặn gia tăng chủ yếu khu vực sông Vàm Cỏ, mặn có thể xâm nhập 65-75 km.
Vì vậy, Viện Khoa học thủy lợi miền Nam khuyến nghị, các địa phương cần tăng cường công tác giám sát mặn, vận hành hợp lý các công trình kiểm soát mặn, kiểm tra độ mặn trước khi lấy nước tưới, sử dụng nước tiết kiệm, tranh thủ tích ngọt khi có thể, đề phòng mặn còn tiếp tục dâng cao hơn ở các kỳ triều cường giai đoạn 5-9/3 và 21-25/3.