Thỏa thuận quốc tế này sẽ giúp Việt Nam đẩy thời gian đạt đỉnh phát thải khí nhà kính dự kiến từ năm 2035 lên 2030 và tăng tốc việc chuyển dịch từ nhiên liệu hóa thạch sang năng lượng sạch.

Công nhân kiểm tra, nghiệm thu đường dây trước khi đóng điện | Ảnh: EVN
Công nhân kiểm tra, nghiệm thu đường dây trước khi đóng điện | Ảnh: EVN

Ngày 14/12, các nhà lãnh đạo Việt Nam và Nhóm đối tác Quốc tế - gồm Liên minh Châu Âu, Vương quốc Anh, Pháp, Đức, Mỹ, Ý, Canada, Nhật Bản, Na Uy và Đan Mạch đã ký thỏa thuận Đối tác Chuyển dịch Năng lượng Công bằng (Just Engergy Transition Partnership - JETP).

Theo thỏa thuận, JETP sẽ huy động 15,5 tỷ USD từ khối tư nhân và chính phủ trong 3 đến 5 năm tới để hỗ trợ quá trình chuyển dịch xanh và công bằng của Việt Nam.

Con số này bao gồm cam kết 7,75 tỷ USD từ khu vực công theo các điều khoản hấp dẫn hơn mức mà Việt Nam có thể đảm bảo trên thị trường vốn. Khoản này do Nhóm đối tác Quốc tế (IPG), Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) và Công ty Tài chính Quốc tế (IFC) đảm nhiệm.

Bên cạnh đó là khoản đối ứng từ khu vực tư nhân trị giá ít nhất 7,75 tỷ USD do một nhóm liên minh các ngân hàng có tên Liên minh Tài chính Glasgow hướng tới mục tiêu Cân bằng Phát thải (GFANZ) cam kết huy động. Khoản đối ứng có thể tăng hoặc giảm, tùy thuộc vào kết quả của việc huy động tài chính từ khu vực công.

Thỏa thuận JETP sẽ hỗ trợ Việt Nam đạt các mục tiêu mới như sau:
  • Đẩy nhanh thời gian đạt đỉnh phát thải khí nhà kính dự kiến từ năm 2035 lên 2030.
  • Giảm tới 30% phát thải hằng năm của ngành điện từ 240 triệu tấn xuống 170 triệu tấn và đẩy nhanh đỉnh phát thải sớm thêm 5 năm, vào năm 2030.
  • Giới hạn công suất điện than của Việt Nam ở mức 30.2 GW từ mức kế hoạch dự kiến là 37 GW.
  • Đẩy nhanh triển khai năng lượng tái tạo để nguồn năng lượng này chiếm ít nhất 47% tổng sản lượng điện vào năm 2030, tăng từ mức kế hoạch 36% hiện tại.
Kế hoạch này được kỳ vọng sẽ giúp Việt Nam giảm tổng cộng 200 triệu tấn phát thải khí nhà kính vào năm 2030, giảm thêm 300 triệu tấn vào năm 2035, và tiếp tục giảm phát thải nhiều hơn vào các năm sau đó.

Bảo đảm công bằng

Đảm bảo công bằng trong quá trình chuyển dịch khỏi nhiên liệu hóa thạch là trọng tâm của JETP. Điều này không chỉ giúp Việt Nam đạt các mục tiêu về khí hậu mà còn giảm các tác động của ô nhiễm, thúc đẩy phát triển kinh tế và tạo ra công ăn việc làm.

JETP lưu ý rằng quá trình chuyển đổi ở Việt Nam nên đi kèm với các chương trình đào tạo và đào tạo lại, nâng cao kỹ năng, tạo việc làm và các hình thức hỗ trợ khác cho người lao động trong các lĩnh vực và khu vực bị ảnh hưởngbởi sự chuyển dịch này để họ có thể hưởng lợi từviệc chuyển đổi năng lượngvà tạo ra việc làm xanh có chất lượng. Ngoài ra, việc tiếp cận điện phải duy trì giá cả phải chăng và đáng tin cậy cho tất cả người dân, đặc biệt đối với các nhóm bị ảnh hưởng, dễ bị tổn thương và thu nhập thấp.

JETP cũng đề cập, để quá trình chuyển đổi diễn ra công bằng và bình đẳng, cần có sự tham vấn thường xuyên với các cơ quan truyền thông, tổ chức phi chính phủ và các bên liên quan khác để đảm bảo sự đồng thuận trong xã hội.

Theo Tuyên bố Chính trị chung của thỏa thuận JETP, với sự hỗ trợ của các nước đối tác, Việt Nam sẽ xây dựng Kế hoạch Huy động Nguồn lực JETP trước tháng 11/2023, nêu chi tiết về cách chi tiêu số tiền 15,5 tỷ USD. Bản kế hoạch này cũng xác định các yêu cầu và cơ hội đầu tư mới trong việc các lĩnh vực: điện gió, điện mặt trời, truyền tải điện, hiệu quả năng lượng, lưu trữ năng lượng, xe điện, đào tạo, đào tạo lại và đào tạo nghề để làm việc, ...

Đồng thời, Kế hoạch còn đưa ra các biện pháp nhằm tạo thuận lợi cho việc đầu tư để thực hiện quá trình chuyển đổi năng lượng công bằng.

Phần lớn các khoản tài chính là vốn vay

Không có thông tin về việc chính phủ nào sẽ cung cấp dạng vốn gì cho Việt Nam nhưng theoReuters, một phần nhỏ trong thỏa thuận là tiền tài trợ (grants), trong khi phần lớn đầu tư công sẽ là các khoản vay (loans).

Việt Nam là nước thứ ba ký thỏa thuận JETP - sau Nam Phi (10/2021) và Indonesia (11/2022), trong đó Nam Phi được hứa hẹn 8,5 tỷ USDdưới hình thức các khoản tài trợ, cho vay ưu đãi, đầu tư và nhiều công cụ chia sẻ rủi ro, bao gồm cả việc huy động vốn từ khu vực tư nhân.

Một bản tóm tắt các bên huy động vốn cho Nam Phi tiết lộ rằng: chỉ có 2,7% trong tổng số tiền họ được cam kết là tài trợ, 97% còn lại dưới dạng cho vay. Trong số các khoản vay, 54% là khoản vay ưu đãi và 43% là khoản vay thương mại kết hợp với bảo lãnh đầu tư để thu hút các nhà đầu tư tư nhân. Nhìn chung, có vẻ như chưa đến 1% được trực tiếp dành cho các khoản đầu tư xã hội (ví dụ, bảo trợ xã hội cho người lao động, đào tạo lại...)

Tổng thống Nam Phi Cyril Ramaphosa nói rằng mặc dù thỏa thuận JETP là "lịch sử", nhưng tài trợ nên chiếm tỷ lệ lớn hơn, thay vì các khoản vay ưu đãi hoặc vay thương mại có thể làm tăng gánh nặng nợ của các nước đang phát triển. Ông cũng nói rằng thỏa thuận sẽ chỉ đáp ứng một phần nhỏ nhu cầu của đất nước. Theo kế hoạch, Nam Phi cần khoảng 98 tỷ USD trong 5 năm tới để bắt đầu quá trình chuyển đổi năng lượng kéo dài 20 năm.

Thỏa thuận với Indonesia hứa hẹn 20 tỷ USD (trong đó một nửa đến từ khu vực tài chính công) để đóng cửa các nhà máy điện than và dịch chuyển đỉnh phát thải của quốc gia này sớm lên 7 năm vào năm 2030.

Thỏa thuận tài chính của Indonesia do Mỹ và Nhật Bản dẫn dắt, bao gồm các khoản tài trợ, cho vay ưu đãi, cho vay theo tỷ lệ thị trường, bảo lãnh và đầu tư tư nhân. Một số người ở Indonesia cũng lo ngại thỏa thuận này có thể sẽ nghiêng nặng về vốn vay và như thế sẽ khiến JETP thất bại trong việc hỗ trợ những yếu tố quan trọng nhất của quá trình chuyển dịch. Tuy nhiên, một số khác cho rằng việc phác thảo kế hoạch sử dụng số vốn như thế nào mới là chìa khóa cho thành công của mối quan hệ đối tác JETP - Indonesia.

Nhóm đối tác quốc tế cũng đang làm việc với Ấn Độ để có thể ký kết thỏa thuận tương tự vào năm tới.

Lãnh đạo thế giới nói về thỏa thuận JETP với Việt Nam

Chủ tịch Ủy ban Châu Âu Ursula von der Leyen:

"Với thỏa thuận JETP, Việt Nam và các đối tác quốc tế do EU và Vương quốc Anh dẫn đầu đang nhắm tới việc chứng minh rằng những nền kinh tế mới nổi và tăng trưởng nhanh có thể thực hiện thành công quá trình chuyển đổi năng lượng sạch. Việc tăng cường sử dụng năng lượng tái tạo cũng sẽ thúc đẩy an ninh năng lượng và quyền tự chủ của Việt Nam."

"Đến năm 2030, thỏa thuận JETP [với Việt Nam] có thể giúp giảm phát thát hằng năm tương đương với tổng phát thải của 6 quốc gia thành viên EU. Cam kết của JETP sẽ giúp Việt Nam trang bị một ngành năng lượng hiện đại của thế kỷ 21, tiếp thêm sinh lực cho quá trình hiện đại hóa nền kinh tế. Chúng tôi rất vui khi được trở thành một phần của Quan hệ Đối tác đột phá này.”

Thủ tướng Anh Rishi Sunak:

"Mô hình thỏa thuận JETP là nhân tố thay đổi cuộc chơi trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu – sử dụng viện trợ quốc tế để khai thông hàng tỷ đô la tài chính tư nhân. Việt Nam là một nền kinh tế mới nổi, năng động ở trung tâm Đông Nam Á. Khoản đầu tư mà chúng ta đang thực hiện ngày hôm nay sẽ giúp Việt Nam có thể cắt giảm phát thải mà vẫn đồng thời tạo ra việc làm và tăng trưởng mới".

Thủ tướng Canada Justin Trudeau:

"JETP là một hình mẫu cho thấy các bên đóng góp có thể làm việc với những đối tác như Việt Nam để hành động hướng tới năng lượng sạch hơn. Canada sẽ tiếp tục là một đối tác gắn kết cho quá trình chuyển dịch năng lượng sạch và loại bỏ dần việc sử dụng than ở Việt Nam. Đó cũng vì lợi ích tốt nhất để có được tương lai năng lượng sạch và bao trùm ở khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương".

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron:

“Pháp và Liên minh Châu Âu đang theo đuổi những cam kết mạnh mẽ để giảm nhẹ biến đổi khí hậu bằng việc hỗ trợ đẩy nhanh quá trình chuyển dịch năng lượng công bằng ở Việt Nam. Đóng góp của Pháp là một phần của việc hợp tác song phương lâu dài. [Pháp] sẽ hỗ trợ trong việc lập kế hoạch năng lượng, xây dựng năng lực và phát triển hệ thống lưới điện, đồng thời phát triển năng lượng tái tạo".

Thủ tướng Đức Olaf Scholz:

"Thỏa thuận JETP với Việt Nam sẽ hỗ trợ thực hiện các mục tiêu đầy tham vọng về khí hậu và tăng đáng kể năng lượng tái tạo đến năm 2030, đó là một nỗ lực chung nhằm đạt được mục tiêu 1,5°C. Quan hệ đối tác nghĩa là chúng ta sẽ cùng làm với Việt Nam để đảm bảo rằng quá trình chuyển dịch cần thiết này sẽ diễn ra công bằng và bao trùm. Đức sẽ chủ động hỗ trợ Việt Nam đạt được các mục tiêu mới".

Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida Fumio:

"Nhật Bản đã và đang giúp Việt Nam khử carbon thông qua những dự án về năng lượng tái tạo và hoan nghênh tham vọng của Việt Nam đẩy nhanh quá trình chuyển dịch năng lượng công bằng để đạt được phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050. Nhật Bản tự hào là một thành viên của JETP. Quan hệ đối tác này sẽ thúc đẩy hoạt động phát thải thấp và phát triển thích ứng với biến đổi khí hậu ở Việt Nam,phối hợp với các nước đối tác và tăng cường sự tham gia của khu vực tư nhân.”

Thủ tướng Na Uy Jonas Gahr Støre:

“Na Uy tự hào là một phần của JETP và hỗ trợ Việt Nam đẩy nhanh quá trình chuyển dịch năng lượng. Chúng tôi tin rằng việc này sẽ huy động được nguồn tài chính cần thiết từ khu vực tư nhân để đẩy nhanh việc chuyển dịch tham vọng từ than sang năng lượng tái tạo.”

Tổng thống Mỹ Joe Biden:

"Việt Nam đang vạch ra một tương lai năng lượng sạch đầy tham vọng nhằm đảm bảo an ninh năng lượng và quyền tự chủ bằng cách cam kết tham gia JETP. Mỹ rất vui mừng được trở thành đối tác của Việt Nam trong lĩnh vực năng lượng xanh, thông qua USAID, chúng tôi đã cam kết 50 triệu USD sẽ được giải ngân trong vòng 5 năm."

"Cam kết mang tính lịch sử của Việt Nam về tăng cường năng lượng tái tạo đồng thời giảm sử dụng than đá và phát thải sẽ thúc đẩy đầu tư, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và tạo ra cơ hội cho người dân Việt Nam, đồng thời thúc đẩy cuộc chiến chống khủng hoảng khí hậu toàn cầu. Cùng nhau, chúng ta sẽ đạt được mức phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050!”

Tổng thư ký Liên Hợp Quốc António Guterres:

"Với thỏa thuận này, Việt Nam đang đi đầu trong việc xây dựng một mô hình hợp tác mới nhằm đạt được việc chuyển dịch năng lượng công bằng, bao trùm thông qua năng lượng tái tạo. Các cam kết đối tác này là một công cụ quan trọng để giảm phát thải trong thập kỷ 2020 mà thế giới đang cần. Chúng ta cần chung tay để thực hiện việc chuyển dịch năng lượng có tính toàn cầu, công bằng, bao trùm và hợp lý. Liên Hợp Quốc sẵn sàng tiếp tục hỗ trợ các quan hệ đối tác như thế này và tất cả những nỗ lực hợp tác khác".