Trong giai đoạn 2014-2018, số nhiệm vụ KH&CN được thương mại hóa thành công tại TPHCM chiếm 13% tổng số nhiệm vụ đã được nghiệm thu - theo bà Nguyễn Thị Thu Sương, quyền Trưởng phòng Quản lý Khoa học – Sở KH&CN TPHCM.
Trong khi đó, kết quả khảo sát cho thấy, 37% số nhiệm vụ được nghiệm thu trong giai đoạn này đã sẵn sàng chuyển giao - bà Sương phát biểu tại hội thảo “Triển khai các giải pháp thương mại hóa, đưa kết quả nghiên cứu, tài sản trí tuệ được tạo ra từ ngân sách nhà nước vào sản xuất, kinh doanh” do Sở KH&CN TPHCM tổ chức ngày 3/10. Đến thời điểm hiện tại, tỷ lệ thương mại hóa thành công giảm còn 5%. Trong số các doanh nghiệp khởi nghiệp tại TPHCM, số doanh nghiệp khởi nguồn từ viện nghiên cứu, trường đại học (spin-off) cũng chiếm tỷ lệ rất thấp, chỉ khoảng 5%. Tính chung cả hai nhóm, tỷ lệ các đề tài nghiên cứu khoa học có khả năng thương mại hóa khá cao (50%), tuy nhiên việc đưa các kết quả nghiên cứu khoa học có tiềm năng ra thị trường không hề dễ dàng.
Bà Sương cho rằng, một số nguyên nhân làm hạn chế việc thương mại hóa kết quả nghiên cứu, đó là TPHCM có hơn 95% là các doanh nghiệp vừa và nhỏ, siêu nhỏ nên nguồn lực đầu tư còn khiêm tốn. Bên cạnh đó, Thành phố còn thiếu các tổ chức hỗ trợ thương mại hóa, chuyển giao công nghệ công lập mạnh, làm cầu nối giữa trường viện và doanh nghiệp. Nhiều doanh nghiệp chưa thật sự tin tưởng vào nghiên của của các viện trường và các chính sách của nhà nước. Ngoài ra, Nghị định số 70/2018/NĐ-CP về Quy định việc quản lý, sử dụng tài sản được hình thành thông qua việc triển khai thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ sử dụng vốn nhà nước, đã gây không ít khó khăn (giao quyền sở hữu và hoàn trả giá trị tài sản, xem kết quả nghiên cứu như tài sản công,…) cho việc thương mại hóa kết quả nghiên cứu.
PGS.TS Phạm Đình Anh Khôi, Giám đốc Trung tâm Ươm tạo Doanh nghiệp Công nghệ, Trường ĐH Bách khoa TPHCM, cho biết, giai đoạn 2014 – 2023, tỷ lệ hợp đồng chuyển giao công nghệ của trường Đại học Bách khoa TPHCM chiếm 6% trong tổng số các hợp đồng chuyển giao công nghệ và dịch vụ. “Chưa có tài sản trí tuệ nào của nhà trường được khai thác thương mại một cách triệt để và hiệu quả”, ông Khôi chia sẻ và cho rằng, nguyên nhân của tình trạng này là do chưa định giá được kết quả nghiên cứu trong các nhiệm vụ KH&CN. Bên cạnh đó, chưa thống nhất phân chia lợi nhuận giữa tổ chức sở hữu, tác giả, tổ chức trung gian, quy trình thực hiện nhiệm vụ KH&CN còn phức tạp,… cũng là những hạn chế việc thương mại hóa kết quả nghiên cứu.
Trong bối cảnh đó, bà Sương cho biết Sở KH&CN TPHCM đang xây dựng đề án “Thí điểm chính sách tạo động lực thương mại hóa, đưa nhanh kết quả nghiên cứu, tài sản trí tuệ được tạo ra từ ngân sách nhà nước vào sản xuất, kinh doanh”.
Đề án là hoạt động cụ thể hóa nội dung ký kết hợp tác giữa Ban cán sự Đảng Bộ KH&CN và Ban thường vụ Thành ủy TPHCM vào ngày 2/3/2024. Mục tiêu của đề án là có tối thiểu 10 sản phẩm KH&CN được thương mại hóa trong giai đoạn đầu thí điểm; hình thành ít nhất năm quan hệ hợp tác chặt chẽ giữa viện, trường - nhà nước - doanh nghiệp; số lượng tài sản trí tuệ hình thành từ kết quả nghiên cứu KH&CN sử dụng ngân sách Nhà nước được chuyển giao và thương mại hóa đạt 10 - 15%.
Thành phố sẽ ưu tiên hỗ trợ các kết quả nghiên cứu có tiềm năng thương mại hóa cao trong các lĩnh vực công nghệ thông tin, y dược, nông nghiệp công nghệ cao... Đồng thời, thiết lập nguồn kinh phí hỗ trợ cho hoạt động thương mại hóa từ ngân sách, quỹ phát triển KH&CN. Nguồn kinh phí hỗ trợ này được coi như vốn mồi tạo động lực cho doanh nghiệp thực sự muốn đầu tư vào KH&CN.
Ngoài ra, đề án còn hỗ trợ tư vấn pháp lý, sở hữu trí tuệ và thương mại hóa cho các đơn vị nghiên cứu và doanh nghiệp.