Các tỉnh chịu ảnh hưởng mạnh của biến đổi khí hậu (BĐKH) có số lượng người di cư thuần âm (tức là số người ra đi nhiều hơn số người đến); các tỉnh ít chịu tác động bởi biến đổi khí hậu có di cư thuần dương ở cả Đồng bằng sông Hồng (ĐBSH) và Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL).

Hiện tượng di cư vì biến đổi khí hậu đang diễn ra ở một số tỉnh tại Việt Nam. Ảnh: B.L
Hiện tượng di cư vì biến đổi khí hậu đang diễn ra ở một số tỉnh tại Việt Nam. Ảnh: B.L

Đó là một trong những thông tin nổi bật từ nghiên cứu “Di cư nội địa ở ĐBSH và ĐBSCL: Vấn đề hiện nay và hàm ý chính sách” do Viện Phát triển Bền vững (thuộc Trường Đại học Kinh tế Quốc dân) và Chương trình Phát triển Liên Hợp Quốc (UNDP) tại Việt Nam thực hiện.

Báo cáo nghiên cứu phân loại ĐBSH có các tỉnh bị ảnh hưởng mạnh bởi của biến đổi khí hậu gồm Quảng Ninh, Hải Phòng, Thái Bình, Nam Định, Ninh Bình; còn ĐBSCL đều bị ảnh hưởng của BĐKH nhưng có nhóm ảnh hưởng mạnh hơn (An Giang, Kiên Giang, Hậu Giang, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cà Mau) và nhẹ hơn (Long An, Tiền Giang, Bến Tre, Trà Vinh, Vĩnh Long, Đồng Tháp, Cần Thơ).

Phân tích cho thấy các tỉnh chịu tác động lớn của biến đổi khí hậu ở ĐBSH có số người di cư thuần âm – nghĩa là nơi đi của người di cư - trung bình là 1,9 nghìn người/tỉnh, ở ĐBSCL là 9,8 nghìn người/tỉnh.

Ngược lại, các tỉnh ít chịu biến đổi khí hậu có số người di cư thuần dương – nghĩa là điểm đến của người di cư - trung bình 11 nghìn người/tỉnh ở ĐBSH. Tỉnh chịu tác động lớn của biến đổi khí hậu là điểm đi của di cư. Còn các tỉnh ít chịu tác động của biến đổi khí hậu ở ĐBSH là điểm đến của di cư.

Đăng số 1312 (số 40/2024) KH&PT