UBND TPHCM vừa ban hành Quyết định số 3686/QĐ-UBND ngày 6/9/2024, phê duyệt “Chương trình Phát triển công nghiệp vi mạch TPHCM tại Khu Công nghệ cao giai đoạn 2025 – 2030”.

Mục tiêu của Chương trình nhằm phát triển công nghiệp vi mạch bán dẫn TPHCM với hạt nhân là Khu Công nghệ cao, có đủ năng lực tham gia vào các khâu có giá trị gia tăng cao trong chuỗi giá trị ngành vi mạch bán dẫn toàn cầu. Đến năm 2030, Khu Công nghệ cao trở thành một trung tâm nghiên cứu, phát triển ngành công nghiệp vi mạch bán dẫn của quốc gia, có hệ sinh thái vi mạch bán dẫn mạnh.

Cụ thể, Chương trình đặt ra yêu cầu mở rộng quy mô, chất lượng, hình thức chương trình đào tạo cho nhân lực vi điện tử. Trong đó, đào tạo chuyên sâu về các quy trình chế tạo vi mạch bán dẫn cho khoảng 120 giảng viên, nhà nghiên cứu; đào tạo ngắn hạn, đào tạo chuyển tiếp, đào tạo nâng cao, đào tạo lại cho ít nhất 1.200 học viên theo tiêu chuẩn quốc tế hoặc theo nhu cầu doanh nghiệp.

Về ươm tạo doanh nghiệp, phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp trong lĩnh vực vi mạch bán dẫn, Vườn ươm Doanh nghiệp Công nghệ cao sẽ được nâng cấp thành Trung tâm Đổi mới sáng tạo, thúc đẩy hình thành hệ sinh thái khởi nghiệp cho các doanh nghiệp nghiên cứu thiết kế lõi vi mạch mềm và phát triển vi mạch Việt Nam.

Bên cạnh đó, Chương trình đặt mục tiêu thu hút 60 dự án ươm tạo, tốt nghiệp cho năm doanh nghiệp Việt Nam trong lĩnh vực công nghiệp điện tử - vi mạch; 100% các dự án ươm tạo có đăng ký sở hữu trí tuệ. Trong đó, tập trung vào vi mạch trí tuệ nhân tạo, vi mạch xử lý dữ liệu thông minh, vi mạch truyền thông bảo mật phục vụ cho chuyển đổi số và xây dựng đô thị thông minh, sản phẩm công nghệ cao và sản phẩm chủ lực có sử dụng lõi vi mạch mềm hoặc các vi mạch được thiết kế trong nước.

Nghiên cứu về công nghệ vi cơ điện tử (MEMS) tại Khu CNC TPHCM.  Ảnh
Nghiên cứu về công nghệ vi cơ điện tử (MEMS) tại Khu CNC TPHCM. Ảnh: Internet

Ngoài ra, phát triển ít nhất 60 sở hữu trí tuệ/lõi IP hoặc có thể xuất khẩu các sản phẩm chủ lực của Việt Nam ra thế giới; và phát triển ít nhất hai doanh nghiệp lĩnh vực thiết kế vi mạch và phát triển sản phẩm, trên các vi mạch Việt có khả năng cạnh tranh với các công ty thiết kế nước ngoài.

Các đơn vị nghiên cứu tập trung thiết kế và chế tạo thành công loại linh kiện điện tử công suất như Mosfet hoặc Transistor ứng dụng trong lĩnh vực điều khiển công suất. Đây là cơ sở xây dựng được quy trình và các thông số chế tạo chuẩn làm cơ sở thiết kế và chế tạo các linh kiện vi mạch bán dẫn phức tạp sau này.

Để thực hiện các mục tiêu nói trên, TPHCM sẽ nghiên cứu thành lập Quỹ Phát triển (nguồn nhân lực thiết kế) vi mạch quy mô 5 triệu USD, đào tạo nâng cao kỹ năng cho khoảng 40 ngàn kỹ sư từ nay đến năm 2030 (tương đương khoảng 6 ngàn kỹ sư/năm).

Ngoài ra, hình thành Trung tâm xuất sắc về vi mạch bán dẫn, cảm biến MEMS (vi cơ điện tử) thuộc Trung tâm Nghiên cứu triển khai Khu Công nghệ cao, phát triển nhóm nghiên cứu chủ lực về thiết kế/chế tạo cảm biến MEMS và vi mạch bán dẫn.

Đồng thời, triển khai các nhiệm vụ KH&CN nhằm nghiên cứu thiết kế, chế tạo và làm chủ được công nghệ từ khâu thiết kế đến chế tạo 5 loại cảm biến môi trường quan trọng, bao gồm cảm biến khí NO, NO2, CO, SO2 và bụi mịn bằng công nghệ MEMS; chế tạo bốn loại cảm biến quan trắc sạt lở, bao gồm: cảm biến đo độ nghiêng, cảm biến đo Strain Gauges, cảm biến đo độ rung, cảm biến đo độ ẩm.