Phiên họp thứ 36 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội vào sáng ngày 20/8 đã bàn luận về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tiêu chuẩn và Quy chuẩn kỹ thuật.

Là một luật có phạm vi áp dụng rộng, liên quan đến hầu khắp các lĩnh vực của đời sống xã hội, Luật Tiêu chuẩn và Quy chuẩn kỹ thuật đang bộc lộ một số điểm bất cập, cần được sửa đổi để phù hợp hơn với bối cảnh. Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh đánh giá, hoạt động xây dựng tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật của Việt Nam thời gian qua chưa được hoạch định và thực hiện một cách tổng thể. Công tác xây dựng tiêu chuẩn, quy chuẩn Việt Nam của một số bộ, ngành vẫn còn chồng chéo, trùng đối tượng tiêu chuẩn Việt Nam, quy chuẩn Việt Nam.

Một số ý kiến khác tại phiên họp cũng lưu ý, việc sửa đổi cần chú ý đến sự tương thích của các điều khoản các cam kết, các điều ước quốc tế mà Việt Nam đã ký kết hoặc là thành viên về các vấn đề liên quan đến hàng rào kỹ thuật liên quan, đến các Hiệp định Thương mại tự do thế hệ mới (FTA). Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh cũng cho rằng, việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tiêu chuẩn và Quy chuẩn kỹ thuật phải góp phần nâng cao sức cạnh tranh, tham gia vào hội nhập kinh tế, tham gia vào các Hiệp định FTA.

Để đảm bảo chất lượng dự án Luật trình Quốc hội, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải đề nghị lưu ý tập trung một số vấn đề sau: tiếp tục rà soát, thể chế hóa đầy đủ các chủ trương của Đảng, đặc biệt là Chỉ thị 38 của Ban Bí thư về đáp ứng yêu cầu hội nhập kinh tế quốc tế, phù hợp với các cam kết quốc tế; rà soát phạm vi sửa đổi và để xử lý triệt để các bất cập hiện nay, tiếp tục đánh giá đầy đủ tác động của việc thực hiện các cam kết quốc tế, cụ thể thêm các quy định để đáp ứng các cam kết quốc tế về tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật, quy định về nghĩa vụ minh bạch hóa trong các Hiệp định; nghiên cứu, tiếp thu, điều chỉnh, bổ sung theo ý kiến của cơ quan thẩm tra về trách nhiệm xây dựng, thẩm định, công bố, thông báo áp dụng Tiêu chuẩn quốc gia về việc áp dụng trình tự, thủ tục rút gọn; rà soát để đảm bảo thống nhất trong nội tại của Luật và xử lý mâu thuẫn, chồng chéo với các luật khác để đảm bảo tính đồng bộ, thống nhất của hệ thống pháp luật, nhất là bốn bộ luật và 98 luật có liên quan, trong đó các luật đang trình Quốc hội sửa đổi.