Nghiên cứu mới của TS. Lưu Quỳnh Hương (Viện Thú y) và các cộng sự ở cơ quan Sức khỏe Động vật và thực vật Anh đã cho thấy sự phổ biến của vi khuẩn gây tiêu chảy Campylobacter trong thịt gà bán lẻ tại Hà Nội và tình trạng kháng thuốc của nó.

Thịt gà tại các chợ truyền thống có nguy cơ cao nhiễm khuẩn Campylobacter . Ảnh minh họa.
Thịt gà tại các chợ truyền thống có nguy cơ cao nhiễm khuẩn Campylobacter . Ảnh minh họa.

Từ lâu, Campylobacter là nguyên nhân gây ra nhiễm trùng tại ruột non và thường được liên kết với trạng thái ngộ độc thực phẩm, dẫn đến tiêu chảy ở trẻ em và người lớn.

Phần lớn nguồn gây bệnh campylobacter là từ thịt gà chưa qua chế biến hoặc chưa nấu chín trong khi thịt gà là nguồn thịt quan trọng thứ hai sau thịt lợn ở Việt Nam với lượng tiêu thụ tăng gần gấp đôi từ năm 2015 đến năm 2020. Tuy vậy, dữ liệu về sự xuất hiện, tình trạng kháng kháng sinh, sự đa dạng hệ gene của Campylobacter ở gà nuôi và thịt gà vẫn còn ít ỏi.

Do đó, các nhà nghiên cứu đã khảo sát sự lưu hành của Campylobacter trên thịt gà bán lẻ ở Hà Nội thông qua 120 mẫu thịt gà thu thập ở 8 chợ truyền thống và 4 siêu thị.

Kết quả, phát hiện Campylobacter tại cả chợ lẫn siêu thị với 38,3% mẫu chứa Campylobacter, trong đó tỷ lệ ở các chợ cao hơn đáng kể so với siêu thị, lần lượt là 47,5% và 20%.

Chủng Campylobacter coli phổ biến nhất ở cả chợ (74%) và siêu thị (88%).

Các nhà nghiên cứu cho rằng, sự khác biệt về tỷ lệ lưu hành giữa chợ và siêu thị có thể là do một hoặc nhiều yếu tố như nguồn và loại gia cầm, phương thức giết mổ, chế biến, bảo quản và thực hành vệ sinh...

Tất cả các chủng Campylobacter đều kháng với các loại kháng sinh phổ biến như ciprofloxacin, nalidixic acid, tetracycline. Phần lớn C. coli đều kháng đa thuốc và chứa gene kháng erythromycin (ermB) trên đảo hệ gene đa kháng, một cơ chế tiềm năng dẫn đến kháng thuốc.

Kết quả được nêu trong bài báo “Prevalence, antibiotic resistance, and genomic characterisation of Campylobacter spp. in retail chicken in Hanoi, Vietnam”, xuất bản trên tạp chí Microbial Genomics.