Bà Nguyễn Thị Ngọc Tĩnh – Phó Trưởng phòng Sinh học thực nghiệm - cho biết, tính mới của công nghệ là tạo ra chế phẩm vi sinh có hiệu quả kép. Các chủng vi sinh vật tạo nên chế phẩm này được phân lập dựa trên hai tiêu chí: Khả năng ức chế độc lực thông qua việc làm tăng tỉ lệ sống của tôm; khả năng đối kháng (ức chế tăng trưởng, thông qua việc làm giảm mật độ) đối với nhóm vi khuẩn Vibrio spp gây bệnh trên tôm.
Tính mới này giúp làm tăng hiệu quả của sản phẩm và giúp bảo vệ tôm trong việc phòng bệnh do vi khuẩn Vibrio spp gây ra ở cả giai đoạn giống và giai đoạn nuôi thương phẩm.
Chế phẩm vi sinh BioShrimp-RIA2 được thử nghiệm ở một số trại giống và ao nuôi thương phẩm tôm sú và tôm thẻ chân trắng. Ông Thân Quang Hùng - chủ một trại nuôi tôm Cần Giờ (TPHCM), người đã thử nghiệm chế phẩm này - cho biết, BioShrimp có khả năng xử lý, ổn định môi trường, đặc biệt là có khả năng ức chế các dòng vi khuẩn có hại Vibrio spp (đặc biệt là dòng Vibrio parahaemolyticus gây bệnh chết sớm trên tôm (EMS)).
Sản phẩm được dùng tại khu thực nghiệm tại Cần Giờ cho thấy hiệu quả ức chế rõ rệt dòng vi khuẩn vibrio spp. Kết quả sử dụng định kỳ 500gr sản phẩm cho ao 3000m3 nước 3 ngày một lần, đồng thời lấy mẫu test đánh giá tổng khuẩn có lợi và có hại mỗi tuần cho thấy, sản phẩm BioShrimp có khả năng ức chế khá tốt dòng vi khuẩn có hại Vibrio spp.
So sánh với một số sản phẩm vi sinh nhập ngoại, ông Hùng thấy BioShrimp có chất lượng không thua kém, trong khi các dòng nhập ngoại có giá thành khá cao.
Theo bà Tĩnh, hiện công nghệ tạo chế phẩm vi sinh BioShrimp-RIA2 hoàn toàn có thể chuyển giao cho các doanh nghiệp. Từ công nghệ này, có thể sản xuất chế phẩm vi sinh BioShrimp-RIA2 có chất lượng cao, làm tăng sức đề kháng đối với bệnh do Vibrio spp trên tôm giống và tôm nuôi thương phẩm, tăng tỷ lệ sống, tăng khả năng sinh trưởng và xử lý môi trường ao nuôi một cách có hiệu quả. Quy mô sản xuất có thể đạt từ 5.000-10.000 kg chế phẩm vi sinh BioShrimp-RIA2 hằng năm, có thể mở rộng hơn nữa tùy theo yêu cầu của thị trường.