Nghiên cứu mới cho thấy não bộ ở những người cô đơn hoạt động khác nhau và khác cả với những người không cô đơn.

Người ta thường cho rằng điểm khác biệt chính giữa việc thích một mình và cô đơn nằm ở lựa chọn. Người thích một mình sẽ chọn hưởng thụ một buổi tối yên lặng hay một chuyến du ngoạn một mình, còn người cô đơn thì có thể cảm thấy lạc lõng ngay cả khi đang trong một căn phòng đông người. Một nghiên cứu mới đây đã đưa ra bằng chứng ủng hộ quan điểm này, cho thấy những người cô đơn có thể có lối suy nghĩ khác, cho dù mạng lưới xã hội của họ lớn đến đâu.

Các nhà nghiên cứu tại trường Đại học California - Los Angeles (UCLA), Mỹ, nhận thấy những người cô đơn khác hẳn bạn bè đồng trang lứa ở cách họ nhận thức về thế giới xung quanh, ngay cả khi tính đến số lượng bạn bè mà họ có. Phản ứng thần kinh của những người cô đơn khác với những người khác, chứng tỏ việc nhìn nhận thế giới khác biệt với những người xung quanh có thể là một yếu tố gây ra sự cô đơn, dù cho họ vẫn thường xuyên tiếp xúc với người khác.

Kết luận này được rút ra từ việc so sánh ảnh chụp cộng hưởng từ chức năng (fMRI) của 63 sinh viên đại học năm thứ nhất.

Trong mỗi lần quét ảnh dài 90 phút, những người tham gia được xem 14 đoạn video hấp dẫn theo trình tự cố định. Sau khi quét xong, họ tự báo cáo về cảm giác kết nối xã hội của mình thông qua Thang điểm Cô đơn của trường UCLA. Trước đó, trong năm học, mỗi người cũng đã trả lời bản khảo sát về mạng lưới xã hội của mình, trong đó họ đưa ra danh sách tên những người họ học cùng, ăn cùng, hoặc chơi cùng trong những tháng mới vào trường.

Người cô đơn có hoạt động não khác biệt bất kể số lượng bạn bè mà họ có. Ảnh: Noah Silliman
Người cô đơn có hoạt động não khác biệt bất kể số lượng bạn bè mà họ có. Ảnh: Noah Silliman

Các nhà nghiên cứu chia người tham gia thành hai nhóm: nhóm “cô đơn” gồm những người có số điểm cao hơn trung vị trong thang cô đơn, và nhóm không cô đơn có số điểm thấp hơn trung vị.

Khi so sánh ảnh chụp cộng hưởng từ, họ thấy rằng hoạt động não bộ của những người thuộc nhóm cô đơn rất khác nhau và khác với những người không cô đơn. Trong khi đó, hoạt động não của những người không cô đơn thì tương tự nhau. Điều này đặc biệt đúng ở vùng não hoạt động mặc định (vùng não hoạt động khi một người không tập trung vào thế giới bên ngoài, chẳng hạn như khi mơ mộng hay để tâm trí miên man) và vùng não xử lý phần thưởng. Kết quả này vẫn đúng ngay cả khi các nhà nghiên cứu đã tính đến những đặc điểm nhân khẩu học và số lượng các mối quan hệ xã hội của người tham gia.

Theo các nhà nghiên cứu, người cô đơn nhận thức về thế giới theo cách riêng của mình, điều đó có thể góp phần gây ra cảm giác không được thấu hiểu mà ta dễ gặp ở những người cô đơn.

Các nghiên cứu trong tương lai cần làm rõ nguyên nhân gây ra hiện tượng này. Một khả năng là do những người cô đơn không tìm thấy giá trị trong cùng một hoàn cảnh như những người xung quanh. Điều này có thể dẫn đến một vòng lặp, theo đóngười cô đơn càng thấy mình khác với bạn bè, khiến cho việc kết nối với những người xung quanh càng khó khăn hơn.

Một khả năng khác là chính sự cô đơn có thể dẫn đến việc xử lý thông tin khác đi.

Dù là khả năng nào đi chăng nữa thì việc tìm hiểu thêm về cách suy nghĩ của người cô đơn và làm thế nào để khuyến khích việc chia sẻ thấu hiểu sẽ giúp chúng ta tìm ra những cách làm giảm sự cô đơn.

Nghiên cứu được công bố trên tạp chí Psychological Sciences.