Hiện tượng một số người phải lòng tù nhân và tội phạm đã diễn ra từ lâu. Giờ đây, một nghiên cứu phát hiện ra rằng hiện tượng ấy phổ biến hơn nhiều so với chúng ta tưởng.
Thuật ngữ chính thức dành cho hiện tượng yêu người phạm tội là “Luyến ái với tù nhân”. Tiến sĩ Philippe Bensimon, một chuyên gia của Đại học Montreal tại Canada, vừa nghiên cứu hiện tượng này.
“Luyến ái với tù nhân” thể hiện rõ rệt trong trường hợp những kẻ giết người hàng loạt khét tiếng ở Mỹ, như Charles Manson và Ted Bundy. Hai kẻ này trở nên nổi tiếng vì nhận thư tỏ tình của nhiều phụ nữ.
Đối với những người làm việc trong các trại giam ở Mỹ, nghiên cứu cho thấy khoảng 4% số họ liên quan tới hội chứng “luyến ái với tù nhân”. Họ không chỉ bao gồm giám ngục, mà còn có thể là nhà tâm lý, nhân viên xã hội, y tá, giáo viên và một số đối tượng khác.
Luật pháp Mỹ có thể trừng phạt những nhân viên trại giam phải lòng tù nhân, với định nghĩa khá rộng về hành vi tình dục trái luật – từ quan hệ tình cảm tới hành vi khiêu dâm nhằm vào tù nhân.
“Quan hệ yêu đương với tù nhân là điều cấm kỵ. Hiện tượng ấy xảy ra trong mọi trại giam, không hề có ngoại lệ, nhưng các nhà quản lý trại luôn cố gắng phủ nhận sự tồn tại của nó. Thậm chí họ không nói về nó trong quá trình huấn luyện nhân viên”, tiến sĩ Bensimon khẳng định.
Bensimon và các đồng nghiệp tập trung vào hơn 300 trường hợp yêu tù nhân mà giới truyền thông Mỹ và châu Âu đưa tin trong giai đoạn từ 2005 tới 2015.
Trong mọi trường hợp, các nhân viên trại giam mất việc và thậm chí một số người còn phải bỏ nghề vĩnh viễn.
Kết quả nghiên cứu cho thấy phụ nữ có xu hướng phải lòng tù nhân lớn hơn so với nam giới. 70% trường hợp quan hệ tình cảm giữa tù nhân và nhân viên trại giam ở Mỹ liên quan tới nữ giới, mặc dù họ chiếm chưa tới một nửa lực lượng nhân sự trong nhà tù.
Theo Bensimon, vị trí của phụ nữ trong trại giam có thể là nguyên nhân khiến tỷ lệ nữ giới phải lòng tù nhân cao hơn hẳn so với nam giới. Những công việc nhân viên nữ đảm nhận trong tù có thể khiến họ phát sinh tình cảm với tội phạm.
“Chẳng hạn, ở Canada, phụ nữ lại chiếm tỷ lệ đa số trong lực lượng lao động ở nhiều trại giam dành cho đàn ông. Họ là bác sĩ, nhà tội phạm học, nhà tâm lý, y tá”, Bensimon nói.
Việc tù nhân nam quan hệ tình cảm với nhân viên nữ, như y tá hay nhà tâm lý, có thể tạo ra những nguy cơ đối với cả hai bên.
Do hoàn cảnh đặc biệt của nhà tù, những mối quan hệ như vậy chắc chắn sẽ dẫn tới kết cục xấu, với hậu quả nghiêm trọng với cả hai bên.
“Phạm nhân nam yêu nhân viên thường bị chuyển tới trại giam khác với những lời phê như “kẻ gạ tình” và “mối đe dọa tiềm ẩn đối với an ninh trong tù” trong hồ sơ”, Bensimon giải thích.
Với nhân viên nhà tù, quyết định sa thải của ban lãnh đạo nhà tù không chỉ khiến họ mất việc, mà còn có thể trở thành vết nhơ, làm tăng nguy cơ ly hôn, vị tiến sĩ cảnh báo.