Sự khắt khe, khó tính khiến nhà khoa học vừa nhận giải Kovalevskaia ngày 6/3/2016 bị học trò gọi vui là “phù thủy cưỡi siêu chổi”; để rồi khi chương trình nghiên cứu sinh kết thúc, họ gọi bà là “mẹ tiên đỡ đầu”.

Người phụ nữ “ghét” an nhàn

Ở tuổi 63, PGS-TS Đặng Thị Cẩm Hà vẫn bận túi bụi và tràn đầy năng lượng. Tiếp phóng viên Khoa học và Phát triển, người phụ trách Phòng Công nghệ sinh học tái tạo môi trường - Viện Công nghệ sinh học vừa tất bật với những báo cáo chuẩn bị cho chuyến công tác Hà Lan, vừa liên tục trả lời điện thoại của đối tác.

Có lẽ vẻ ngoài trẻ hơn tuổi của bà có được nhờ sự nhiệt huyết đối với công việc - ngọn lửa chưa bao giờ tắt từ thời thiếu nữ. Bà nhớ lại: “Khi ấy tôi mới 17 tuổi, cả tính cách lẫn vóc dáng đều còn trẻ con lắm, vậy mà được các thầy tin tưởng cho đi học nước ngoài. Thời đó được đi học như vậy là quý lắm nhưng cũng vất vả trăm bề, không sung sướng nhàn hạ như mọi người nghĩ; nhưng đã đam mê rồi thì cứ học tập rồi nghiên cứu, chẳng nghĩ gì cả và mọi thứ tốt đẹp cứ dần đến với mình. Khi GS Nguyễn Văn Hiệu viết thư gọi, chúng tôi lập tức trở về dù con đường phát triển sự nghiệp ở châu Âu, châu Mỹ rất rộng mở. Về nước rồi thì bắt tay vào từ đầu, mọi trang thiết bị khoa học, nghiên cứu đều thiếu thốn”.

PGS-TS Cẩm Hà (đứng giữa) đang hướng dẫn cho các nghiên cứu sinh.Ảnh: P.Phượng
PGS-TS Cẩm Hà (đứng giữa) đang hướng dẫn cho các nghiên cứu sinh. Ảnh: P.Phượng

Trong 10 năm ở nước ngoài, sau khi tốt nghiệp Đại học Tổng hợp Azecbaijan (Liên Xô cũ), bà Cẩm Hà lấy bằng tiến sỹ ở Viện Hàn lâm Khoa học Hungary, rồi làm cộng tác viên khoa học, nghiên cứu và giảng dạy di truyền phân tử tại Hungary và Áo.

“Khi về nước, nhiều từ chuyên ngành tiếng Việt tôi còn không rành rẽ lắm, cứ phải hỏi các bạn đồng nghiệp, rồi dần dần học lại” - PGS Cẩm Hà kể.

Vậy mà chỉ ít lâu sau, bà đã cùng một số đồng nghiệp lập các dự án thu hút tài trợ nước ngoài, trong đó có dự án xây dựng phòng thí nghiệm về môi trường cho Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam từ quỹ không hoàn lại của JICA (Nhật Bản).

Niềm đam mê khoa học khiến PGS Đặng Thị Cẩm Hà không bao giờ chấp nhận rảnh rỗi. Chưa hết dự án này, bà lại lao vào nghiên cứu khác để đưa công nghệ sinh học vào cải thiện chất lượng sống của người dân, như xử lý môi trường bị ô nhiễm dầu, tạo ra loại thuốc nhuộm hoạt tính vừa bền màu, giá rẻ vừa thân thiện với môi trường, hay biến phụ phế liệu nông nghiệp thành phân hữu cơ chất lượng cao…

Mạo hiểm để cứu đất nhiễm điôxin

Nói về công nghệ xử lý đất nhiễm điôxin bằng phương pháp phân hủy sinh học vừa đem lại giải Kovalevskaia cao quý, PGS Đặng Thị Cẩm Hà cho biết: “Công trình này gồm hàng loạt nghiên cứu từ cơ bản, công nghệ, thử nghiệm quy mô lớn dần đến các phân tích bản chất tập đoàn vi sinh vật bản địa, sự thay đổi nồng độ điôxin và chất diệt cỏ”.

Sau 10 năm nghiên cứu, công nghệ này được áp dụng tại sân bay Biên Hòa, Đồng Nai - nơi quân đội Mỹ từng lưu giữ và sử dụng 98.000 thùng phuy (loại 208 lít) chất độc da cam, 45.000 thùng chất trắng, 16.000 thùng chất xanh và 11.000 thùng chất diệt cỏ phục vụ chiến dịch phun rải chất độc hóa học. Mức ô nhiễm ở đây vào loại cao nhất thế giới.

Chỉ sau 27 tháng áp dụng công nghệ phân huỷ sinh học của PGS Hà, lượng điôxin từ hơn 10.000ppt giảm còn 52ppt, hiệu quả xử lý đạt 99,48%. Sau 40 tháng, hiệu quả xử lý đạt 99,84% (theo kết quả từ 3 ba phòng thí nghiệm của Hà Lan, Đức và Việt Nam).

Để có thành tựu đó, PGS Hà và cộng sự đã đối mặt với nhiều rủi ro khi tiếp xúc thường xuyên với môi trường chứa điôxin. Họ đã ở liền hàng tháng trời ở khu vực sân bay Biên Hoà để kiểm tra nồng độ điôxin, đánh giá các chủng vi sinh vật đất, đo, đếm, xác định các chỉ số.

“Dù đã mặc đồ bảo hộ nhưng vẫn không thể loại trừ nguy cơ tai nạn nghề nghiệp, nên tôi luôn nhắc các cộng sự thật cẩn trọng, nếu cảm thấy không ổn thì có thể dừng ngay. Nhưng cuối cùng chẳng ai dừng cả, cả đội miệt mài ngày đêm với đám vi sinh vật ấy” - bà mỉm cười nhớ lại.
Kết quả những tháng ngày đánh cược với sự an nguy của bản thân này là một công nghệ hiệu quả, chi phí thấp mà với nó, nhiều vùng đất nhiễm độc khác của Việt Nam sẽ được “làm sạch”, trở thành khu vực phát triển nông - lâm nghiệp. PGS Cẩm Hà cho biết, bà vẫn đang nghiên cứu cải tiến công nghệ này để rút ngắn thời gian xử lý và giảm thêm chi phí, có điều kiện áp dụng rộng rãi hơn.

Khát vọng “con hơn cha”

PGS-TS Đặng Thị Cẩm Hà tâm sự: “Triết lý sống của tôi giản đơn lắm. “You give before you get” - hãy biết cho đi trước khi nhận lại. Đó cũng là điều tôi luôn nhắc với các học trò và đồng nghiệp trẻ”. Dốc lòng đào tạo lớp cán bộ khoa học trẻ giỏi giang, nhiệt huyết là một trong những cách “cho đi” của bà.

“Con hơn cha là nhà có phúc”, thành ngữ dân gian này được bà Cẩm Hà coi là phương châm của mình trong sự nghiệp đào tạo, với ước nguyện thế hệ sau phải đạt được nhiều thành tựu hơn lớp cha anh đi trước. Do đó, bà luôn đòi hỏi rất cao ở học trò. Thạc sỹ Phạm Quang Huy - nghiên cứu sinh mà PGS Cẩm Hà đang hướng dẫn - cho biết: “Cô Hà là người rất khắt khe và cầu toàn. Chúng tôi luôn phải nỗ lực để đáp ứng những đòi hỏi ngày càng cao của cô, luôn phải cố gắng để làm tốt hơn chính mình làm ngày hôm qua”.

Tuy nghiêm khắc trong công việc, nhưng PGS Hà lại là người rất tình cảm và chu đáo. Thạc sĩ Huy cũng tiết lộ, dù đang rất bận nhưng hễ biết đồng nghiệp, cộng sự có việc cần tư vấn hay giúp đỡ, bà đều dành thời gian lắng nghe, chia sẻ, khiến mọi thành viên Phòng Công nghệ sinh học tái tạo môi trường mà bà công tác đều coi nhau như người trong gia đình.

PGS Cẩm Hà cũng vui vẻ thừa nhận: “Tụi học trò lúc đầu gọi tôi là “phù thủy cưỡi siêu chổi”, đến lúc kết thúc chương trình nghiên cứu sinh, chúng lại phong tôi là... mẹ tiên đỡ đầu”.

Tình cảm của học trò và các giải thưởng nhận được càng làm PGS Cẩm Hà thấy mình có trách nhiệm truyền đạt lại nhiều nhất có thể - không chỉ những gì mình biết, những thành công mà cả những sai lầm - để thế hệ sau tìm được con đường đúng nhanh hơn, bởi theo bà: “Thế hệ bây giờ vội vã lắm, rất thông minh nhưng không bền bỉ. Tôi mong các em sẽ đam mê hơn, nhiệt huyết hơn trong nghiên cứu khoa học, bởi đó là một chặng đường rất dài và đầy chông gai”.

PGS-TS Đặng Thị Cẩm Hà sinh năm 1952, hiện công tác tại Viện Công nghệ sinh học, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ VN. Bà từng học và nghiên cứu tại Azecbaijan, Hungary và Áo; làm chủ nhiệm gần 30 đề tài, dự án, nhánh đề tài ở các cấp quản lý khác nhau; công bố 146 công trình khoa học - công nghệ trong và ngoài nước. TS Cẩm Hà từng nhận giải nhất giải thưởng VIFOTEC 2001, bằng khen của Bộ Khoa học - Công nghệ và Môi trường năm 2001, bằng khen của Thủ tướng Chính phủ do đoạt giải cao Sáng tạo khoa học công nghệ Việt Nam 2005, huy chương vàng và bạc “Các nhà sáng chế phụ nữ quốc tế” tổ chức tại Hàn Quốc năm 2012, huy chương vàng Techmart 2015... Bà cũng đã được cấp và chấp nhận 10 bằng sáng chế, 2 bằng giải pháp hữu ích về công nghệ sinh học môi trường, thuốc, thực phẩm chức năng...