Nhóm nghiên cứu thuộc Viện Địa lý - Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam đã điều tra và xác định nguồn gốc của rác thải biển tại khu vực ven biển vùng Nam Trung Bộ (Đà Nẵng, Nha Trang, Quy Nhơn).
Một trong những khó khăn của việc việc xây dựng mô hình giám sát rác thải biển hiện nay, đó là hoạt động này đòi hỏi phải nghiên cứu kỹ lưỡng điều kiện khí hậu, địa hình, chế độ hải văn của từng khu vực.
Trong khuôn khổ dự án nghiên cứu “Điều tra, xây dựng mô hình giám sát rác thải biển và đề xuất giải pháp giảm thiểu ô nhiễm môi trường vùng ven biển Nam Trung Bộ”, TS. Dương Thị Lịm và cộng sự ở Viện Địa lý - Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam đã điều tra và xác định nguồn gốc của rác thải biển tại khu vực ven biển vùng Nam Trung Bộ (Đà Nẵng, Nha Trang, Quy Nhơn).
Theo thông tin từ
Trung tâm Thông tin - Tư liệu (Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam), qua xác định nguồn gốc địa lý của rác thải biển, nhóm nhận thấy: Khoảng 80% số lượng rác thải biển trong khu vực có nguồn gốc lục địa, khoảng 20% có nguồn gốc trên biển. Việc xác định nguồn gốc rác thải biển theo lĩnh vực ngành nghề cho kết quả theo thứ tự: Thủy sản > công cộng > không rõ nguồn gốc > vận chuyển > y tế > trái phép. Trong đó, chiếm phần lớn là rác thải biển có nguồn gốc từ thủy sản (43%), và công cộng (34%).
Mật độ rác thải trên các bãi biển trong khu vực nghiên cứu nằm trong khoảng từ 0,005 -1,054n/m2 và các bãi biển được đánh giá là sạch so với các khu vực khác trong cả nước và trên thế giới. Rác thải nhựa chiếm thành phần chính (97%) so với tổng rác thải biển. Rác có kích thước macro (lớn hơn 2.5cm) và meso (từ 5mm đến 2.5cm) chiếm thành phần chủ yếu (khoảng hơn 99%).
Từ số liệu điều tra, các nhà nghiên cứu đã xây dựng thành công mô hình giám sát rác thải biển và thực hiện thí điểm tại khu vực Đà Nẵng, đồng thời xây dựng hướng dẫn đánh giá/kiểm soát chất lượng cho việc giám sát rác thải biển tại khu vực nghiên cứu.
Tuấn Đỗ