Việc thiếu nguồn lực tài chính và con người là một trong những nguyên nhân chính khiến các kết quả ứng dụng năng lượng nguyên tử ở Việt Nam vẫn chưa tương xứng với tiềm năng và nhu cầu của thực tiễn.
Ngày 13/6, Bộ KH&CN phối hợp với UBND tỉnh Bến Tre tổ chức hội thảo Ứng dụng năng lượng nguyên tử phục vụ phát triển kinh tế - xã hội và lấy ý kiến về định hướng xây dựng Quy hoạch phát triển, ứng dụng năng lượng nguyên tử thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Với vai trò quan trọng trong nhiều lĩnh vực, lâu nay, năng lượng nguyên tử đã nhận được nhiều sự quan tâm và đạt được những kết quả đáng ghi nhận.
“Trong thời gian qua, chiến lược ứng dụng năng lượng nguyên tử vì mục đích hòa bình đến năm 2020, quy hoạch tổng thể và các quy hoạch chi tiết phát triển ứng dụng bức xạ và đồng vị phóng xạ trong các lĩnh vực: y tế, nông nghiệp, tài nguyên - môi trường, công nghiệp và các ngành kinh tế - kỹ thuật khác… do Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đã được các bộ, ngành tích cực triển khai thực hiện”, Thứ trưởng Bộ KH&CN Trần Hồng Thái phát biểu tại Hội thảo. "Bên cạnh sự phát triển về tiềm lực và hoàn thiện thể chế, các hoạt động nghiên cứu, ứng dụng năng lượng nguyên tử đã có nhiều bước phát triển đáng ghi nhận, mang lại hiệu quả kinh tế - xã hội to lớn trong nhiều lĩnh vực."
Cụ thể, trong lĩnh vực y tế, Việt Nam đã hình thành mạng lưới cơ sở bức xạ y tế; từng bước tự chủ hoạt động sản xuất dược chất phóng xạ, tiêu biểu là thuốc I131 - dược chất phóng xạ dùng cho người bệnh ung thư tuyến giáp của Viện Nghiên cứu kỹ thuật hạt nhân Đà Lạt. Gần đây, sản phẩm này đã được trao giải “
Ngôi sao thuốc Việt” của Bộ Y tế. “Đây là sự ghi nhận xứng đáng đối với một sản phẩm được nội địa hóa, được nghiên cứu và sản xuất bằng trí tuệ và hạ tầng của người Việt Nam, nhất là trong giai đoạn giãn cách xã hội do COVID-19, việc tự chủ thuốc I131 đã góp phần cứu sống hàng ngàn người khi không có nguồn thuốc nhập ngoại”, Thứ trưởng Trần Hồng Thái nhận xét.
Về nông nghiệp, theo đánh giá của Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA), Việt Nam đứng thứ 8 thế giới trong lĩnh vực nghiên cứu chọn tạo giống bằng chiếu xạ gây đột biến với một số giống cây chủ lực như lúa gạo. Tiêu biểu như giống lúa ST25 đã hai lần đoạt giải gạo ngon thế giới cũng là một giống lúa được tạo ra bằng chiếu xạ. Tính đến năm 2023, Việt Nam đã tạo ra và gieo trồng khoảng 80 giống cây trồng có năng suất cao, chất lượng tốt, chống chịu hạn, úng và kháng bệnh cao. Ngoài ra, công nghệ chiếu xạ cũng được ứng dụng trong kiểm dịch nông sản xuất khẩu.
Trong lĩnh vực tài nguyên và môi trường, kỹ thuật thủy văn đồng vị đã được áp dụng để đánh giá trữ lượng, nguồn bổ cập của nguồn tài nguyên nước ngầm, đánh giá an toàn công trình đập thủy điện, đánh giá sa bồi cảng biển, bồi lấp lòng hồ đập thủy điện, đánh giá xói mòn đất, thử nghiệm trong ngành dầu khí giúp tăng cường hiệu suất thu hồi dầu.
Ở những lĩnh vực khác, các kỹ thuật phân tích hạt nhân đã góp phần đánh giá các loại ô nhiễm môi trường đất, nước, không khí. Kỹ thuật kiểm tra không phá hủy bằng bức xạ được dùng để đánh giá chất lượng kết cấu, tuổi thọ công trình giao thông, xây dựng, công nghiệp và năng lượng.
Dù vậy, theo đánh giá của Thứ trưởng Trần Hồng Thái, các kết quả ứng dụng năng lượng nguyên tử ở nước ta vẫn còn chưa tương xứng với tiềm năng, triển vọng và đòi hỏi của thực tiễn.
Đơn cử như lĩnh vực nông nghiệp, “đến nay, ngoài chiếu xạ thực phẩm và kiểm dịch bức xạ, các ứng dụng năng lượng nguyên tử khác chủ yếu chỉ được áp dụng tại Viện Năng lượng nguyên tử Việt Nam (VINATOM), một số viện nghiên cứu lớn trong lĩnh vực nông nghiệp có hợp tác với VINATOM, và chỉ tập trung vào ba hướng chính là gây đột biến tạo chọn giống cây trồng, bảo vệ thực vật và bảo quản chế biến”, theo báo cáo của TS. Trần Minh Quỳnh, Phó Giám đốc Trung tâm Chiếu xạ Hà Nội. "Các lĩnh vực còn lại gồm thổ nhưỡng nông hóa, công nghệ sinh học, chăn nuôi và thú y dường như mới dừng lại ở mức độ nghiên cứu, dù các kỹ thuật đồng vị phóng xạ đã được thử nghiệm triển khai để xác định tốc độ xói mòn, rửa trôi đất canh tác, di chuyển chất dinh dưỡng (N, P) trong đất và cây trồng; theo dõi độ ẩm, độ mặn; hay nghiên cứu về miễn dịch động vật, sinh sản, dinh dưỡng và kiểm soát dịch bệnh cho vật nuôi."
Một trong những vướng mắc lớn nhất là thiếu nguồn lực. “Các kết quả đạt được trong thời kỳ quy hoạch (giai đoạn 2010-2020) chủ yếu thông qua các chương trình, dự án, nhiệm vụ KH&CN trọng điểm cấp quốc gia như Chương trình KC.05, dự án hợp tác kỹ thuật với IAEA/RAS cũng như các nhiệm vụ cấp nhà nước, cấp Bộ khác. Tuy nhiên, do không có chương trình khoa học công nghệ riêng cho ứng dụng bức xạ và hạt nhân trong nông nghiệp, nên kết quả thực hiện quy hoạch là rất hạn chế. Phần lớn các cơ sở nghiên cứu về nông nghiệp không có thiết bị chiếu xạ, và có rất ít các thiết bị hạt nhân để có thể thực hiện các nghiên cứu và triển khai ứng dụng năng lượng nguyên tử”, cũng theo báo cáo của TS Quỳnh. “Ngoài ra, một số nội dung quy hoạch giai đoạn trước chưa thật sự phù hợp. Kết quả thực hiện cho thấy quy hoạch cần phải bám sát thực tiễn và bảo đảm đầy đủ nguồn lực hỗ trợ trong quá trình thực hiện”.
Thứ trưởng Trần Hồng Thái cho rằng, kết quả của Hội thảo sẽ có đóng góp quan trọng và thiết thực cho định hướng phát triển ứng dụng năng lượng nguyên tử Việt Nam trong giai đoạn tới, đặc biệt là cho công tác xây dựng Quy hoạch phát triển, ứng dụng năng lượng nguyên tử thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. "Đây sẽ là công cụ quản lý nhà nước giúp nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động quản lý nhà nước trong lĩnh vực năng lượng nguyên tử”, ông nói.