Trung Quốc dự định xây dựng một máy va chạm hạt lớn nhất thế giới gọi là Máy gia tốc positron electron hình tròn (CEPC) có chu vi lên tới 100km. Cỗ máy này sẽ giúp các nhà khoa học đo lường hạt boson Higgs, một hạt bí ẩn mang lại khối lượng cho mọi vật.

Bên trong đường hầm chứa máy gia tốc hạt. Ảnh: Scientific American
Bên trong đường hầm chứa máy gia tốc hạt. Ảnh: Scientific American

Trong năm 2025, kế hoạch chi tiết xây dựng CEPC sẽ được trình lên Chính phủ Trung Quốc để đưa vào kế hoạch phát triển 5 năm tiếp theo của quốc gia này. Nếu mọi việc diễn ra suôn sẻ, dự án xây dựng CEPC có thể bắt đầu diễn ra vào năm 2027 và kéo dài khoảng một thập kỷ, theo báo cáo thiết kế kỹ thuật toàn diện về CEPC do Viện Vật lý Năng lượng cao (IHEP) thuộc Viện Hàn lâm Khoa học Trung Quốc thực hiện và công bố vào tháng 6/2024.

Báo cáo này ước tính CEPC sẽ có chi phí xây dựng khoảng 5,2 tỷ USD, rẻ hơn nhiều so với dự án Máy Va chạm Vòng tròn Tương lai (FCC) của châu Âu trị giá 17 tỷ USD, dự kiến được xây dựng vào những năm 2030.

Bên trong đường hầm khổng lồ của CEPC, các electron và phản hạt của chúng, positron, sẽ va chạm với nhau ở mức năng lượng cực kỳ cao để tạo ra hàng triệu hạt boson Higgs. Việc nghiên cứu chi tiết hạt boson Higgs có thể giúp trả lời các câu hỏi cơ bản về quá trình tiến hóa của vũ trụ, sự tương tác giữa các hạt và bản chất của vật chất tối.

Nguồn: Nature.com