Nhiều giải pháp nhằm thích ứng và giảm bớt tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu đã được đề xuất tại Hội nghị giao ban KH&CN vùng đồng bằng sông Cửu Long lần thứ 27.
Ngày 14/6, Bộ KH&CN phối hợp với UBND tỉnh Bến Tre tổ chức Hội nghị giao ban KH&CN vùng Đồng bằng sông Cửu Long lần thứ 27. Sự kiện được tổ chức hai năm một lần nhằm tổng kết, đánh giá kết quả hoạt động KH&CN và đổi mới sáng tạo của các địa phương trong khu vực này.
Phát biểu tại Hội nghị, Bộ trưởng Bộ KH&CN Huỳnh Thành Đạt đánh giá hoạt động KH&CN của các địa phương đã gắn liền với thực tiễn đời sống.
“Nhìn lại chặng đường vừa qua, hoạt động KH&CN và đổi mới sáng tạo của các tỉnh thành trong vùng đã đạt được nhiều kết quả rất đáng ghi nhận. Nhiều cơ chế, chính sách hỗ trợ nghiên cứu khoa học, ứng dụng, đổi mới công nghệ đã được ban hành và đi vào thực tiễn; hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo hình thành và phát triển nhanh; nhiều giải pháp về KH&CN ứng phó linh hoạt với biến đổi khí hậu được tổ chức triển khai… Có thể nói, các hoạt động nghiên cứu, ứng dụng tiến bộ kỹ thuật đã ngày càng gắn với thực tiễn sản xuất, đóng góp cho sự phát triển kinh tế - xã hội của mỗi địa phương và cả vùng”, Bộ trưởng Huỳnh Thành Đạt nhận xét.
Tuy nhiên, biến đổi khí hậu đang đặt ra nhiều thách thức cho Đồng bằng sông Cửu Long - một trong những khu vực chịu ảnh hưởng của biến đối khí hậu nhiều nhất trên thế giới.
“Vùng Đồng bằng sông Cửu Long, trong đó có Bến Tre vẫn phải đối mặt rất nhiều khó khăn, thách thức do những tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu, bao gồm triều cường, xâm nhập mặn, thời tiết cực đoan, sạt lở bờ sông…”, ông Trần Ngọc Tam, Chủ tịch UBND tỉnh Bến Tre, phát biểu.
Đơn cử, theo báo cáo của Viện Môi trường và Tài nguyên (ĐH Quốc gia TP.HCM), xu hướng tăng mực nước biển cùng với sự suy giảm lưu lượng dòng chảy từ phía thượng lưu khiến tình hình xâm nhập mặn ở Đồng bằng sông Cửu Long ngày càng trầm trọng, dẫn đến tình trạng thiếu nước ngọt hầu khắp các tỉnh thành, ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất nông nghiệp và nuôi trồng thủy sản. Tiêu biểu như năm 2020, nước mặn lấn sâu vào nội đồng hơn 100km, đạt mức kỷ lục trong lịch sử, khiến hàng chục ngàn hecta lúa mất trắng.
Trước tình trạng này, các nhà khoa học tại Hội nghị đã đề xuất nhiều giải pháp ứng phó. Cụ thể, đó là giải pháp về thủy lợi của của Viện Khoa học Thủy lợi Việt Nam; giải pháp về giống cây trồng, kỹ thuật canh tác để thích ứng với hạn hán, xâm nhập mặn của Viện nghiên Cây ăn quả miền Nam; công nghệ xử lý nước mặn thành nước ngọt của Viện KH&CN Việt Nam – Hàn Quốc (VKIST); công nghệ viễn thám trong nông nghiệp của Trung tâm Ứng dụng Công nghệ Vũ trụ TP.HCM…
Nhiều giải pháp trong số này xuất phát từ các đề tài nghiên cứu, đã được thử nghiệm và chứng minh hiệu quả trong thực tế. Chẳng hạn như túi cao su mềm trữ nước là sản phẩm của đề tài nghiên cứu cấp nhà nước do Viện Nhiệt đới môi trường (Viện KH&CN quân sự) thực hiện; hệ thống xử lý nước nhiễm mặn do trường ĐH Nguyễn Tất Thành chuyển giao cho tỉnh Bến Tre gần đây cũng bắt nguồn từ một đề tài cấp nhà nước kéo dài từ năm 2021-2024.
Song song với những giải pháp KH&CN, các chuyên gia cũng kiến nghị nên tận dụng kinh nghiệm, kiến thức bản địa vì người dân ở đồng bằng sông Cửu Long đã có lịch sử hàng trăm năm ứng phó với thiên nhiên. “Chúng ta nên quy hoạch phát triển đô thị hài hòa với thiên nhiên, phù hợp với đặc thù đồng bằng sông Cửu Long; xây dựng cơ sở hạ tầng theo hướng “chủ động sống chung với các rủi ro khí hậu” thay vì tiếp cận “sống chung với lũ” như hiện nay”, theo báo cáo của Viện Môi trường và Tài nguyên.
Trong khuôn khổ hội nghị, Bộ KH&CN và UBND tỉnh Bến Tre đã ký kết Chương trình phối hợp hoạt động KH&CN và đổi mới sáng tạo giai đoạn 2024 – 2030 nhằm hỗ trợ tỉnh ứng dụng KH&CN vào phát triển kinh tế - xã hội địa phương; hỗ tỉnh Bến Tre triển khai hiệu quả các chương trình, nhiệm vụ KH&CN cấp quốc gia, nhiệm vụ KH&CN cấp thiết địa phương như xử lý nước mặn, rác thải sinh hoạt; giải pháp thủy lợi ứng phó với biến đổi khí hậu; giải pháp tổng thể phòng trừ dịch hại; xây dựng cơ sở dữ liệu đất nông nghiệp, tạo sản phẩm mới từ dừa; xử lý phế phụ phẩm trong nông nghiệp; công nghệ bảo quản nông sản; công nghệ thông minh giám sát trực tuyến vùng sản xuất nông nghiệp; xây dựng mô hình làng thông minh; công nghệ sản xuất sản phẩm tái chế không gia nhiệt từ rác thải nhựa; phục dựng, lưu giữ bộ xương cá voi... |