Các nhà khoa học đã xác định được tác nhân gây bệnh xơ đen là vi khuẩn Pantoea stewartii subsp. stewartii

t
Trái mít bị đen xơ có giá trị kinh tế kém, thậm chí có thể bị loại bỏ khi xuất khẩu. Ảnh: Sở KH&CN tỉnh Ninh Thuận

Trong những năm gần đây bệnh đen xơ mít đã được ghi nhận xuất hiện ở nhiều vùng trồng như TP.HCM, Đồng Nai và Tiền Giang. Trái mít bị đen xơ có giá trị kinh tế kém, thậm chí có thể bị loại bỏ khi xuất khẩu.

Với mong muốn xác định tác nhân gây bệnh đen xơ mít ở Việt Nam để đưa ra giải pháp phòng trừ bệnh, các nhà khoa học thuộc ĐH Nông Lâm TP.HCM đã tiến hành dự án “Nghiên cứu tác nhân gây bệnh đen xơ mít tại một số tỉnh phía Nam và đề xuất giải pháp phòng trừ”.

Theo thông tin từ Trung tâm Thông tin và Thống kê KH&CN (CESTI) thuộc Sở KH&CN TP.HCM, các nhà khoa học đã xây dựng cơ sở dữ liệu về tác nhân gây bệnh đen xơ mít (chủ yếu trên mít Thái siêu sớm), gồm 21 chủng vi khuẩn được định danh dựa trên trình tự vùng gen cpsD và HrpS, từ đó xác định tác nhân gây bệnh xơ đen là vi khuẩn Pantoea stewartii subsp. stewartii. Kết quả điều tra hiện trạng cho thấy tỷ lệ bệnh vào mùa mưa cao hơn mùa khô. Bệnh đen xơ trên mít bắt đầu xuất hiện triệu chứng vào thời điểm đậu trái, vi khuẩn có thể đã xâm nhập vào trước giai đoạn này, có thể vi khuẩn đã xâm nhập từ giai đoạn hoa, khi búp hoa vừa nở.

Từ đây, các nhà khoa học đã tiếp tục xác định thuốc bảo vệ thực vật chứa các hoạt chất thuốc hóa học gồm Oxolinic acid (1,88 g/L và 3,75 g/L), Bronopol (0,69 g/L và 1,38 g/L), Oxytetracycline hydrochloride + Streptomycin sulfate (0,25 g/L và 0,50 g/L), Kasugamycin 20g/L, có khả năng kiểm soát vi khuẩn Pantoea stewartii subsp. stewartiitrong điều kiện phòng thí nghiệm và phòng trừ bệnh đen xơ trên đồng ruộng. Bên cạnh đó, thuốc bảo vệ thực vật sinh học có thành phần là Bacillus subtilis (≥ 109CFU/g) và một số vật liệu nano có khả năng đối kháng với vi khuẩn Pantoea stewartii subsp. stewartii trong điều kiện phòng thí nghiệm ở mức trung bình và có hiệu quả kiểm soát bệnh đen xơ mít ngoài đồng.