Không chỉ Việt Nam, nhiều quốc gia trên thế giới luôn coi KHCN là động lực để phát triển kinh tế - xã hội. Trong đó, mỗi nước lại có một chính sách, ưu tiên khác nhau nhằm phát huy tối đa nguồn lực trong lĩnh vực trọng yếu này.
Đức: Phát triển giáo dục và nghiên cứu KH
Trong giai đoạn 2006 – 2009, cùng với ảnh hưởng của sự suy thoái kinh tế toàn cầu, Cộng hòa Liên bangĐức đã phải đối mặt với một thách thức về chính sách kinh tế - tài chính lớn nhất trong vài thập niên trở lại đây. Khủng hoảng của thị trường tài chính trên thế giới đã khiến cho các ngân hàng trở nên cực kỳ thận trọng trong hoạt động cho vay và vì thế vốn trở nên khan hiếm. Trong đó, các công ty có những ý tưởng, công nghệ mới chịu ảnh hưởng nặng nề nhất do không tìm kiếm được nguồn tài chính để tiếp tục hoạt động của mình.
Trước tình hình đó, hơn 80 tỷ Euro đã được Chính phủ liên bang Đức đầu tư để đưa nền kinh tế vượt ra khỏi khủng hoảng. Đây được coi là một động lực thúc đẩy mức tăng trưởng lớn hơn nhiều so với nỗ lực của các nước khác trong cộng đồng châu Âu và trên cả thế giới.
Các lĩnh vực được Chính phủ Đức ưu tiên đầu tư trong gói cứu trợ này là giáo dục, nghiên cứu khoa học và đổi mới công nghệ...
Cụ thể, một khoản tiền lên đến hơn 8,6 tỷ Euro đã được dành cho giáo dục và khoa học nhằm nâng cao các điều kiện về học tập, giảng dạy và nghiên cứu trong trường học, viện nghiên cứu và trung tâm đào tạo. Các hệ thống hướng nghiệp cũng được phát triển mạnh mẽ nhằm định hướng lại đào tạo nguồn lao động, tránh tình trạng dư thừa nhân lực ở ngành này nhưng lại thiếu ở ngành khác.
Giai đoạn này, Chính phủ Đức đã tập trung nhiều hơn vào những nghiên cứu ứng dụng trong lĩnh vực di động, tái đổi mới cơ bản và hiện đại hóa về sử dụng năng lượng của các tòa nhà. Cùng với đó là hỗ trợ, đổi mới tập trung cho doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp vừa và nhỏ, doanh nghiệp công nghệ cao. Nhiều thiết bị, công nghệ mới cũng được truyền bá rộng rãi để có thể nhanh chóng đi vào sản xuất, nâng cao năng suất chất lượng, hiệu quả công việc...
Với những chính sách đúng đắn của mình, Đức đã nhanh chóng vượt qua cuộc khủng hoảng kinh tế. Đồng thời, duy trì được vị thế là một trong những nước có nền KHCN hàng đầu của châu Âu và thế giới với các sản phẩm công nghiệp và công nghệ được đánh giá cao.
Trong chiến lược phát triển đến năm 2020, một số lĩnh vực công nghệ cao như: an ninh quốc gia, môi trường – biến đổi khí hậu và biển, tài nguyên thiên nhiên và năng lượng, y tế, vật liệu mới, công nghệ thông tin – truyền thông, kỹ thuật vi hệ thống, công nghệ quang học, nghiên cứu vật liệu, công nghệ sinh học và công nghệ nano... sẽ được Chính phủ Đức ưu tiên phát triển.
Được biết, Chiến lược công nghệ cao 2020 hình thành trên cơ sở nội dung Chiến lược công nghệ cao 2006 của Chính phủ Liên bang mới. Bằng những chính sách đầu tư có trọng điểm trong thời gian dài của mình, Chính phủ Đức cho thấy sự nỗ lực không ngừng nhằm giữ vững vị thế hàng đầucủa mình trên trường quốc tế. Trong đó, KHCN được xem như một lĩnh vực tối quan trọng, giữ vị trí then chốt chi phối nhiều lĩnh vực khác trong đời sống xã hội và cần phải có nhiều biện pháp linh động, phù hợp với xu thế, hoàn cảnh mới để phát triển..
Hoa Kỳ: Tập trung thu hút nhân tài từ nước ngoài
Kể từ sau chiến tranh thế giới thứ 2, Hoa Kỳ đã nổi lên thành cường quốc có nền kinh tế lớn nhất thế giới. Trong đó, phát triển khoa học công nghệ luôn được coi là quốc sách hàng đầu để tạo đà cho các lĩnh vực kinh tế khác.
Trong hoạt động nghiên cứu và phát triển KHCN, Hoa Kỳ đã thành lập một Hội đồng cố vấn riêng cho Tổng thống về lĩnh vực này. Trong mỗi nhiệm kỳ hoặc mỗi giai đoạn, Hội đồng cố vấn có trách nhiệm đề ra những lĩnh vực ưu tiên để phát triển. Đồng thời, hoạch định những chiến lược, chính sách rõ ràng nhằm thực hiện được những mục tiêu đã đề ra.
Hiện tại, các lĩnh vực KHCN đang được Hoa Kỳ ưu tiên tập trung là: An ninh nội địa và an ninh quốc gia; Y tế; Năng lượng và môi trường; Công nghệ Nano quốc gia; Thiết bị đầu cuối máy tính và mạng; Hệ thống sinh học...
Bên cạnh đẩy mạnh nghiên cứu phát triển, Hoa Kỳ cũng có những chính sách nhằm phát triển nguồn nhân lực với việc coi trọng môi trường sáng tạo và khuyến khích phát triển, bồi dưỡng và thu hút nhân tài trong nhiều lĩnh vực.
Nhiều chính sách đã được Chính phủ Hoa Kỳ triển khai để phát triển giáo dục KHCN và lực lượng lao động KHCN như: xây dựng mối liên kết giữa giáo dục ĐH, sau ĐH với trường tiểu học, trung học để làm phong phú nội dung các môn trong chương trình; đưa ra nhiều phương pháp tiếp cận khoa học, công nghệ tới tất cả công dân Hoa Kỳ, đặc biệt là loại bỏ rào cản với phụ nữ và nhóm người thiểu số; duy trì sự trao đổi quốc tế để tận dụng nhân lực KHCN tài năng trên thế giới..
Có thể nói, sự phát triển nhanh chóng của KHCN Hoa Kỳ được hỗ trợ bởi hai đặc trưng: Chi phí cao cho nghiên cứu, phát triển và tăng cường thu hút nguồn nhân tài chất lượng cao từ nước ngoài thông qua nhiều kênh và phát triển hệ thống giáo dục đại học hiện đại tiên tiến của mình. Đây là hai điểm tựa vững chắc cho nền KHCN Hoa Kỳ.
Mặc dù Chính phủ có thể thay đổi nhiều đời tổng thống với các chính sách đối ngoại, phát triển đất nước khác nhau, nhưng về cơ bản, chính sách phát triển KHCN luôn luôn đồng nhất và luôn là mối quan tâm lớn của chính quyền đương nhiệm.